Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) ở mục 4, nói về mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta có nêu: “Trong quá trình thực hiện các phương hướng cơ bản đó, phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn như: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị, giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ;... không phiến diện, cực đoan, duy ý chí”.
Viết như vậy sẽ dẫn đến hai cách hiểu khác nhau:
- Cách hiểu thứ nhất: Trong quá trình thực hiện các phương hướng cơ bản phải đặc biệt nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ...; không phiến diện, cực đoan, duy ý chí.
- Cách hiểu thứ hai: Khi giải quyết các mối quan hệ (...) không phiến diện, cực đoan, duy ý chí.
Tôi xin đề nghị: trước các cụm từ “không phiến diện, cực đoan, duy ý chí” nên có thêm từ để tách rõ ý này và nối ý này liền với mạch diễn đạt chung của cả phần II.
Ở mục 6. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc (đoạn giữa trang, từ “Con người là trung tâm” đến “nền văn hóa Việt Nam”): Ðoạn này có năm câu nói về vị trí con người trong chiến lược phát triển và vai trò của các tổ chức, nhà trường, gia đình... trong việc chăm lo xây dựng con người Việt Nam. Nội dung được nêu lên trong các câu 1, 2, 3, 4 rất đầy đủ và dễ hiểu. Riêng câu thứ năm của đoạn này (“Ðơn vị sản xuất, công tác học tập, chiến đấu phải là môi trường rèn luyện phong cách làm việc có kỷ luật, có năng suất và hiệu quả cao, bồi đắp tình bạn, tình đồng chí, đồng đội, hình thành nhân cách con người và nền văn hóa Việt Nam”) tôi xin có ý kiến như sau: Việc hình thành nhân cách con người và nền văn hóa Việt Nam là một vấn đề lớn mang tính lịch sử, tính cộng đồng, được kế thừa và phát huy qua nhiều thời đại, nhiều thế hệ, còn “Ðơn vị sản xuất, công tác, học tập...” mang tính giai đoạn, tính bộ phận; là môi trường rèn luyện, là nơi thể hiện, làm phong phú thêm chứ không thể là nơi “hình thành nhân cách con người và nền văn hóa Việt Nam” được. Vì vậy, tôi đề nghị diễn đạt lại câu năm ở đoạn này cho phù hợp hơn.
Lê Văn Thuộc, Số 9, Lê Lai, Quảng Hưng, TP Thanh Hóa, Thanh Hóa
Nguồn: Nhân Dân điện tử