1. Đánh giá quá trình cách mạng Việt Nam
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 3-2-1930 đã nhất trí thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo. Đây là Cương lĩnh đầu tiên của Đảng. Trong các văn kiện này, mục tiêu của cách mạng Việt Nam làm “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”... đánh đổ thực dân Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập. Đảng ta cũng đã khẳng định Cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa (giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB CTQG, H.2001, trang 45, 46).
Như vậy, Cương lĩnh đầu tiên của Đảng là “Cương lĩnh về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân”, cho nên khi đánh giá quá trình cách mạng Việt Nam ở khoản 1, khổ thứ nhất trong Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, sau đoạn “... thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế...” nên thêm 1 đoạn như sau: hoàn thành thắng lợi vẻ vang cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân theo mục tiêu cương lĩnh đầu tiên của Đảng...
2. Những bài học kinh nghiệm
Ở bài học thứ ba, thay “... đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc...” bằng đoạn “... đoàn kết toàn dân tộc...” thành câu: “không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế”. Như vậy sẽ thống nhất với khoản 11, mục IV: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
3. Khoản 4, mục II: Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta nêu “mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng xong về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh”. Nêu mục tiêu tổng quát trong cương lĩnh như vậy là rõ ràng, đầy đủ.
Theo tôi, nên bỏ đoạn “Từ nay đến khoảng giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, vì đây là mục tiêu có ý nghĩa chiến lược đến năm 2020, không phù hợp với Cương lĩnh.
4. Mục III: Những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...
Tại khoản 6, khổ 8 có đoạn “Xây dựng đội ngũ những nhà kinh doanh có tài, những nhà quản lý giỏi”. Theo tôi nên sửa lại là: “xây dựng đội ngũ những nhà tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh giỏi, vừa có đức, vừa có tài”.
5. Mục IV: Hệ thống chính trị và vai trò của Đảng
Nên sửa lại tên mục này là: Vai trò lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị.
Đưa khoản 12: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam...” lên khoản 9. Đưa nội dung của khoản 9: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta...” vào cùng khoản 10: “Nhà nước ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa”. Như vậy trong mục IV chỉ còn 3 khoản từ 9 đến 11, phù hợp với cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Nguyễn Doãn Kình