Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ðảng lấy ý kiến nhân dân lần này, đề cập: Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cơ chế thị trường phải được vận dụng đầy đủ để phát huy mạnh mẽ và hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, khuyến khích làm giàu hợp pháp, đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, tăng cường đồng thuận xã hội để thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Theo chúng tôi, khái niệm chủ nghĩa xã hội không dừng lại ở việc thể hiện tính nhân đạo, nhân văn, không chỉ thực hiện công bằng cho số ít nhóm bất lợi như người nghèo, người cô đơn, tàn tật, đồng bào dân tộc, và đem lại cuộc sống sung túc, hạnh phúc cho toàn dân, mà trước hết phải thể hiện rõ tính giai cấp, là cam kết chính trị bảo đảm quyền lợi thiết thực của đông đảo người lao động. Ðó là tinh thần cốt lõi của chủ nghĩa xã hội và đó cũng là quan điểm xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa hiện nay đang tiếp tục thu hút ngày càng nhiều các nguồn tài nguyên chủ chốt của nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Cơ chế thị trường sẽ thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời tạo ra tình trạng “mạnh được yếu thua”. Ðời sống xã hội sẽ nâng cao nhanh chóng cùng với việc phân chia các nhóm xã hội khác nhau, cách biệt về thu nhập. Thêm vào đó là những yếu tố biến động của thiên tai, dịch bệnh, thị trường và quá trình biến đổi khí hậu trong tương lai tiếp tục tạo ra nhiều rủi ro trong sản xuất và đời sống cho nông dân.
Huy động cơ chế thị trường thúc đẩy công nghiệp hóa, nếu nắm vững định hướng xã hội chủ nghĩa thì cần thực hiện bằng được cam kết chính trị: Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Ðảng của giai cấp công nhân phải thông qua hệ thống pháp luật và bộ máy nhà nước, kiên quyết đổi mới các tổ chức công đoàn, hiệp hội, nghiệp đoàn, hợp tác xã... để trở thành lực lượng đủ sức bảo vệ quyền lợi kinh tế và chính trị cho người lao động. Lãnh đạo các tổ chức này phải thật sự do người lao động bầu ra, đóng góp và giám sát hoạt động phục vụ cho lợi ích của họ.
Nhà nước cần quyết tâm tập trung đầu tư hỗ trợ mạnh cho các tổ chức này. Thí dụ như giao khống chế một số lĩnh vực kinh doanh nông sản chiến lược và vật tư nông nghiệp quan trọng, tham gia cung cấp một số dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống của người lao động như tín dụng, bảo hiểm, khuyến nông, đào tạo nghề... Chỉ có kiên quyết đổi mới về tổ chức và tập trung hỗ trợ mới có thể tạo nên một bước đột phá về sức mạnh cho các tổ chức của người lao động, thông qua đó, nâng cao vị thế chính trị, kinh tế-xã hội để họ chủ động đảm đương được các hoạt động hợp đồng, hợp tác, liên kết, buôn bán với mọi thành phần kinh tế trong cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt.
TS. Đặng Kim Sơn, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn
Nguồn: Nhân Dân điện tử