Cần phân tích kỹ nguyên nhân cản trở việc thực hiện các nghị quyết của Đảng

Các dự thảo văn kiện đã đánh giá toàn cảnh và đề ra các phương hướng quan trọng, nhưng theo tôi nhìn chung thì dàn trải; do đó có cảm giác không mới khi chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới để bứt phá, khi đất nước đã đạt mức thu nhập trung bình.


Tôi mong muốn văn kiện dừng lại tập trung đánh giá, phân tích thẳng thắn, sâu sắc và có các giải pháp đột phá về một số vấn đề bức xúc của xã hội và của Đảng để có thể tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới.


Trong lịch sử Đảng ta từ sau năm 1975, tôi nghĩ có hai lần những ý kiến đóng góp của cơ sở và nhân dân giúp Đảng đột phá tư duy đổi mới, đó là: Hội nghị Trung ương 6 (khóa IV) họp năm 1979 khi chủ đề là công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp nhưng trọng tâm lại là vấn đề kinh tế cấp bách, từ đó hình thành những tư duy đổi mới bước đầu. Tiếp đó là Đại hội VI (năm 1986), tiếp thu ý kiến của cơ sở, phải viết lại báo cáo chính trị, đã hình thành cơ bản tư duy mở đầu thời kỳ đổi mới. Hai sự kiện này, theo tôi có đặc điểm: Tình hình thực tiễn xã hội đòi hỏi tư duy của Đảng cần được đổi mới; tình hình thực tế có nhiều mặt nhưng lãnh đạo đã lựa chọn một số vấn đề then chốt nhất để xử lý (ví dụ Đại hội VI, Bộ Chính trị chỉ chọn ba vấn đề để tiếp thu và thảo luận làm xoay chuyển tình hình).


Tình hình hiện nay, theo tôi nghĩ cũng có những nét tương ứng như hai thời điểm trên để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới. Tôi nghĩ những vấn đề sau đây cần được thẳng thắn phân tích đánh giá, tìm ra các nguyên nhân và có giải pháp mới, thực hiện quyết liệt. Nghiên cứu các văn kiện Đại hội, văn kiện nào cũng nói phát triển bền vững. Nếu không phân tích kỹ những nguyên nhân cản trở việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế bền vững để loại trừ, thì rất khó chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng tới chiều sâu, chất lượng trong thời gian tới. Phải chăng do bệnh chạy theo thành tích để chiếm lòng tin ảo và địa vị? Bệnh xu nịnh, thiếu hẳn những tranh luận, phản biện trung thực, thiếu các “gián quan” có trách nhiệm? Phải chăng do thái độ chủ quan, quan liêu không muốn lắng nghe những ý kiến phản biện trung thực?...


Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương

Nguồn: Hà Nội mới

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất