Trong hai ngày 26, 27-10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến rộng rãi của đại diện đồng bào các giới trí thức khoa học, doanh nhân, kiều bào, tôn giáo và dân tộc đang sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, đóng góp vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI
Các ý kiến đóng góp đề cập đến hàng chục nội dung quan trọng như chính sách thu hút nguồn lực kiều bào, phát huy tiềm năng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài; đầu tư cho khoa học-công nghệ; phát triển giáo dục, y tế; tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; chăm lo và phát triển đời sống cho đồng bào người dân tộc... và vê đường lối, chính sách được đề ra trong dự thảo các văn kiện.
Đề cập đến vấn đề giáo dục, nhiều trí thức kiều bào đề nghị trong hoạch định chính sách, đường hướng phát triển cũng như đầu tư cho nền giáo dục nước nhà rất cần hướng tới hiệu quả xã hội, đáp ứng theo nhu cầu của xã hội.
Kỹ sư Phạm Văn Bảy (Việt kiều Pháp) cho rằng, một số nội dung về giáo dục trong dự thảo còn chung chung và không có nhiều khác biệt so với các văn kiện Đại hội X, do đó cần phải được làm rõ hơn, chú trọng vào các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể của giáo dục Việt Nam trong những năm tới.
Cùng quan điểm này, tiến sỹ Trần Thanh Pôn (dân tộc Khmer), Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các nội dung đề cập về giáo dục trong dự thảo lần này là tương đối đầy đủ, cho thấy sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đến công tác giáo dục. “Nhưng so với văn kiện Đại hội X thì dự thảo lần này chưa có nhiều điểm mới, chưa có những thay đổi mạnh bạo, mạnh mẽ hơn. Chăm lo, phát triển giáo dục phải có kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, 2010-2015 làm cái gì, 2015-2020 thì làm gì, phải có điểm khác, điểm mới và nâng cao hơn qua từng giai đoạn. Nội dung dự thảo phải được nâng cao hơn so với văn kiện đại hội trước”, tiến sỹ Thanh Pôn nhấn mạnh.
Theo nhà giáo Nguyễn Xuân Sanh (Việt kiều Đức), hệ thống các trường đại học tại Việt Nam hiện chưa thể hiện đúng vai trò nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực cao cho xã hội do còn nhiều bất cập, có quá nhiều trường đại học được thành lập nhưng chưa được quản lý chặt chẽ.
Cũng là Việt kiều Đức, bà Nguyễn Thị Minh Phượng nhận xét chi phí dành cho giáo dục hiện ở mức cao, thể hiện sự quan tâm và quyết tâm của Đảng, Nhà nước, của toàn xã hội và toàn ngành giáo dục, nhưng triển khai thực hiện lại kém hiệu quả, chưa tương xứng với đầu tư và nhu cầu xã hội.
Góp ý kiến cho dự thảo các văn kiện, các vị chức sắc đại diện cho giới Phật giáo, Công giáo, các tổ chức Tin lành, các hệ phái Cao Đài, cộng đồng Hồi giáo… và đại diện các dân tộc tiêu biểu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhất trí cao với dự thảo các văn kiện nói chung, cũng như các nội dung đề cập đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc nói riêng. Đại diện các tôn giáo cũng khẳng định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đã thể hiện tốt việc tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tôn giáo của người dân, đặc biệt từ khi có Pháp lệnh về Tín ngưỡng, Tôn giáo càng có nhiều chuyển biến tích cực hơn trong đời sống tôn giáo nước nhà. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách đôi lúc, đôi nơi còn chưa tốt. Chia sẻ thêm, Thượng tọa Danh Lung (Phật giáo Nam tông Khmer) và tiến sỹ Phú Văn Hãn (dân tộc Chăm) cho rằng do việc thực hiện các chính sách tôn giáo, dân tộc đôi nơi, đôi lúc còn chưa tốt, dẫn đến những sự việc không đáng có, khiến chưa phát huy hết sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Các ý kiến cũng đề xuất trong công tác tôn giáo, dân tộc, Đảng và Nhà nước nên chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, am hiểu đời sống và nắm bắt được tâm lý của các tôn giáo, các dân tộc; đồng thời cần mở rộng, nâng cao hơn nữa tiếng nói đại diện đồng bào các dân tộc trong Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp, từ trung ương đến địa phương.
Nguồn: TTXVN/Vietnam+