Năm quan điểm trong Dự thảo Chiến lược là đúng, phù hợp

Cụ thể, Quan điểm phát triển bền vững (tr.24), trong Chiến lược mới chỉ trình bày 3 yếu tố quyết định sự phát triển bền vững, đó là kinh tế, xã hội và môi trường, cần nêu thêm 3 yếu tố nữa gồm văn hóa, phát huy dân chủ, phát triển con người.

Về Quan điểm phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất (tr.26), đề nghị nhấn mạnh thêm yêu cầu thu hẹp khoảng cách, dần dần đuổi kịp trình độ phát triển kinh tế và công nghệ so với các nước trong khu vực nhằm cổ vũ và phát huy tinh thần dân tộc trong hội nhập và đua tranh quốc tế.

Đặc biệt, tại nhóm các quan điểm phát triển, Chiến lược lần này không còn ghi quan điểm “kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân,” nhưng vẫn còn giữ nội dung “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” (tr.26). Kiến nghị bỏ ý này vì không phù hợp với thực tế cuộc sống, bởi hơn 20 năm qua, Đảng mong muốn và làm nhiều việc để kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nhưng thực tiễn không diễn ra như vậy. Kinh tế nhà nước không “đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế-xã hội và chấp hành pháp luật” như Nghị quyết Đại hội Đảng IX đã yêu cầu. Hơn nữa, nếu vẫn giữ ý này trong văn kiện Đại hội thì mặc nhiên Đảng thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, trong khi chúng ta cố chứng minh điều ngược lại.

Việc tiếp tục ghi vào Cương lĩnh quan điểm “kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân” nhưng không còn nhắc đến trong Chiến lược và Báo cáo Chính trị thì sẽ gây khó khăn trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XI. Vì vậy, đề nghị nếu thấy không còn phù hợp thì không ghi các nội dung trên vào Cương lĩnh nữa.

Về mục tiêu tổng quát đặt ra đến năm 2010 nên chọn mục tiêu “trở thành nước có trình độ phát triển trung bình trên thế giới” thay cho “trở thành nước công nghiệp” vì hiện nay thế giới thường dùng khái niệm nước phát triển, ít nói tới khái niệm nước công nghiệp hoặc nước công nghiệp mới như cuối thế kỷ trước.

Về các mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, ở tầm chiến lược, các mục tiêu chỉ cần nêu định hướng, định tính, hạn chế nêu định lượng mà để việc này cho các kế hoạch 5 năm. Nội dung về định hướng phát triển được nêu nhiều nhất trong phần của Chiến lược. Tuy nhiên, chỉ mới nêu lên tầm quan trọng nhưng ít đề cập đến giải pháp làm như thế nào để đạt mong muốn đã nêu.

Vê nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bảo đảm thực hiện thắng lợi Chiến lược, đề nghị cần nói đậm nét về vai trò và trách nhiệm của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

Trong Chiến lược, phần tư pháp, đề nghị bổ sung vấn đề kiện toàn không chỉ về tổ chức, con người mà cần mở rộng thẩm quyền và phạm vi xét xử của tòa án hành chính với mục đích giảm sự bức xúc dẫn tới tập trung khiếu kiện đông người, vượt cấp.

Về kiện toàn hệ thống chính quyền các cấp, đề nghị bổ sung vấn đề cải cách chế độ tiền lương, bảo đảm cho công chức sống được bằng lương. Đó là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, chống tham nhũng, quan liêu.

 

 

Trần Xuân Giá, Bí thư, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Á Châu (nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư)

Nguồn: (TTXVN/Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất