Thảo luận, góp ý vào Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước

Thảo luận, góp ý vào bản Dự thảo Cương lĩnh... của Đảng là trách nhiệm đảng viên, trách nhiệm công dân. Bài viết này lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm căn cứ lý luận và phương pháp luận, xin tham gia một số ý kiến sau: 

Các trào lưu tư tưởng XHCN đã có từ lâu, nhưng chỉ là những ước mơ không tưởng của loài người. Đến thế kỷ XIX, nhờ sự phát triển của các ngành khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ, chủ nghĩa tư bản đã phát triển, kế thừa các tư tưởng triết học, kinh tế học và chủ nghĩa xã hội của các thế hệ đi trước, chủ nghĩa Mác ra đời đã trình bày học thuyết XHCN một cách khoa học. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng xã hội tư bản đã tạo tiền đề cho cuộc cách mạng XHCN, tất yếu nó sẽ nổ ra và giành thắng lợi ở những nước tư bản phát triển nhất.

VI.Lênin đã phát triển học thuyết của Mác, không chờ nước Nga phong kiến, phát triển chậm và lạc hậu so với các nước tư bản Âu, Mỹ trở thành một nước tư bản phát triển để hội đủ các điều kiện như Mác đã chỉ ra, mà tiến hành ngay cuộc cách mạng Tháng Mười năm 1917. Cuộc cách mạng giành chính quyền từ tay Sa hoàng đã thắng lợi. Sau khi VI.Lênin qua đời, do những hoàn cảnh và điều kiện của nước Nga khi ấy, Đảng Cộng sản Nga đã xây dựng mô hình CNXH Xô-viết, mà chúng ta gọi là CNXH hiện thực, có ảnh hưởng rộng trên toàn thế giới.

Thực tiễn Cách mạng Tháng Mười Nga dưới sự lãnh đạo trực tiếp của VI.Lênin đã cho Nguyễn Ái Quốc những gợi ý quan trọng về con đường đi lên CNXH ở nước ta. Năm 1925, tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này - ra đời do Người sáng lập. Điều lệ của Hội khi đề cập đến Chương trình hoạt động đã xác định sẽ thành lập Chính phủ nhân dân; áp dụng những nguyên tắc “tân kinh tế chính sách” (chính sách kinh tế mới - NEP). Điều này cho thấy nhãn quan chính trị sâu sắc và tầm vóc lớn lao của Hồ Chí Minh không những với tư cách là người khai phá con đường mà còn là người chỉ ra cả nội dung, phương pháp, bước đi lên của cuộc cách mạng có tên là cách mạng XHCN ở nước ta sau khi giành được độc lập.

Việt Nam là một nước thuộc địa, nửa phong kiến nên phải giương cao ngọn cờ dân tộc nhằm tập trung lực lượng của toàn dân làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giành lại chủ quyền quốc gia, thiết lập chế độ dân chủ, cộng hoà, đồng thời làm cuộc cách mạng ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng; ra sức phát triển công, thương nghiệp, văn hoá, giáo dục, nâng cao dân trí, thực hiện dân quyền tự do; đảm bảo dân sinh hạnh phúc. Thực chất đây là cuộc cách mạng tư sản dân quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đó là những nội dung và yêu cầu của cuộc cách mạng dân chủ tư sản mà chúng ta gọi là cuộc cách mạng dân chủ nhân dân. Quan niệm về CNXH khi ấy mới chỉ như là viễn cảnh để hy vọng, mơ ước về một xã hội tương lai, về cuộc sống tốt đẹp sau khi giành được độc lập. Lý tưởng XHCN đã đi cùng Đảng và nhân dân ta trong suốt những năm tháng khó khăn gian khổ, động viên, cổ vũ chúng ta trên con đường đấu tranh giành và giữ vững chính quyền. Nhưng lý tưởng, lý thuyết về CNXH không thể chỉ là bức tranh để người ta mơ mộng mà đòi hỏi phải được cụ thể hoá, phải từng bước hiện thực hoá những nội dung tốt đẹp vào cuộc sống thường nhật của mọi người dân. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm cuộc cách mạng ở nước ta do Đảng Cộng sản lãnh đạo dù ở bất cứ giai đoạn nào thì vẫn phải bám sát một mục tiêu duy nhất (dĩ bất biến). Nếu năm 1945, khi Tuyên ngôn thành lập chế độ mới là xây dựng nước: Việt Nam dân chủ cộng hoà, độc lập, tự do, hạnh phúc thì cuối năm 1969, trong bản Di chúc thiêng liêng vẫn là xây dựng một nước: Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Không tách bạch nội dung và mục đích của cuộc cách mạng ở Việt Nam ra thành hai cuộc cách mạng (cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng XHCN). Người luôn cho rằng nó thống nhất và đan xen với nhau. Vấn đề quan trọng là Người rất chú trọng tới yêu cầu cụ thể của từng giai đoạn, đề xuất quyết sách, chủ trương, bước đi và phương pháp thích hợp. Quả thật, lịch sử là một dòng chảy liên tục, độc lập, tự do, dân chủ, hạnh phúc của nhân dân là một giá trị vĩnh hằng, nó chỉ cần bồi đắp thêm lên chứ không phải là sự khác biệt rạch ròi, một sự tách bạch cơ học, phân chia thành hai cuộc cách mạng. Vậy thì, khi một Đảng cách mạng chân chính ở Việt Nam theo học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì dù “Cương lĩnh 3-2” khi mới thành lập Đảng (1930) hay Cương lĩnh 1991, bổ sung phát triển năm 2011 gọi là “Quá độ lên CNXH” cũng bắt buộc phải bảo đảm được các nội dung như sau:

1- Giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, thống nhất đất nước, xây dựng chính quyền nhân dân vững mạnh do Đảng lãnh đạo. Ngay từ khi chuẩn bị làm cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, Chương trình Việt Minh đã ghi rõ: “Sau khi đánh đuổi được đế quốc phát-xít Nhật, sẽ lập nên chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”(1). Trên thực tế, Nhà nước Việt Nam sau cuộc Tổng tuyển cử toàn quốc (6-1-1946) đã được thành lập, tổ chức và hoạt động theo những chuẩn mực của một nhà nước pháp quyền. Ngày nay đã được ghi rõ trong Hiến pháp 1992 của nước cộng hoà XHCNVN là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân”. Vì vậy Cương lĩnh Đại hội XI của Đảng sẽ thông qua cũng rất cần nhấn mạnh việc giữ vững chủ quyền quốc gia, độc lập tự chủ về đường lối, thống nhất đất nước, thống nhất lòng dân cả trong lý trí, tâm lý, tình cảm và hành động yêu nước.

2- Chế độ xã hội mà chúng ta xây dựng nhất thiết phải là một chế độ dân chủ trên thực tế cho toàn thể nhân dân. Khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hồ Chí Minh đã khẳng định chế độ dân chủ của nước ta, nhất thiết không phải là chế độ dân chủ tư sản, nó phải là chế độ dân chủ của toàn thể nhân dân các dân tộc Việt Nam mà nòng cốt là giai cấp công nhân liên minh với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức. Nhà nước dân chủ Việt Nam có ba tính chất cấu thành đó là tính giai cấp (nhân dân lao động), tính nhân dân và tính dân tộc. Bản Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh đọc ngày 2-9-1945 đã khẳng định: “Chế độ mới đảm bảo cho người dân Việt Nam quyền bình dẳng, quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do”. Một chế độ dân chủ như thế thì hoàn toàn không có ranh giới tuyệt đối nào giữa dân chủ nhân dân và dân chủ XHCN, có khác chăng chỉ là ở mức độ và trình độ phát triển của nền dân chủ được thể hiện trong thực tế mà thôi.

3- Đối với Hồ Chí Minh, CNXH là một mục tiêu lý tưởng, một sự phấn đấu suốt đời của Người. Nhưng là một nhà biện chứng và nhà hoạt động thực tiễn nên không bao giờ Người đốt cháy giai đoạn, không bao giờ duy ý chí, bất chấp quy luật khách quan, chủ trương vội vàng xây dựng CNXH không tính toán kỹ những đặc điểm kinh tế-xã hội và truyền thống văn hoá của nước nhà. Hồ Chí Minh đã công khai tuyên bố về vấn đề xây dựng CNXH ở Việt Nam ngay từ năm 1946 khi Người trả lời một nhà báo nước ngoài (trong dịp Người sang Pháp với tư cách là thượng khách): “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác... Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình.Ở nước chúng tôi, những điều kiện ấy chưa có đủ”(2). Nhưng đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là ở chỗ: Người không đặt ra một ranh giới tuyệt đối để chờ đợi khi có đủ điều kiện mới nghĩ tới tiến hành xây dựng CNXH ở Việt Nam mà Người đã căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử và đặc điểm văn hóa dân tộc để đề ra những mục tiêu cụ thể, thiết thực nhằm kết hợp ngay từ đầu cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Việc giành chính quyền, xây dựng nhà nước pháp quyền, thiết lập nền dân chủ cộng hoà, thực chất đã là định hướng XHCN như cách mà chúng ta đang nói. Trong suốt hai cuộc chiến tranh chống đế quốc, thực dân để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đều nhất quyết một đường lối vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Trong đường lối kiến quốc, xây dựng nền kinh tế, Hồ Chí Minh đã chỉ ra đặc điểm lớn nhất của nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, nhỏ, manh mún, lạị chưa kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, nên “Phải cải tạo và phát triển nông nghiệp thì mới có cơ sở để phát triển các ngành khác..., để tạo điều kiện cho công nghiệp hoá nước nhà”(3). Người khẳng định: “Phải có một nền nông nghiệp phát triển thì công nghiệp mới có thể phát triển mạnh...”(4), "nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”(5). Đồng thời Người nhấn mạnh: “Công nghiệp phát triển thì nông nghiệp mới phát triển. Cho nên công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển như hai chân đi khoẻ và đi đều thì tiến bước sẽ nhanh và nhanh chóng đi đến mục đích. Thế là thực hiện liên minh công nông để xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống ấm no, sung sướng cho nhân dân”(6). Ngưòi lưu ý phải phát triển thương nghiệp để lưu thông hàng hoá, phục vụ sản xuất và tiêu dùng đồng thời từng bước mở rộng giao thương hợp tác cùng có lợi với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng chủ quyền của nhau. Trên tinh thần ấy Cương lĩnh lần này cần phải ghi đậm, minh bạch và cụ thể một đường hướng phát triển cân đối bền vững giữa các ngành kinh tế quốc dân, đảm bảo quá trình CNH và đô thị hoá không xô đẩy người nông dân lâm vào thế thua thiệt, phá sản và bần cùng như quá trình CNH đã diễn ra ở nhiều nước tư bản trước đây. Ngược lại phải có chính sách để đời sống của giai cấp nông dân Việt Nam ngày một tiến lên cùng với quá trình phát triển của CNH và đô thị hoá. Có như vậy thì khối đại đoàn kết toàn dân mà nòng cốt là công nông liên minh và đội ngũ trí thức mới được củng cố vững chắc, đảm bảo cho sức mạnh nội sinh của dân tộc trong thời buổi hội nhập và giao lưu quốc tế đầy bất trắc hiện nay.

4- Mục tiêu của cách mạng xã hội do Đảng Cộng sản lãnh đạo thì dù diễn đạt với những cách khác nhau (dân chủ nhân dân hay XHCN) thì về bản chất, ý nghĩa chân chính đích thực của nó, đều phải là cuộc đấu tranh giải phóng cho con người khỏi mọi bất công và tàn bạo, là làm cho con người được tự do, bình đẳng và hạnh phúc. Mục tiêu cao đẹp ấy không phải là việc có thể thực hiện dễ dàng, có thể làm tốt ngay mọi việc mà, theo Hồ Chí Minh, đó là con đường muôn dặm, phải từ hoàn cảnh của nước mình mà định ra chương trình, kế hoạch chắc chắn, có biện pháp cụ thể, rồi quyết tâm lãnh đạo, đoàn kết nhân dân tiến dần lên một cách vững chắc. Phải làm cho quần chúng nhân dân qua thực tiễn các phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo mà giác ngộ về CNXH, làm cho CNXH từ chỗ là mục tiêu, lý tưởng trừu tượng trở thành mục tiêu cụ thể, nguyện vọng thiết tha, sự nghiệp và lợi ích thiết thân của quảng đại quần chúng.

Nhớ lại, sau Cách mạng tháng 8-1945, khi chính quyền nhân dân còn trong trứng nước lại bị quân thù rắp tâm đánh đổ, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo chính phủ đề ra “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” bao gồm 6 điểm để khắc phục những hậu quả của chế độ cũ để lại: một là, diệt giặc đói (khi ấy dân ta vừa qua nạn đói chết mất 2 triệu người - 1/10 dân số cả nước lúc đó); hai là, diệt giặc dốt (lúc đó hơn 90% đồng bào ta mù chữ); ba là, tiến hành ngay cuộc tổng tuyển cử toàn quốc để bầu Quốc hội, xây dựng Hiến pháp dân chủ đầu tiên (Hiến pháp 1946); bốn là, giáo dục lại nhân dân sửa những thói hư, tật xấu do chế độ cũ để lại; năm là, bãi bỏ các loại thuế vô nhân đạo; sáu là, tuyên bố tự do tín ngưỡng, Lương Giáo đoàn kết (xem Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 các trang 7, 8, 9). Chủ trương đúng đắn đó đã được lòng dân và chỉ ít lâu sau một phong trào xây dựng đời sống mới được phát động, đồng bào cả nước hưởng ứng nhiệt liệt.

Với cương vị là người đứng đầu Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã yêu cầu kế hoạch nhà nước luôn luôn phải nhằm vào:

“1. Làm cho dân có ăn.

2. Làm cho dân có mặc.

3. Làm cho dân có chỗ ở.

4. Làm cho dân có học hành”(7).

Chế độ xã hội do Đảng Cộng sản lãnh đạo thì dù là chế độ dân chủ nhân dân hay chế độ XHCN, thì theo quan niệm của Hồ Chí Minh, nó đều phải là một xã hội trong đó mọi tầng lớp dân chúng, ai ai cũng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhà nước phải: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm. Người nào cũng biết chữ. Người nào cũng biết đoàn kết, yêu nước”(8). Bằng cách nói giản dị, mộc mạc, nhiều lần Người đã cụ thể hoá mục tiêu của CNXH ở nước ta một cách vắn tắt, dễ hiểu, thiết thực như sau :

CNXH “là mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do”(9). “CNXH là tất cả mọi người các dân tộc ngày càng ấm no, con cháu chúng ta ngày càng sung sướng”(10).

CNXH “trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”(11).

Tóm lại CNXH là làm sao cho “nước giàu, dân mạnh(12), “dân giàu, nước mạnh(13) và “dân giàu, nước sang(14).

Tất cả những điều trên, Hồ Chủ tịch đã nói ở cả thời kỳ mà chúng ta gọi là cách mạng dân chủ nhân dân và thời kỳ quá độ lên CNXH ở miền Bắc. Những vấn đề đó rõ ràng hiện đang là điểm nóng, là nỗi niềm dân nước mà Cương lĩnh của Đảng lần này nhất thiết phải có quyết sách cụ thể để hiện thực hoá chứ không thể chỉ cố gắng diễn đạt mới những tư tưởng đã cũ.

5- Phải thực hiện nguyên tắc công bằng xã hội. Hướng phát triển của CNXH là một xã hội mà mọi người đều thực sự bình đẳng hoàn toàn, bình đẳng về mọi phương diện. Nhưng đó là vấn đề của tương lai, của chủ nghĩa cộng sản, còn trước tiên, ngay từ khi nắm được chính quyền thì phải thực hiện ngay quyền bình đẳng về chính trị: bình đẳng dân tộc, bình đẳng nam nữ, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Bình đẳng đi liền với tự do: tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do tín ngưỡng... Tất cả quyền tự do và bình đẳng đó đều đã được hiến định ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp 1946) do Hồ Chủ tịch chủ trì soạn thảo.

Công bằng là nguyên tắc ứng xử và phân phối trong xã hội XHCN. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tầm quan trọng của phân phối công bằng trong chế độ ta là: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”(15). Nhưng công bằng, theo Người, không có nghĩa là cào bằng, là chấp nhận một chủ nghĩa bình quân, chia đều nhau sự lười biếng và nghèo khổ. Người nói: “Đồng cam cộng khổ là một tinh thần cần phải có, nhưng nếu bình quân chủ nghĩa thì lại không đúng. Bình quân chủ nghĩa là gì? Là ai cũng như ai, bằng hết... Bình quân chủ nghĩa là trái với chủ nghĩa xã hội, thế là không đúng”(16). Phân phối công bằng theo Người là phân phối theo số lượng và chất lượng lao động, do đó, nó còn là sự kích thích, động viên mọi người hăng hái thi đua học tập, nâng cao năng suất lao động, đồng thời trong nguyên tắc phân phối ấy lại phải có một phần để giải quyết chính sách xã hội - một biểu hiện tính ưu việt của CNXH. Đáng lưu ý nhất là Hồ Chí Minh phê phán thói đặc quyền, đặc lợi, thói phe cánh mưu đồ lợi ích nhóm - một hiện tượng đang như là bệnh dịch trong xã hội ta hiện nay - mà Cương lĩnh xây dựng đất nước lần này phải đề ra biện pháp khắc phục tích cực, có hiệu quả, không thể dừng lại ở những lời tuyên bố.

6- Xã hội Việt Nam hiện đại phải là một xã hội có văn hoá. “Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”(17), loại bỏ được mọi hủ tục, mọi thói hư tật xấu và sự nhu nhược, dốt nát, yếu hèn; phải xây dựng đời sống mới, làm cho từng người có văn hoá, từng nhà có văn hoá, từng làng có văn hoá. Hồ Chí Minh đã viết trong sách “Đời sống mới” như sau: “Do nhiều người nhóm lại mà thành làng. Do nhiều làng nhóm lại mà thành nước. Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu, thì thành làng xấu, nước hèn. Nếu mỗi người đều tốt, thì thành làng tốt, nước mạnh. Người là gốc làng nước. Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng đời sống mới, thì dân tộc nhất định sẽ phú cường”(18). Theo Người, một người Việt Nam, giàu hay nghèo, già hay trẻ, gái hay trai, thì đời sống mới gồm mấy điểm sau:

Về tinh thần, một là sốt sắng yêu Tổ quốc. Việc gì có lợi cho nước phải ra sức làm. Việc gì hại đến nước, phải hết sức tránh.

Hai là sẵn lòng công ích. Bất kỳ việc to việc nhỏ, có ích chung thì phải hăng hái làm...

Ba là mình hơn người thì chớ kiêu căng.

Người hơn mình, thì chớ nịnh hót.

Thấy của người thì chớ tham lam.

Đối với mình thì chớ bủn xỉn.

Cách ăn mặc phải sạch sẽ, giản đơn, chất phác, chớ lượt thượt, xa xỉ, loè loẹt.

Cách làm việc phải siêng năng, có ngăn nắp, có tinh thần phụ trách, đã làm việc gì thì làm cho kỳ được, làm đến nơi đến chốn. Chớ làm dối.

Cách cư xử đối với đồng bào thì nên thành thực, thân ái, sẵn sàng giúp đỡ.

Biết ham học... Biết rồi ta học thêm.

Ngoài ra, còn biết bao nhiêu điều cần học. Việc thế giới rất nhiều, học không bao giờ hết. Người có học mới tiến bộ. Càng học càng tiến bộ.

Đó là đời sống mới của một người... Không có gì là khó... miễn là mình muốn làm, cố chí làm thì nhất định làm được. Ai cũng làm như thế, thì tự nhiên nước Việt Nam ta trở nên một nước mới, một nước văn minh”(19). Đấy là những nội dung về xây dựng nền văn hoá mới, xây dựng đời sống mới trong chế độ dân chủ nhân dân, phải chăng nó lại không phải là nội dung của cuộc cách mạng XHCN hiện nay?

7- Xây dựng CNXH không thể và không phải là công việc đơn giản, dễ dàng. Hồ Chí Minh đã giải thích: “Biến đổi một xã hội cũ thành một xã hội mới, không phải là một chuyện dễ. Nhưng đó là những khó khăn trong sự trưởng thành. Toàn Đảng, toàn dân đồng sức, đồng lòng thì khó khăn gì cũng nhất định khắc phục được”(20). Người chỉ rõ: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa”(21). Con người xã hội chủ nghĩa phải có đức, có tài, nghĩa là phải “vững về chính trị, giỏi về chuyên môn”, là con người “hồng thắm chuyên sâu”. Tư tưởng XHCN là sự giác ngộ về lý tưởng cách mạng, tận trung với nước, tận hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, dũng cảm, có trí tuệ; là người biết sống chân thành, thuỷ chung, có tình, có nghĩa với gia đình, anh em, bạn bè, đồng chí, đồng bào. Có lần Hồ Chí Minh đã gọi người XHCN một cách nôm na, vắn tắt như muôn đời cha ông ta vẫn gọi: đó là người tử tế!

Điều quan trọng nhất là Hồ Chí Minh đã làm phong phú hệ thống lý luận về khoa học lãnh đạo, về Đảng trong điều kiện Đảng đã trở thành Đảng duy nhất cầm quyền bằng những chỉ dẫn cụ thể: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào Đảng cũng không những phải là người đầy tớ thật trung thành (tức là người làm việc chung tận tuỵ cho nhân dân) mà còn phải là người con hiếu thảo của nhân dân. Đảng phải quang minh chính đại, giữ nghiêm kỷ luật từ trên xuống và “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và chỉ thị của mình đã thi hành như thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hoá ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng”(22).

Theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, Việt Nam kiên trì con đường độc lập, tự do gắn với CNXH như là một sự lựa chọn tất yếu. Thực tiễn trên 20 năm Việt Nam đổi mới và phát triển đã chứng minh tính đúng đắn của CNXH ở Việt Nam - CNXH theo kiểu Hồ Chí Minh.

Về con đường tiến lên CNXH ở Việt Nam, Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác… ta thấy ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”(23). “Con đường khác” chính là con đường Hồ Chí Minh.

Theo chúng tôi, Cương lĩnh lần này cần thể hiện đậm và sâu sắc hơn tư tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh, đó chính là vấn đề nội dung, là bản chất của vấn đề. Tên Cương lĩnh có thể biểu đạt dưới một hình thức dễ hiểu, chẳng hạn: “Cương lĩnh xây dựng nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do và giàu mạnh”.

-------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2002, tập 3, tr.583. (2, 5, 7, 12, 17) Sđd, tập 4, tr.274, 215, 152, 477, 8. (3, 4, 6, 10, 11, 20, 21) Sđd, tập 10, tr.14, 15, 545, 317, 17, 159. (8, 18, 19, 22) Sđd, tập 5, tr.65, 98, 99, 100, 250. (9, 13, 16, 23) Sđd, tập 8, tr.396, 226, 386, 227. (14) Sđd, tập 6, 439. (15) Sđd, tập 12, tr.185.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất