Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương (khóa XI), đã xem xét, thảo luận Đề án “Quy hoạch BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhằm chuẩn bị nguồn cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược dồi dào để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài làm tiền đề quan trọng cho công tác nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo”. Có thể xem đây là bước đổi mới quan trọng trong công tác quy hoạch cán bộ của Đảng.
Nhớ lại cách đây 25 năm, đất nước đang trong cơn khủng hoảng kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn, cùng với đó, tình hình thế giới cũng có những diễn biến khá phức tạp, là những khó khăn, thách thức đối với sự lãnh đạo của Đảng. Trong bối cảnh đó, Đảng đã khởi xướng sự nghiệp đổi mới toàn diện và đưa đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đây là một chủ trương sáng tạo và vô cùng dũng cảm của Đảng ta. Sau 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện và chủ động hội nhập quốc tế, chúng ta đã tranh thủ thời cơ, vượt lên khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nước ta thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, bộ mặt của đất nước và đời sống mọi mặt của đại đa số nhân dân đã có nhiều thay đổi, có mức sống cao hơn nhiều so với trước; sức mạnh về mọi mặt của đất nước được tăng cường, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Có thể nói, thành công của sự nghiệp đổi mới có vai trò tiên phong, dũng cảm mở đường của những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.
Thế giới ngày nay đã khác xưa quá nhiều; chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa nhanh và cách mạng khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ đã và đang thúc đẩy quá trình hình thành xã hội thông tin và kinh tế tri thức. Các quốc gia và vùng lãnh thổ ra sức phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa. Liên kết kinh tế ngày càng sâu rộng, đồng thời cạnh tranh cũng vô cùng gay gắt. Tuy nhiên, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn trên thế giới. Từ những thành công và kinh nghiệm của công cuộc đổi mới và trong một thế giới vừa mở ra những thuận lợi, thời cơ, vừa đan xen những khó khăn, thách thức, Đại hội lần thứ XI của Đảng xác định: Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại… chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước, vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đường lối nào, cán bộ ấy. Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước và chủ động hội nhập quốc tế, đòi hỏi Đảng phải có một đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ. Bởi “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ”(1). Công tác cán bộ nói chung và quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược nhất thiết phải xuất phát từ đòi hỏi của nhiệm vụ chính trị.
Lâu nay, công tác quy hoạch cán bộ của ta mới tập trung chỉ đạo làm ở các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương; chưa thực hiện xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, nên chưa tạo được sự liên thông giữa cấp dưới với cấp trên, giữa địa phương với Trung ương, dẫn đến sự cắt khúc, thiếu đồng bộ trong công tác quy hoạch cán bộ, làm cho “lúng túng về lựa chọn, phân công công tác đối với nhân sự cấp cao”(2).
Lần này, Trung ương quyết tâm chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước chắc chắn sẽ khắc phục được một bước tình trạng không đồng bộ trong công tác quy hoạch, bảo đảm sự liên thông, gắn kết giữa trên với dưới, giữa địa phương với Trung ương, làm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp và chủ động.
Xây dựng quy hoạch cán bộ ở bất cứ cấp nào đều phải bảo đảm chất lượng, người được lựa chọn đưa vào quy hoạch phải bảo đảm đủ tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn cơ bản của mọi cán bộ là đức và tài, tâm và tầm. Đức và tâm là trung với nước, với Đảng, gần gũi, gắn bó với nhân dân, luôn chăm lo cho lợi ích của nhân dân. Tài và tầm là phải có trình độ, năng lực ngang tầm với nhiệm vụ chính trị đòi hỏi, với chức trách, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, cán bộ cấp Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước như Tổng Bí thư của Đảng, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ phải có sự đòi hỏi cao hơn. Không chỉ có đức độ mẫu mực, còn phải có trình độ, kiến thức sâu rộng, có tầm nhìn xa, có khả năng dự đoán trước xu thế phát triển của khu vực và thế giới. Trung ương xác định: “Nhân sự cấp cao nhất thiết phải có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"(3).
Từ đây, không gian và đối tượng để quy hoạch cán bộ chủ chốt nên như thế nào? Làm sao tìm chọn được đúng và đủ số cán bộ chủ chốt ở mọi cấp thật sự có tâm, có tầm như yêu cầu trên. Hơn nữa, không chỉ quy hoạch cán bộ cho yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, còn phải tạo nguồn từ xa để chuẩn bị nguồn cán bộ lãnh đạo các cấp kể cả cấp chiến lược cho lâu dài. Chỉ nhằm vào không gian trong Đảng và đối tượng là đảng viên hay phải nhằm vào đối tượng rộng lớn là hơn 90 triệu dân. Mở rộng không gian và đối tượng quy hoạch cán bộ Đảng, Nhà nước ra toàn dân sẽ phong phú và thuận lợi hơn, có nhiều người tài - đức để xem xét chọn lựa. Cần chủ động và sớm phát hiện những nhân tố trẻ, những điển hình tiên tiến từ các phong trào thi đua của các ngành, các cấp, các lĩnh vực công tác, chú trọng những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, có tín nhiệm ở các trường đại học vào quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo từ xa. Đảng thống nhất lãnh đạo, định ra tiêu chuẩn chức danh và có sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng, chắc chắn bộ óc thông minh, sáng suốt của toàn dân, của đội ngũ đảng viên sẽ tạo thuận lợi nhiều nhất cho Đảng quy hoạch đội ngũ cán bộ chủ chốt. Lịch sử đất nước cho thấy, có biết bao bậc hiền tài sinh ra từ nhân dân, đã hiến dâng tài trí cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước như Nguyễn Trãi với sự nghiệp của Lê Lợi chống nhà Minh xâm lược; các sĩ phu Bắc Hà mà tiêu biểu là Nguyễn Thiếp đóng góp xứng đáng với Hoàng đế Quang Trung trong sự nghiệp đại thắng quân Thanh, giành độc lập cho đất nước. Ngay Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng ta cũng được rèn luyện và trưởng thành từ phong trào cách mạng của nhân dân, được nhân dân tôn vinh là lãnh tụ của dân tộc, là “Bác Hồ” của mọi nhà Việt Nam, được quốc tế tôn vinh là “Danh nhân văn hóa thế giới”.
Dựa vào nhân dân và với bộ óc sáng suốt, trí thông minh, nhân dân sẽ giúp Đảng quy hoạch và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đủ tâm và tầm, đức và tài đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng mạnh.
Bùi Thanh
--------------------
(1,2,3) Thông báo Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI).