Công tác tổ chức giữ vị trí trọng yếu trong xây dựng và hoạt động của Đảng. Đội ngũ cán bộ tổ chức là chỗ dựa tin cậy của các cấp uỷ, trực tiếp tham mưu cho các cấp uỷ đảng về công tác tổ chức, cán bộ, cơ sở đảng, đảng viên, công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ tổ chức có năng lực, trình độ, kinh nghiệm công tác, có bản lĩnh, trung thực, khách quan, công tâm là tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng công tác tổ chức xây dựng đảng. Bởi vậy, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khoá VIII) đã nhấn mạnh: “Nâng cao phẩm chất, trình độ kiến thức và năng lực của đội ngũ làm công tác cán bộ. Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn những người công tâm, trung thực, trong sáng, có kinh nghiệm làm công tác cán bộ”.
Người làm công tác tổ chức cán bộ, ngoài những tiêu chuẩn chung theo Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII, theo tôi, cần nhấn mạnh một số điểm sau:
1. Kiên định, có quan điểm, chính kiến rõ ràng trước những biến đổi kinh tế-xã hội. Quyết đoán, kiên quyết chống tham nhũng, quan liêu và bản thân không tham nhũng, có ý chí khắc phục khó khăn, vững vàng trước những cám dỗ, sức ép trong công việc, bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ tốt; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và mạnh dạn đổi mới..
2. Trung thực, khách quan, công tâm, công bằng, dân chủ, nhận xét, đánh giá về tổ chức và cán bộ phải luôn dựa trên những căn cứ pháp lý, theo tiêu chuẩn cán bộ của Đảng, Nhà nước và căn cứ vào việc làm, hiệu quả công tác. Người cán bộ tổ chức làm việc phải công tâm, không phân biệt thân sơ, sang hèn, không địa phương cục bộ, bản vị; không xen tình cảm riêng tư, động cơ cá nhân “yêu nên tốt, ghét nên xấu” mà phải xem xét con người đúng bản chất, toàn diện, lịch sử, cụ thể một cách biện chứng.
3. Có tinh thần nhân ái, bao dung và gần gũi với đồng nghiệp, giải quyết công việc có lý, có tình. Lý là luôn dựa vào những quy định, nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước làm căn cứ. Tình là tình cảm giữa những người đồng chí, luôn có lòng vị tha, không hẹp hòi, thành kiến. Người cán bộ tổ chức phải có khả năng thuyết phục, quy tụ, giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, đơn vị.
4. Luôn sáng suốt, phải trái phân minh, muốn vậy người cán bộ tổ chức phải nhạy cảm về chính trị, nghề nghiệp, có tư duy độc lập, khả năng phân tích, tổng hợp, có vốn sống và kinh nghiệm ứng xử phong phú, tinh tế; kiên trì rèn dũa đức tính thận trọng, tỉ mỉ, chính xác. Phải có tâm và tầm. Tâm chính là đạo đức cách mạng “chí công, vô tư”. Tầm là năng lực, trí tuệ, sự hiểu biết, nhìn xa, trông rộng, phát hiện người tài, sắp xếp đúng người, đúng việc.
5. Phương pháp làm việc khoa học, tác phong sâu sát, không quan liêu, hành chính, phải đi sâu điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá có căn cứ một cách khoa học mọi vấn đề liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ. Chú ý lắng nghe thông tin nhiều chiều, chọn lọc và tiếp thu dư luận, phân tích, so sánh, kiểm tra các thông tin để nhận xét, đánh giá cán bộ chính xác.
6. Có trình độ, kiến thức về khoa học tổ chức, nắm vững nguyên tắc, đồng thời có kinh nghiệm, kỹ năng, thực hiện đúng các quy trình công tác tổ chức, cán bộ. Công tác tổ chức, cán bộ là một khoa học và là một nghệ thuật ứng xử với con người, đòi hỏi người cán bộ tổ chức phải được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ công tác tổ chức, những kiến thức về tâm lý học, kỹ năng hiểu biết, đánh giá, sử dụng con người, kiến thức quản lý nhà nước, quản lý kinh tế.
Không ngừng tu dưỡng về đạo đức và lối sống, luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của dân tộc lên trên hết, trung thực và tận tụy với công việc chung, nói đi đôi với làm. Thường xuyên tự phê bình và phê bình, coi đó “như cơm ăn, nước uống và rửa mặt hằng ngày”. Có phương pháp phê bình đúng, cụ thể, thiết thực, thân ái, phải xuất phát từ tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, giúp sửa chữa khuyết điểm, không sử dụng phê bình để làm mất uy tín nhau.
Nguyễn Duy Phương
Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Ninh