Tham nhũng ở nước ta hiện đang diễn ra rất nghiêm trọng, rộng khắp, đặc biệt ở không ít cán bộ có chức quyền cao. Tham nhũng phát triển tinh vi, hình thành nhiều nhóm lợi ích cấu kết để bảo vệ lợi ích cá nhân, làm sai lệch đường lối của Đảng, Nhà nước. Diễn biến của nạn tham nhũng nói chung, của nhóm lợi ích nói riêng thật khó lường. Chống tham nhũng là một trong những công việc cấp bách hiện nay, là một trọng điểm trong chỉnh đốn Đảng và cần được phân tích kỹ, chỉ rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp xử lý dứt điểm trong đợt tự phê bình và phê bình lần này, đặc biệt là trong cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước.
Nước ta đã có Luật Phòng, chống tham nhũng nhưng thực hiện Luật còn hạn chế, hiệu lực chưa cao. Vì vậy, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng lần này cần được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, kín kẽ, kiên quyết. Phòng là lâu dài, chiến lược, chống là cấp bách, trọng tâm, trực tiếp phục vụ cho thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI). Luật cần có hiệu lực cao, đạt hiệu quả mà nhân dân, cuộc sống mong đợi. Nhân dân có Luật là cẩm nang để giám sát cơ quan công quyền, để thực hiện chống tham nhũng.
Sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá XI). Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá XI) đã quyết định, cơ quan chỉ đạo chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư đứng đầu và lập lại Ban Nội chính Trung ương, là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, đến nay (5 tháng sau Hội nghị Trung ương 5 khoá XI) Ban Nội chính Trung ương vẫn chưa hình thành. Trong khi hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng hiện hành hiệu quả không cao. Cuộc chỉnh đốn Đảng đang mở rộng, đến nay hầu hết các ban thường vụ tỉnh, thành, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương và ban cán sự, đảng đoàn của các bộ, ngành Trung ương đã tiến hành tự phê bình và phê bình. Do đó cần nhanh bổ sung, sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng, lập Ban Nội chính với nhiệm vụ cấp bách giúp Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo phòng, chống tham nhũng.
Chỉnh đốn Đảng mà trọng điểm là chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng… theo Điều lệ, quy định của Đảng luôn được nhân dân đồng tình, hoan nghênh, tin tưởng. Khi có dấu hiệu phạm pháp, Đảng với vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền, chuyển vụ việc, cá nhân đảng viên là công dân để Chính phủ và Quốc hội giải quyết đúng luật, đúng người, đúng tội. Điều đó đúng với nhà nước pháp quyền - pháp luật là tối thượng, nhân dân làm chủ. Giải quyết tốt, nhân dân đồng tình ủng hộ sự chỉ đạo của Đảng.
Để Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả đáp ứng mong đợi của nhân dân, đáp ứng kịp thời cuộc chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) cần tổ chức thực hiện chặt chẽ, sâu sát, cụ thể. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng Luật Phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức đảng, nhà nước và nhân dân. Cần làm rõ từng điều luật tạo đồng thuận, sức mạnh để chống tham nhũng.
Thực thi luật nghiêm từ cấp cao nhất đến cơ sở. Chống tham nhũng kết hợp chặt chẽ với quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, trọng tâm là đợt phê bình và tự phê bình của các cấp ủy, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, các ban thường vụ tỉnh, thành, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các ban cán sự, đảng đoàn các ban, bộ, ngành Trung ương, Ban cán sự đảng Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ ban kiểm tra Trung ương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với việc thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng được sửa đổi, bổ sung. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trực tiếp thực hiện Luật này. Kiểm soát việc đảng viên thi hành luật, nhất là đối với cán bộ có chức vụ, có quyền của Đảng, Nhà nước… Đặc biệt, phải động viên huy động lực lượng đông đảo nhân dân thực hiện, giám sát thi hành luật.
Ngô Minh Giang