Thời gian gần đây, nhiều loại tệ nạn tiêu cực phát triển nghiêm trọng và lan rộng, tính chất ngày càng phức tạp, thủ đoạn và hành động ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Trong đó xuất hiện những nhóm lợi ích. Đó là tập hợp một nhóm người cùng “chí hướng” vì lợi ích cá nhân ích kỷ, cục bộ với phương thức hoạt động chủ yếu là tìm cách tác động lên chính quyền, khai thác, lợi dụng, lách những kẽ hở luật pháp.
Nhóm lợi ích được hình thành trên cơ sở các liên minh bất hợp pháp. Trong các nhóm này không thể thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước đã thoái hoá, biến chất, thậm chí họ có thể là những “sáng lập viên” của nhóm. Các nhóm và thành viên của nhóm không bao giờ lộ mặt công khai, chính thức. Phương châm hoạt động của các nhóm bí mật, khép kín, giấu mình, lẩn tránh sự kiểm tra, giám sát của kỷ luật đảng, luật pháp nhà nước. Nội dung hoạt động của nhóm là kết hợp để thu vén lợi ích, ràng buộc và khống chế lẫn nhau, khi lợi ích bị xâm hại, có nguy cơ phát lộ sẵn sàng vô hiệu hoá, thủ tiêu lẫn nhau để bịt đầu mối.
Nhóm lợi ích là một biến thể của chủ nghĩa cá nhân phát triển đến mức độ cao khiến tham nhũng phát triển sâu rộng, tính chất ngày càng phức tạp, trở thành nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng, của chế độ, tương lai của đất nước. Nó là “giặc nội xâm” trong lòng Đảng ta, chế độ ta. Chủ nghĩa cá nhân, hám vinh hoa, phú quý hình thành nhóm lợi ích, có thể thao túng đẻ ra chính sách mang nặng đặc quyền, đặc lợi, vượt lên mức cho phép của nền kinh tế, xã hội, gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng trong trong các đơn vị, cơ quan của Đảng, Nhà nước.
Nhóm lợi ích là một dạng maphia. Số cán bộ đảng, nhà nước thoái hoá, biến chất hợp tác với "đại gia", dựa vào nhau “ông mất của kia, bà chìa của nọ” để thu vén lợi ích cá nhân. Có nhóm lợi ích chính trị, nhóm lợi ích kinh tế, nó phát triển từ cấp cao đến cơ sở. Xin nêu một số hiện tượng bị dư luận lên án.
Trong chính trị, nhóm lợi ích xuất hiện khi người ta lợi dụng quyền lực để đưa con cháu vào các vị trí có quyền lực. Có quyền lực thì sẽ có khả năng liên kết, thu vén bổng lộc, tiền tài. Đồng chí Nguyễn Đình Hương, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương phụ trách công tác cán bộ, nguyên Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ đã chỉ ra hiện tượng: Công tác cán bộ còn bị nhóm lợi ích tác động rất tích cực, làm cho sai lệch trong đánh giá và bố trí cán bộ. Gần đây có hiện tượng một số con ông cháu cha tham gia Trung ương, nên trong cán bộ, đảng viên có câu “một là hậu duệ, hai là tiền tệ, ba là quan hệ, bốn mới đến trí tuệ”. (Trả lời phỏng vấn báo Người Cao tuổi số 1+2 (1006+1007) ra ngày 1-1-2012). Nhóm lợi ích đã có thể vươn cao, vượt qua cả hàng rào của tổ chức, kiểm tra, đi sâu vào cơ quan cao nhất của Đảng. Ở một cơ quan tổ chức, người đứng đầu tổ chức đã thoái hoá về đạo đức, họ lại tìm kiếm những cán bộ, có tài sản không minh bạch, có đời sống vương giả, tạo thành một ê kíp đồng thuận, đó chẳng là nhóm lợi ích đó sao?
Trong kinh tế, nhóm lợi ích là sự câu kết giữa đại gia với cán bộ thoái hoá, biến chất ở bộ máy công quyền trong các lĩnh vực để thao túng chính sách, tạo ra các dự án, đại dự án, lợi ích ngầm chia nhau, thao túng thị trường. Phạm vi nhỏ hơn là tạo lợi ích cục bộ. Ở một cơ quan, nước ngoài tài trợ trên 10 tỉ đồng để xây dựng đề án chống tham nhũng. Sau đó trên cấp thêm vài ba tỉ đồng nữa. Cơ quan đó đã cử ra một ban để thực hiện dự án. Nhưng lại trích ra trên nửa tỉ đồng để làm “quỹ đời sống”. Do ăn chia không đều, có người trong nội bộ tố cáo, Uỷ ban Kiểm tra vào cuộc và kết luận có nhiều chi tiêu không minh bạch dẫn đến sai phạm. Rồi cũng vì quyền lợi cục bộ, lấy danh nghĩa cơ quan liên hệ được một số lớn căn hộ, nhưng ít người đến ở. Số còn lại bán đi lấy tiền chia nhau. Lại nội bộ tố cáo lẫn nhau, lại kiểm tra và kết luận sai phạm. Đáng chú ý ở đây là nhóm lợi ích bao che nhau nên số cán bộ có sai phạm lại được đề bạt vào chức vụ lớn hơn! Vì lợi ích của nhau, họ đã đưa cán bộ “tâm đầu, ý hợp” vào tổ chức để dễ dàng thao túng
Ở những đơn vị cơ sở, nhiều nơi cũng xuất hiện những nhóm lợi ích dưới dạng biến lợi ích công của dân thành lợi ích của đơn vị để chia nhau quyền lợi. Ở một công viên công cộng, nơi nhân dân thường vào đánh cầu lông, đi bộ, dẫn cháu nhỏ đi chơi, bỗng chốc biến thành nơi bán hàng, trông xe. Có cổng để dân ra vào thuận tiện họ đóng lại. Khi họp cử tri, nhân dân chất vấn thì người đại diện chính quyền cơ sở trả lời vì an ninh nên công viên phải đóng cửa để bảo vệ! Người dân muốn vào công viên phải trèo qua hàng rào sắt cao tới 3 – 4m và bẻ cong thanh sắt hàng rào để có chỗ hổng chui vào tập thể dục… Đó chẳng phải là nhóm lợi ích hay sao?
Nhiều kiểu nhóm lợi ích đã phát triển trong các đơn vị, cơ quan công quyền, ngoài xã hội gây tiêu cực lan tràn đè nặng cuộc sống nhân dân. Nhóm lợi ích đang tác động nghiêm trọng tới sự lãnh đạo, uy tín của Đảng, làm méo mó tính chất của các công bộc, làm mờ bản chất tốt đẹp của chế độ, thậm chí chi phối cơ quan công quyền, bằng đủ mọi mánh khoé, thủ đoạn. Họ cần được mang ra kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc, xử lý nghiêm minh trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI.
Ngô Minh Giang