Nhận mặt suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI khẳng định: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp …”.

Thế nào là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp?

Trong các văn kiện quan trọng nhất của Đảng đều khẳng định Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tản tư tưởng, lãnh đạo nhân dân ta xây dựng chủ nghĩa xã hội với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tư tưởng chính trị là ánh sáng  dẫn dắt cuộc đời mỗi cán bộ, đảng viên. Người đảng viên cộng sản khi được kết nạp vào Đảng đều thề rằng: “Suốt đời trung thành với lý tưởng của Đảng…”.

Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tổ quốc thống nhất, sau gần 40 năm non sông liền một dải, đất nước đang thay da đổi thịt,  cuộc sống đã sung túc hơn xưa, nhiều cán bộ đảng viên đã quên đi bao gian khổ, hy sinh xương máu của lớp cha anh thuở trước. Ngay trên mảnh đất Quảng Trị đã có ba nghĩa trang quốc gia: Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn và Thành cổ Quảng Trị (đó là chưa kể, có thể nói, còn một nghĩa trang nữa dưới lòng sông Thạch Hãn). Đã có biết bao người con yêu quý đã ngã xuống để có cuộc sống thanh bình hôm nay.

Bả vinh hoa, phú quý, đặc quyền, đặc lợi đã làm mờ lý tưởng của một bộ phận cán bộ đảng viên, đặc biệt với một số cán bộ đảng viên lãnh đạo, quản lý cấp cao. Nó góp phần làm cho tham nhũng phát triển nghiêm trọng như hiện nay. Không tham nhũng không thể với tiền lương mà có cán bộ lại xây được nhiều nhà. Có người tới 6-7 nhà đồ sộ với nội thất sang trọng, sống xa hoa xa lạ với đời sống của nhân dân.  Nhân dân ca thán “đày tớ” mà ngồi trên “ông chủ”, sống như đế vương, ăn nhậu quá xá. Một đầu bếp được chuẩn bị bữa ăn do một đại gia mời một cán bộ lãnh đạo có vị trí cao kể rằng, chỉ riêng bát yến sào cho riêng quan chức ấy đã có giá trên 3 triệu đồng. Sống như vậy, liệu có biết dân, các em bé ở vùng sâu, vùng xa còn khổ thế nào không? Có cán bộ chiếm đất xây nhà lớn, nội thất hiện đại, sang trọng, bị dư luận xã hội chê trách, đồng chí phê bình, nhắc nhở lại ngang nhiên đáp trả: “Là cán bộ, đảng viên phải biết hưởng lối sống văn minh!”. Hiện nay, phương tiện phục vụ công tác đầy đủ, hiện đại nhưng cán bộ lãnh đạo không vì thế mà lạm dụng, dùng phương tiện phục vụ công tác để phục vụ cả gia đình riêng, sống cách biệt, quan liêu. Bệnh quan liêu, dẫn đến xa dân, giải quyết công việc với dân hách dịch, ban phát.

Những cán bộ, đảng viên ấy đã quên lời thề khi vào Đảng, mờ lý tưởng và quên tất cả những gì mà nhân dân ta, lớp cha anh đã đổ xương máu mới có hôm nay. Đó chính là những kẻ đã suy thoái toàn diện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Thoái hóa về tư tưởng chính trị còn là không chịu tự rèn luyện, không sát thực tiễn, không nắm chắc tình hình quốc tế nên giáo điều, rập khuôn, kinh điển máy móc. Nếu ở vào vị trí người lãnh đạo, sẽ dễ đề ra những chủ trương chính sách không sát với thực tế hoặc tạo ra những lỗ hổng, dễ bị lợi dụng làm biến dạng bản chất tốt đẹp của Đảng, Nhà nước ta. Vô cảm với nỗi đau của người khác. Có đồng chí chủ tịch hội TNXP trình lên cấp trên 100 hồ sơ TNXP trong kháng chiến chống Mỹ…Nhưng chờ mãi vẫn không được giải quyết, hỏi đến, chỉ được trả lời rất vô cảm của người có trách nhiệm là: chưa đủ thủ tục. Trong khi anh chị em TNXP có người đã mất, nhiều người đang sống vô cùng khó khăn vì sức khoẻ của những năm tháng thanh xuân nhất để ở chiến trường…

Bác Hồ là tấm gương sáng ngời về đạo đức, lối sống. Bác là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Bác có điều kiện để ở nhà cao cửa rộng nhưng Bác sống giản dị ở ngôi nhà sàn, sinh hoạt đơn giản, thanh đạm. Bác xuống cơ sở, ra đồng ruộng, lên guồng tát nước, bà con nông dân quây quần quanh Bác như bên một lão nông. Bác vào xưởng máy, trường học, bao giờ Bác cũng xem bếp, nước, nơi vệ sinh, nơi ăn ngủ của công nhân, học sinh. Vậy mà trong cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, không ít cán bộ nói học tập mà không làm theo, nói không đi đôi với làm.

Trong lịch sử của Đảng có biết bao cán bộ sống rất thanh bạch, giản dị, suốt đời chăm lo công việc cho Đảng, cho dân. Tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Trần Kiên, Đỗ Quang Thắng … Những tấm gương như thế đáng để cho lớp cán bộ lãnh đạo tiếp theo phải học tập noi gương. Nhưng tiếc rằng do ham bả vinh hoa, do cơ chế chính sách và ít rèn luyện nên không ít đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.

Nhìn ra nước ngoài, Ở Liên Xô thời L. Brê-giơ-nép làm Tổng Bí thư đã xây một biệt thự rất hoành tráng, sang trọng. Nhưng thời M. Gooc-ba-chốp làm Tổng Bí thư xây dựng một lâu đài còn sang trọng gấp trăm lần so với Tổng Bí thư tiền nhiệm. Khi Liên Xô trong thời kỳ chính biến, có một học giả đã tiến hành một cuộc điều tra xã hội với câu hỏi “Đảng cộng sản Liên Xô đại diện cho ai”, 7% người được hỏi cho rằng Đảng là đại diện nhân dân lao động,  4% cho là đại diện công nhân ; 85% cho là đại diện giới cán bộ quan chức nhà nước quan liêu. Một chính đảng mà xa rời quần chúng nghiêm trọng như vậy, trong những thời khắc quyết định sẽ bị quần chúng bỏ rơi là tất yếu! Đây là bài học cảnh báo Đảng ta.

Chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4  khoá XI đã thật sự cấp bách. Tự chỉ trích, tự phê phê bình và phê bình nghiêm khắc trước hết trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, làm rõ về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, nghiêm túc mổ xẻ và tìm nguyên nhân, đưa ra giải pháp khắc phục. Làm thật sự cho Đảng ta trong sáng về tư tưởng chính trị đạo đức lành mạnh, lối sống giản dị mang đậm bản sắc dân tộc, thương người như thể thương thân,  thực sự là “công bộc” của dân. Có thế  Đảng và Nhà nước mới trong sạch vững mạnh, mới được nhân dân tin tưởng, đi theo.

Đó là mong ước của Bác gửi lại trong Di chúc.

Đó là lời thề của Tổng bí thư Lê Duẩn khi tiễn Bác đi xa.

Chúng ta là lớp con cháu, hậu sinh, phải rèn luyện phấn đấu để làm cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo nhân dân đưa đất nước ta lên đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu.

Phản hồi (3)

Phạm Thông 15/09/2012

Triết học Mác- Lênin đã khẳng định: "Vật chất quyết định ý thức". Theo tôi vật chất ở đây là cả thế giới khách quan bao gồm vật chất bình thường mà ta có thể cảm quan được và cơ chế vân động của thế giới con người đang tồn tại. Như vậy ý thức của mỗi cá nhân hay kể cả cộng đồng cũng đều bị thứ vật chất theo nghĩa rộng ấy chi phối mà tạo ra ý thức. Nói cách khác, tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống nằm trong phạm trù ý thức ắt sẽ bị lực lượng vật chất theo nghĩa rộng kia chi phối và hình thành. Bởi tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sông đềù là tập hợp con của tập hợp ý thức. Một khi mà sự thoái hóa trở thành quốc nạn thì phải xem lại có phải tự thân ý thức tự thoái hóa hay là cái vế thứ hai kia của lực lượng vật chất đóng vai trò quyết định cho các hiện tượng thoái hóa trong xã hôi của chúng ta hiện nay. Một khi xác định một cách khách quan, đúng nguyên nhân thì mới có được các phương pháp tổng hợp đồng bộ và phương pháp cốt lõi để tiến hành khắc phục được

phan minh phong 15/09/2012

Đại bộ phận nhân dân còn thiếu nhiều tri thức và chưa thực sự quan tâm đến vấn đề trên, đa số đều dừng lại ở mức thắc mắc và với ý nghĩ tiêu cực và xa lánh dần dần nhà nước, ngay cả trong tầng lớp sinh viên hiện nay, còn không nhận thức được mình đang sống trong chế độ gì và có trách nhiệm ra sao. Một phần lớn thế hệ sau đang dần thoái hóa cách sống theo cách mà những điều tồi tệ hiện nay vẫn diễn ra. Cán bộ đảng viên tuy là "đầy tớ" nhưng vẫn là tấm gương để dân noi theo, thử hỏi nếu tấm gương không còn sáng thì làm sao soi vào còn được chân thực nữa ? Tệ nạn xuất phát từ điều kiện xã hội, phả đi từ gốc, muốn sửa đổi điều gì thì phải sửa đổi bản thân mình trước. Dù tư tưởng gì thì vai trò nhà nước vẫn là tiên quyết & cốt lõi để cả 1 dân tộc phát triển và đi theo. Muốn toàn dân đoàn kết, toàn dân quan tâm, toàn dân xây dựng thì nhà nước trước hết phải gắn kết và gần gũi với dân, chứ không thể chỉ đề ra luật và áp dụng hay không có phương án giải quyết là trì hoãn hay cấm. Phải tim ra phương án để thiết chặt khối đại đoàn kết chứ không chỉ nói suông.

nguyễn cương 06/09/2012

"7% người được hỏi cho rằng Đảng là đại diện nhân dân lao động, 4% cho là đại diện công nhân ; 85% cho là đại diện giới cán bộ quan chức nhà nước quan liêu." Khi đọc đến đoạn này tôi chợt nghĩ nếu chúng ta cũng đi hỏi người dân như thế chắc sẽ có đa sô ý kiến trùng hợp với cái 85% kia; thực tế hiện nay tôi thấy nhiều cán bộ, đảng viên đang nhầm lẫn (cố tình nhầm lẫn) việc bao che cho nhau là "Đoàn kết" là "Biến việc lớn thành việc nhỏ, biến việc nhỏ thành không có gì" dẫn đến nhiều việc làm vi phạm của CB,ĐV không được giải quyết triệt để, Đồng chí, đồng đội khó phê bình vì phê bình có khi lại bị cho là mất "đoàn kết", "đấu đá". Hy vọng rằng với tinh thần của NQ TƯ 4 sẽ làm thay đổi.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất