Đến nay, người ta ngày càng sáng tỏ và rút ra được nhiều nguyên nhân, bài học kinh nghiệm từ sự sụp đổ của Liên Xô, đồng nghĩa với việc đánh mất những thành quả trực tiếp của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Dưới góc độ công tác xây dựng đảng thì việc nắm chắc hay buông lỏng một số lĩnh vực then chốt là nguyên nhân căn bản của còn hay mất vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng. Một số lĩnh vực then chốt đó là: chính trị, tư tưởng, tổ chức-cán bộ; kinh tế, lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân.
Thứ nhất, cần nắm chắc nguyên tắc xây dựng Đảng và công tác tổ chức, cán bộ nhưng một thời gian dài Đảng Cộng sản Liên Xô đã và buông lỏng lĩnh vực này. Những sai lầm về đường lối chính trị, xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ và nhất là những sai lầm nghiêm trọng về công tác tổ chức cán bộ, trong đó có cán bộ chủ chốt cấp chiến lược. Nếu thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười với lãnh tụ thiên tài V.I Lênin đã lãnh đạo Đảng Cộng sản, quần chúng nhân dân, đứng lên lật đổ chế độ cũ giành chính quyền về tay nhân dân, thì 74 năm sau, một số phần tử cơ hội trong hàng ngũ lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng sản Liên Xô lại từng bước đánh mất thành quả cách mạng. Nhiều tài liệu cho thấy, ngay từ những năm 80 của thế kỷ XX, đội ngũ những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô đã không tỉnh táo và kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử cơ hội, thực dụng trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Từ năm 1959, lần đầu tiên có 4 cán bộ của Đảng Cộng sản Liên Xô sang Mỹ học, sau này hai trong số 4 người đó đã trở thành “con ngựa thành Tơ-roa” để thực hiện tự diễn biến từ bên trong. Trước khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, M. Gooc-ba-chốp trở thành “đối tượng” mà phương Tây “quan tâm” tiếp cận. Đến khi M. Goóc-ba-chốp làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1985 đến năm 1991, ông ta cùng cộng sự đã nhân danh cải tổ để thực hiện sự thay đổi lớn về nhân sự trong đội ngũ cán bộ, dùng mọi thủ đoạn loại bỏ những người cộng sản kiên trung ra khỏi bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và quân đội. Trong báo cáo tại Đại hội XXVIII của ĐCS Liên Xô (7-1990), M.Goóc-ba-chốp công khai bài xích nguyên tắc tập trung dân chủ. Điều lệ Đảng do Đại hội thông qua chính thức xóa bỏ nguyên tắc quan trọng nhất về tổ chức và hoạt động của Đảng và hậu quả là vào ngày 24-8-1991, M.Goóc-ba-chốp tự ý tuyên bố giải tán Ban Chấp hành Trung ương Đảng và từ chức Tổng Bí thư. Vậy, M.Goóc-ba-chốp khi đó là đại diện cao nhất của ĐCS Liên Xô hay chỉ với tư cách cá nhân? Đây là vấn đề cần thấy rõ và lường trước trong sinh hoạt của đảng cầm quyền.
Thứ hai, Đảng Cộng sản phải lãnh đạo xây dựng nền kinh tế ổn định và phát triển bền vững, cải thiện đời sống nhân dân, giữ được độc lập tự chủ về kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả. Nhưng ĐCS Liên Xô đã hữu khuynh, buông lỏng sự lãnh đạo lĩnh vực mang tính quyết định này để một số cá nhân thao túng trong hoạch định và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Cuối thập kỷ 80 thế kỷ XX, Liên Xô đã thực hiện chiến lược cải cách kinh tế theo Chương trình kinh tế 500 ngày và chương trình kinh tế mang tên “Cuộc mặc cả vĩ đại” -sản phẩm của sự thỏa hiệp giữa các phần tử cơ hội, thực dụng trong cơ quan tham mưu chiến lược của Liên Xô với Trung tâm Ha-vớt của Mỹ dẫn tới sự phân hóa và xung đột lợi ích xã hội ngày càng sâu sắc, làm gia tăng những khó khăn và sự bức xúc, bất bình, suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Tầng lớp đặc quyền, đặc lợi, các phần tử thoái hóa, biến chất lạm dụng chức vụ mưu lợi riêng, mang nặng tư tưởng cá nhân chủ nghĩa ngày càng lộng hành, làm tổn hại nền kinh tế đất nước kéo theo là sự mất uy tín nghiêm trọng của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Nhân dân không còn tin Đảng. Hiện tượng độc quyền không chỉ thể hiện ở lĩnh vực phân phối mà còn trong hoạch định, thực thi các chính sách, bố trí sử dụng cán bộ, bẻ cong luật pháp mưu lợi riêng cho bản thân, lợi ích nhóm và “tập đoàn lợi ích đặc biệt”, né tránh sự kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, Nhà nước.
Thứ ba, đảng cầm quyền và bộ máy chính quyền phải phát huy dân chủ, gắn bó mật thiết với nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, nắm chắc quần chúng, phát huy sức mạnh của nhân dân. Đó cũng là mục tiêu và phương thức mà Cách mạng Tháng Mười đã đề ra. Điều rất hệ trọng là đội ngũ cán bộ phải thực sự tiền phong gương mẫu, gần gũi quần chúng, sâu sát cơ sở, được nhân dân tin yêu và tín nhiệm. Tuy nhiên, tất cả những yêu cầu đó cho đến trước lúc Liên Xô tan rã đều không được Đảng thực hiện hoặc thực hiện một cách hình thức. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý trong bộ máy của Đảng, Nhà nước Liên Xô bị tha hóa biến chất, ngày càng xa rời nhân dân. Tham nhũng lộng hành, chủ nghĩa cá nhân phát triển thì đương nhiên mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân ngày càng bị rạn vỡ. Khi Đảng lâm nguy, mất quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, chính quyền bị lật đổ thì người dân cũng thờ ơ và không một ai đứng lên bảo vệ thể chế chính trị đó.
Thứ tư, đảng cầm quyền phải nắm chắc lực lượng vũ trang, đặc biệt chăm lo xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân thực sự trung thành và tin cậy về chính trị, có sức mạnh chiến đấu cao, làm nòng cốt trong bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc. Nhưng công cụ vũ trang của Nhà nước đã bị vô hiệu hoá, Đảng cộng sản trên thực tế đã không còn lãnh đạo được lực lượng vũ trang. Ngày 29-8-1991 với tư cách là Tổng thống Liên Xô, M.Goóc-ba-chốp ra lệnh giải thể các cơ quan chính trị và từ 1-9-1991 chấm dứt các hoạt động của Đảng trong quân đội. Chủ trương “phi chính trị hóa” đã vô hiệu hóa lực lượng vũ trang vô cùng hùng mạnh của Liên Xô. Ngày 25-12-1991, M.Goóc-ba-chốp tuyên bố từ chức Tổng thống và bàn giao nút bấm toàn bộ kho vũ khí hạt nhân cho B.En-sin, đánh dấu giờ phút cuối cùng của sự sụp đổ của Liên Xô.
Thứ năm, đảng đã buông lỏng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chậm đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý các phương tiện thông tin đại chúng - vũ khí quan trọng đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Thực chất, những đòn tấn công chính trị đầu tiên, có tính thăm dò là tấn công các lĩnh vực chính trị tư tưởng, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: xem xét lại một số vấn đề lịch sử và các lãnh tụ của Đảng qua một số thời kỳ; mở một số cuộc trao đổi, tọa đàm trên một số phương tiện thông tin đại chúng; lôi kéo thế hệ trẻ ra khỏi những hoạt động chính trị nhằm phi chính trị hóa tuổi trẻ; dùng các trường đại học làm diễn đàn, để diễn thuyết về “cải tổ”, “công khai” khoét sâu vào một số sai lầm thiếu sót của Đảng, chính quyền Xô-viết, lôi kéo thanh niên, sinh viên. Khi các cơ quan quản lý về chính trị tư tưởng, báo chí, phát thanh, truyền hình không nhanh nhạy phản ứng, lập tức các thế lực cơ hội lấn tới, tạo thành một trào lưu xét lại nhiều vấn đề về thành quả cách mạng, về Đảng, Nhà nước một cách rầm rộ, không thể kiểm soát. Đảng mất trận địa tư tưởng chính trị cũng như hệ thống thông tin đại chúng. Chức năng định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội của các cơ quan này không còn nữa. Quần chúng, nhân dân mất phương hướng. Đây là bước khởi đầu của việc mất quyền lãnh đạo tư tưởng chính trị của Đảng.
Rút kinh nghiệm từ sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện đường lối đổi mới thành công, đạt được những thành tựu quan trọng mang tính lịch sử. Hiện nay, Đảng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI nhằm chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, vượt qua thách thức đe dọa sự tồn vong của Đảng, chế độ, lãnh đạo nhân dân ta bảo vệ, xây dựng chính quyền nhà nước thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nghị quyết Hội Trung ương 6 vừa qua là một bước tiếp củng cố sự lãnh đạo của Đảng trên những lĩnh vực then chốt của đất nước, xã hội. Việc rút ra bài học từ việc để mất chính quyền và những thành quả Cách mạng Tháng Mười là vô cùng bổ ích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Vũ Lân