Tham nhũng, lãng phí là “anh em” sinh đôi

Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XIII (tháng 5-2012), Chủ tịch UBMTTQ đã nêu 5 nhóm vấn đề lớn mà cử tri cả nước quan tâm, trong đó phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đông đảo cử tri rất quan tâm, đặc biệt là tình trạng khiếu  nại, tố cáo liên quan đến đất đai và thực trạng tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng với nhiều biểu hiện tinh vi và ngày càng phức tạp. Người  dân buộc “phải” lót tay cho cán bộ, công chức nhà nước khi cần giải quyết công việc diễn ra ở nhiều nơi…

Lãng phí và tham nhũng được ví như “anh em” sinh đôi, có ý kiến đánh giá tham nhũng chỉ là phần nổi, lãng phí mới là phần chìm của tảng băng. Tuy nhiên không phải lúc nào lãng phí cũng song hành với tham nhũng. Không hẳn các chế tài xử lý thích hợp có thể hạn chế, đẩy lùi thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng tài sản nhà nước. Vấn đề cơ bản là phải tạo được môi trường cho những động cơ, hành vi đúng đắn. Chế tài chỉ là 1 trong 5 nguyên tắc của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Hằng năm, thông qua các cuộc kiểm tra, thanh tra của ngành chức năng và thống kê của Ngành Tài chính cho thấy chi phí cho trang bị phục vụ điều kiện làm việc của các cơ quan Nhà nước ở nước ta vào loại nhất, nhì thế giới. Nhu cầu mua sắm thay đổi “mốt mới” đã làm ngân sách nhà nước mất đi nhiều tỷ đồng, chưa kể đến việc thanh lý vô tội vạ cũng chỉ vì hai chữ “thời trang”. Những cuộc sơ kết, tổng kết, nhận bằng khen, huân chương, kỷ niệm, ký kết thi đua… đều tốn kém hàng trăm triệu đồng để ăn uống, quà cáp biếu xén…

Lãng phí “anh em” của tham nhũng, ăn chơi xa xỉ, kích thích một số “quan tham” móc ngoặc để ăn cắp, bòn rút tiền nhà nước. Ngược lại, tiền tham nhũng thường cũng dành để ăn chơi xa xỉ, rồi sa đọa, nhiều vụ lãng phí, tham nhũng rất nghiêm trọng, có liên quan đến quan chức nhà nước, trong đó có người là cán bộ cấp cao. Người có chức cấu kết với người có tiền; quyền sinh ra tiền, có tiền dựa vào quyền để sinh ra nhiều tiền hơn (thậm chí sinh ra quyền). Người có tiền bám lấy người có quyền, đến chừng mực nào đó, chi phối người có quyền. Chúng cấu kết với nhau đục khoét công quỹ nhà nước. Nói một cách hình tượng, ví như một khối ung thư nằm trong cơ thể con người.

Đã từ lâu nhân dân lo lắng về nhiều cán bộ thoái hóa biến chất, xa hoa, lãng phí tiêu xài không xót thương. Vì là của công, tiền “chùa” biếu xén, dễ thấy nhất là những ngày lễ, tết, đều lấy tiền công quỹ  để chi, họ không cảm thông với đời sống cơ cực của hơn hai mươi triệu người nghèo.

Đại hội XI của Đảng đã nhận đinh: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hoá giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nuớc, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước…”.

Từ lãng phí, tham nhũng nhiều cán bộ giầu lên nhanh chóng, bất thường và họ biến chất cũng rất nhanh, có thế rất mạnh mua chức, mua quyền, mua danh và chạy án… Đây chính là mối hiểm họa cho đất nước, việc chống lãng phí, tham nhũng là sống còn của đất nước, của dân tộc. Tham nhũng, một khi đã trở thành quốc nạn, đã mang tính “hệ thống” “ đe dọa sự tồn vong của chế độ”.

Bài học lịch sử vẫn còn đó, ba lần đánh thắng giặc Nguyên, Mông giữ vững bờ cõi, nhà Trần hưng thịnh được gần 60 năm, từ đời Trần Dụ Tông (1341), triều chính, vua quan chỉ còn nghĩ đến vinh thân, phì gia, bóc lột dân và đất nước tan hoang, lại rơi vào tay giặc Minh. Sau hơn 10 năm kháng chiến mới quét sạch giặc Minh (1418-1427). Dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi đất nước được thái bình. Nguyễn Trãi nghĩ đến “vết xe đổ” của nhà Trần bàn với Lê Lợi phải kịp thời chống lại bọn quan tham, ô lại… Nhưng ông bị bọn quan lại vô hiệu hóa và bức hại.

Lịch sử xưa nhắc nhở chúng ta phải cảnh giác với giặc nội xâm. Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ gọi tham nhũng, lãng phí, quan liêu là “giặc nội xâm”. Bác thường nhắc nhở chúng ta, không phải chỉ có giặc ngoại xâm mới làm dân ta mất nước, mà dân ta mất nước cũng có thể vì “giặc nội xâm”.

Chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ cấp bách, bức thiết của nhân dân ta hiện nay. Luật Phòng chống tham nhũng, lãng phí đã ban hành. Đảng và Nhà nước cũng đã đề ra nhiều biện pháp, chính sách, dựa vào sức mạnh tổng hợp của nhân dân quyết ngăn chặn, đẩy lùi bọn “giặc nội xâm” này. Chúng ta xác định, đây là cuộc đấu tranh gay go, phức tạp và không thể xong một sớm, một chiều được. Quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta đã rõ, từ ban hành Luật, quy định kê khai tài sản; thành lập các cơ quan chống tham nhũng; đến chiến lược chống tham nhũng tính tới năm 2020, (gồm 3 giai đoạn, xử lý những vụ tham nhũng lớn tới năm 2011, giám sát tài sản và bất động sản cán bộ nhà nước tới năm 2016, tiếp đó củng cố kết quả); có bước đột phá, công khai các thủ tục hành chính trên trang Web của Chính phủ sắp tới; Luật tiếp cận thông tin đang thảo luận, nghị định chống rửa tiền, Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng đã được Chính phủ phê chuẩn…

Sinh thời, Hồ Chủ tịch căn dặn, nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải trau dồi đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính; chí công vô tư; tẩy trừ thói tham ô, lãng phí, là những thói xấu phá vỡ đạo lý truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Tuy nhiên, tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu chưa thuyên giảm nhiều và với các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Có thể khẳng định, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí đang được sự đồng thuận sâu rộng của nhân dân cả nước. Đảng đã và đang thể hiện quyết tâm chính trị, kiên trì đi theo con đường XHCN, phấn đấu vì quyền lợi của toàn dân tộc Việt Nam, quyết tâm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và đến năm 2020 cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Cho dù có nhiều chông gai, thách thức, niềm tin sắt son của nhân dân ta với Đảng, nhất định sẽ ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí.

Quyết tâm và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, không trừ một ai, không có vùng cấm. Thái  độ và việc làm đó của Đảng và Nhà nước sẽ đem lại niềm tin cho nhân dân và cộng đồng quốc tế.

Phản hồi (2)

Nguyễn Cương 27/08/2012

Nói CB,người có quyền lực nói chung tham nhũng ai cũng nói được, nhưng chí ra hành vi tham nhũng của con người cụ thể chúng ta chưa làm được. Lãng phí thì dễ nhìn thấy hơn, việc sử dụng tài sản công nhìn đâu cũng thấy lãng phí, Đơn cử như việc thực hiện đề án Xây dựng xã phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, để đạt chuẩn phải có thiết bị, thế là trang bị, nhưng trang bị không có người biết sử dụng và không có người sử dụng( ví dụ như: trang bị thiết bị đỡ đẻ ở đô thị thì người dân đến các bệnh viện không sử dụng; ở vùng sâu xa thì nhiều nơi không có người biết sử dụng... Hay như việc xây dựng điểm văn hóa xã đầu tư rất nhiều nhưng không phù hợp, ở đô thị có khi ngay cạnh Bưu điện cấp tỉnh, huyện là Điểm VHX dẫn đến lãng phí. Chúng ta cần có thái độ "Quyết tâm và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, không trừ một ai, không có vùng cấm" nhưng không chỉ dừng ở việc hô khấu hiệu!

Trần Việt Thao 27/08/2012

Kính gửi: BTC TW Đ & BBT Web XD Đ & TG bài viết ! Nhân đọc bài viết, tôi mạn phép đóng góp thêm một vài ý kiến, như sau: Một lãng phí hiện nay mà có thể dễ dàng nhận ra là lãng phí trong việc sử dụng cán bộ. Ở không ít cơ quan việc sử dụng đội ngũ cán bộ còn nhiều lãng phí, do xác định chức năng, nhiệm vụ, giao nhiệm vụ chưa cụ thể nên nhiều cán bộ còn rãnh thì giờ ngồi uống nước chè, tán tếu, đi dạo,... trong khi nhiều công việc chưa được quan tâm giải quyết hoàn thiện. Mặt khác, có không ít trường hợp học nghề này lại tiếp nhận làm nghề kia ( làm trái nghề) thì cơ quan lại phải tốn kém cho đi học nghiệp vụ, học nghề đang đảm nhận; như vậy nhà nước lại tốn kém đào tạo một lần nữa mà nghiệp vụ đã đào tạo lại bỏ phí,... Để tránh lãng phí trong việc sử dụng đội ngũ cán bộ, tôi kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm yêu cầu cơ sở không tuyển dụng trái nghề; từng cơ quan, bộ phận, từng cán bộ phải được xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể; tránh tình trạng giao nhiệm vụ chung chung; tăng cường quản lý chất lượng, hiệu quả công tác của từng cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ,... nhằm hạn chế sự lãng phí trong sử dụng cán bộ. Trong đào tạo, cần quan tâm đào tạo bồi dưỡng theo quy hoạch, theo địa chỉ, theo yêu cầu nhiệm vụ trong tương lai; tránh đào tạo tràn lan dẫn đến tình trạng lãng phí trong đào tạo. ( Trần Việt Thao- VP. Tỉnh đoàn Thanh Hoá).

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất