Trong lịch sử của Đảng ta, "Tự chỉ trích" của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, hình ảnh xúc động của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận sai lầm trong cải cách ruộng đất, Tổng Bí thư Trường Chinh tự nguyện rút khỏi chức Tổng Bí thư là những hình ảnh đẹp còn lưu mãi trong lòng cán bộ, đảng viên, nhân dân. Trong những giai đoạn lịch sử ấy, Đảng ta đã vượt qua thách thức đầy gian khổ, phức tạp, cán bộ lãnh đạo của Đảng khẳng định vai trò của mình trước vận mệnh của Tổ quốc và nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Chỉnh Đảng phải có trọng tâm, chỉnh đốn tư tưởng rồi mới chỉnh đốn tổ chức. Chỉnh huấn cán bộ rồi mới chỉnh huấn toàn bộ đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI đã chỉ rõ những vấn đề cấp bách phải chỉnh đốn Đảng. Phê bình và tự phê bình lần này phải thực hiện đúng chỉ dẫn của Bác, tuy khó khăn hơn các cuộc chỉnh đốn Đảng trước đây nhưng không thể không làm.
Trong phê bình và tự phê bình lần này, phần rất quan trọng để cán bộ, đảng viên các cấp noi theo: Đó là kết quả tự phê bình phê bình của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cá nhân các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Nhân dân, cán bộ, đảng viên mong đợi sự công khai, minh bạch tự phê bình và phê bình của cấp ủy đảng, nhất là của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tập trung quan tâm vào những vấn đề bức xúc như: Vai trò lãnh đạo của Đảng trong giải quyết các vấn đề: tệ nạn xã hội gia tăng, đạo đức xuống cấp nghiêm trọng; trong kiểm tra, giám sát của Đảng đối với công tác quản lý nhà nước, khi đặc quyền, đặc lợi phát triển, tham nhũng, hối lộ, mua quan, bán chức tràn lan. Đối tượng lãnh đạo quan trọng số một của Đảng trong hệ thống chính trị là Chính phủ - các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, có tác động tới toàn bộ đời sống của nhân dân. Trong công tác quản lý của Nhà nước, dư luận nhân dân bức xúc nhất là lỏng lẻo trong quản lý đất đai, tiền tệ, ngân hàng, sự thua lỗ, thất thoát tài sản tại các các tổng công ty, tập đoàn kinh tế, những khuyết điểm kéo dài trong y tế, giáo dục…
Trong các vấn đề bức xúc trên, nhân dân muốn biết trách nhiệm cụ thể của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến đâu? Quan trọng hơn là giải pháp khắc phục khuyết điểm, hạn chế thế nào để kinh tế đi lên, tệ nạn giảm bớt, đời sống nhân dân bớt khó khăn, toàn dân đồng lòng nhất trí xây dựng đất nước mạnh giàu, đủ sức giữ gìn vững chắc chủ quyền, độc lập của Tổ quốc. Công khai, minh bạch sau tự phê bình và phê bình và là mong đợi của nhân dân, là biểu hiện đẹp của cấp ủy đảng, để nhân dân biết phê bình và tự phê bình đã chỉ ra đúng những ưu, khuyết sự lãnh đạo của các cấp ủy, đặc biệt là Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Đảng cần phê bình và tự phê bình như Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như ta cần không khí, cũng như người có bệnh, nếu giấu giếm bệnh tật trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh lâu ngày nặng thêm, nguy hiểm đến tính mạng” và cần công khai kết quả, quyết tâm sửa chữa: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(1). Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI là phải làm đúng như lời Bác dạy.
Ngô Minh Giang
---------------------
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG,H. 2002, tập 5, tr,261.