Cần bám sát, thực hiện đúng Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị
Doanh nghiệp tư nhân sẽ có nhiều cơ hội đầu tư, phát triển điện sạch. Ảnh: Báo Thanh niên.
Từ khi có chính sách xã hội hóa nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề do các công ty, tập đoàn trực thuộc Nhà nước quản lý, chúng ta nhận thấy hiệu quả và phản ứng tích cực từ người dân, cộng đồng xã hội, từ doanh nghiệp. Hiệu quả từ chính sách xã hội hóa đã được minh chứng là trúng và chuẩn.

Từ chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp quốc doanh và tiêu điểm là chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30-5-2008 của Chính phủ đã đưa đất nước thoát thai từ khô cứng không hợp với xu thế phát triển tri thức và đào tạo con người nay trở thành linh hoạt và chất lượng cao hơn.

Do đó, việc xã hội hóa đầu tư xây dựng đường truyền tải điện cũng là việc cần phải làm ngay, là xu thế tất yếu của phát triển năng lượng tái tạo và an ninh năng lượng trong hiện tại và tương lai. Cách đây vài chục năm, các nước trong khu vực và thế giới  đã áp dụng mô hình này mà vẫn bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia và luôn trong tâm thế không bị thiếu hụt điện cho sinh hoạt và phát triển kinh tế.

Việt Nam chúng ta vẫn đang loay hoay việc nên hay không nên cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được vào lĩnh vực này. Điều này xuất phát bởi nhiều lý do khác nhau nhằm bảo đảm sự uy quyền và sự chi phối của Ngành Điện. Mặc dù chúng ta không thể phủ nhận sự đóng góp cực kỳ quan trọng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trải qua hơn 50 năm qua cho sự phát triển chung của đất nước.

Thời điểm năm 2020, hệ thống truyền tải điện quốc gia do Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) quản lý vận hành có tổng số 24.365km đường dây (bao gồm 7.503km đường dây 500kV và 16.862km đường dây 220kV); 140 trạm biến áp (gồm 28 trạm biến áp 500kV và 112 trạm biến áp 220kV) với tổng dung lượng máy biến áp là 77.613MVA. Hệ thống truyền tải điện quốc gia đã vươn tới hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, từng bước kết nối với lưới truyền tải điện của các nước trong khu vực với công nghệ ngày càng hiện đại như đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, cáp ngầm cao áp 220kV, trạm GIS 220kV, trạm biến áp không người trực, hệ thống điều khiển tích hợp bằng máy tính, thiết bị định vị sự cố, giám sát dầu online, hệ thống SCADA...

Hiện nay nguồn điện không chỉ là điện than, thủy điện, điện khí, Việt Nam đã có thêm các nguồn điện khác đặc biệt là năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện LNG). Nguồn điện này sẽ dần thay thế cho các nguồn điện hóa thạch gây ô nhiễm môi trường và cạn kiệt, thay thế cho thuỷ điện khi biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, lượng nước mưa thất thường, khô cạn.

Với kiến nghị của Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ về việc xã hội hóa đường truyền tải điện, nhiều nhà đầu tư cho rằng, nếu chúng ta cho phép tư nhân tham gia vào khâu truyền tải điện, ngân sách nhà nước sẽ đỡ gánh nặng rất nhiều. Cái được lớn nhất khi tư nhân đầu tư vào đây là sẽ dựa trên lợi ích chung của toàn xã hội, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Khi không còn độc quyền thì nhà đầu tư sẽ phải cân đối lợi ích của mình và nhu cầu của người tiêu dùng. Lúc đó, người tiêu dùng sẽ được tôn trọng và được khuyến khích sử dụng các nguồn điện khác nhau một cách hợp lý và tối ưu hơn. 

Vấn đề đặt ra nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và bàn giao cho Tập đoàn EVN quản lý, điều tiết để bảo đảm an ninh năng lượng sau khi được bàn giao thì câu chuyện phân chia quyền lợi, nghĩa vụ giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư cần được xem xét thấu đáo, đạt tình, thấu lý và 3 bên đều có lợi: Cơ quan quản lý điều tiết - Nhà đầu tư - Người sử dụng.

Nhà đầu tư xây dựng đường truyền tải sẽ nhanh hơn của Tập đoàn EVN bởi lẽ nhà đầu tư đàm phán trực tiếp với người dân đang sở hữu diện tích đất mà đường truyền tải đi qua thì việc đền bù giải phóng mặt bằng sẽ linh hoạt hơn khi EVN áp giá đền bù theo khung của Nhà nước quy định. Có thể đưa ra phương án như sau: EVN sẽ được hưởng một phần lợi tức về quản lý, điều tiết điện và các vấn đề có liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia. Nhà đầu tư hưởng một phần lợi tức tùy theo hai bên thương thảo. Các đơn vị, công ty phải trả phí khi đi nhờ đường truyền tải mà chủ đầu tư đã bỏ vốn xây dựng.

Tại Khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực quy định: “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải”, không có nghĩa là Nhà nước cấm tư nhân đầu tư xây dựng đường truyền tải. Vậy nên cần lắm một nghị định hoặc thông tư có giá trị pháp lý cao để thực thi. Hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về “hoạt động truyền tải” là bao gồm cả hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành các thiết bị, tài sản truyền tải, hay chỉ bao gồm hoạt động quản lý, vận hành các thiết bị, tài sản truyền tải? 

Trên thực tế xuất hiện thêm nhiều việc gây khó khăn cho nhà đầu tư, dẫn đến các kế hoạch của Chính phủ, Bộ Công thương và Ngành Điện chưa thể thực hiện. Để hoàn tất thủ tục cho một dự án điện nói chung thì phải qua chính quyền địa phương, được sự chấp thuận cho đầu tư (chủ trương khảo sát). Nhà đầu tư phải làm việc với hầu hết các sở, ngành, đơn vị tại tỉnh, huyện, xã. Thời gian kéo dài không dưới 18 tháng. Sau khi được chấp thuận của cấp có thẩm quyền, nhà đầu tư phải làm việc với những hộ dân trong khu vực quy hoạch để đàm phán việc chuyển nhượng đất do người dân đang quản lý sử dụng chuyển sang nhà đầu tư. Hồ sơ hoàn tất, chủ đầu tư gửi Bộ Công thương và từ Bộ Công thương thẩm định trước, sau đó gửi đi xin ý kiến của không dưới 12 cơ quan, đơn vị thẩm định và cho ý kiến. Hành trình này vô cùng mất thời gian và vất vả. Chỉ cần 1/12 đơn vị tham gia có ý kiến khác thì mặc nhiên dự án chậm lại và thời gian tiếp tục kéo dài. May mắn thông được hết các bộ, ngành chức năng thì sẽ chờ Thủ tướng phê duyệt, chấp thuận bổ sung và quy hoạch điện. Tóm lại, muốn triển khai được dự án phải mất 3-5 năm.

Theo các văn bản mới của Bộ Công thương, Cục Điện lực về việc đấu thầu giá điện thì hồ sơ mở thầu ít nhất phải có 5 nhà đầu tư tham gia. Điều này càng gây khó cho nhà đầu tư khi bản thân họ làm đầy đủ các thủ tục, đã phải chi phí tiền bạc, thời gian, công sức. Khi đấu giá điện, một trong những người tham gia đấu giá bỏ giá thấp nhất và trúng thầu. Người trúng thầu buộc phải mua lại dự án đã hoàn thành hồ sơ và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt của chủ đầu tư. Sự mua bán hồ sơ, mua bán dự án được hình thành và điều này sẽ vi phạm các quy định của chính quyền địa phương và nghị định của Chính phủ.

Nghiên cứu Dự thảo Quy hoạch điện VIII của Bộ Công thương xin ý kiến các bộ, ban, ngành và các chuyên gia, nhà đầu tư, đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chúng ta nhận thấy nội dung của văn bản soạn thảo không bám sát và chưa thực hiện theo Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị ban hành về định hướng phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2045, ngược với các cam kết của Thủ tướng Chính phủ đã ký các hiệp định giảm khí thải Carbon (CO2). Ban soạn thảo vẫn tiếp tục trình tăng công suất của điện than, nhiệt điện, giảm mạnh nguồn điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện LNG).

Động thái này của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cam kết của Việt Nam với thế giới, triệt tiêu sức mạnh của các vùng, miền được thiên nhiên ưu đãi trong khu vực miền Trung Việt Nam. Đơn cử như tỉnh Ninh Thuận là 1 trong 5 tỉnh miền Trung có thế mạnh về năng lượng điện mặt trời và điện gió tốt nhất Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.

Nếu cắt giảm nguồn điện năng lượng tái tạo này và điều chỉnh các mạng lưới truyền tải điện đã được phê duyệt gây hậu quả lợi bất cập hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của địa phương và vùng, miền, Các tổ chức tín dụng lớn như Ngân hàng Thế giới WB, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB… đều cảnh báo sẽ không tài trợ cho Việt Nam. Nghiêm trọng hơn nữa là đến thời điểm này Bộ Công thương vẫn chưa ban hành giá điện mặt trời, điện gió trong khi Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về giá điện đã hết hiệu lực ngày 30-6-2019 khiến các nhà đầu tư chịu lỗ vốn và tổn thất nghiêm trọng. 

Muốn cho đất nước phát triển, cần lắm một chính sách thông thoáng, cởi bỏ tư duy độc quyền để đa dạng hoá nguồn năng lượng. Huỷ bỏ các văn bản có tính pháp quy chồng chéo, tiền hậu bất nhất, giảm bớt các đầu mối thẩm định. Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, tiền bạc, sớm triển khai và hoàn thành xây dựng dự án. Điều này cũng giảm áp lực lên ngân sách nhà nước nói chung và của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói riêng. Mục đích cuối cùng nhằm  phục vụ tốt hơn cho đời sống của nhân dân, nhà máy, hãng xưởng, các đơn vị sản xuất - kinh doanh được thừa hưởng nguồn năng lượng sạch, ổn định và giá cả phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Phản hồi (1)

Trần Thị Bích Hà 28/10/2021

Ý kiến của Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc là hoàn toàn chính xác. Xu hướng của thế giới là phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, Việt Nam chúng ta không thể đứng ngoài hoặc đi ngược xu hướng. Cái có lợi cho dân, cho nước, không chỉ cho trước mắt mà cả lâu dài thì phải làm.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất