Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Tân cảng Sài Gòn tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và duy trì sản xuất thông suốt (Ảnh: Thành ủy TP. Hồ Chí Minh).
Kỳ 2: Không thể đi theo lối mònKhai mạc Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương khóa XIII, sau khi chỉ ra những tồn tại, yếu kém, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi: “Với tinh thần nhìn thẳng sự thật, đề nghị các đồng chí đi sâu phân tích, mổ xẻ làm rõ, chỉ ra căn nguyên, đề ra các biện pháp chữa trị hữu hiệu”. Hội nghị cũng đã thống nhất bổ sung 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó: “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu, có đủ phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược.
Có một sự thật là Việt Nam đã chiến thắng COVID-19 hết sức thuyết phục khi nhiều nước trên thế giới còn đang loay hoay tranh cãi việc có đeo khẩu trang hay không, rửa tay sát khuẩn có tác dụng nhiều không?! Việt Nam khống chế có hiệu quả cả 3 đợt dịch từ khi mới bùng phát suốt trong năm 2020, thậm chí vẫn kiểm soát tốt đến tháng 4 năm 2021 đã được cả thế giới công nhận. Sự thật ấy không phải tô vẽ, vì với dịch bệnh COVID-19 không ai có thể tô vẽ được! Việc cứu sống cho những ca bệnh đặc biệt như viên phi công người Anh là người thật, việc thật được cả thế giới nể phục! Tuy nhiên, đến đợt bùng phát thứ 4 thì mọi chuyện đã khác, nếu không muốn nói bị đảo ngược theo chiều hướng tiêu cực. Thậm chí, sự thật đau lòng đã xảy ra! Số ca tử vong so với ca nhiễm bệnh tại nước ta đã có tỷ lệ cao hơn mức trung bình của thế giới! Việc phong tỏa kéo dài đến vài tháng đã làm nền kinh tế tổn thất hết sức nặng nề và hệ lụy về kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài đang thử thách sức chịu đựng của chúng ta!
Trong chống dịch, dẫu còn yếu kém chỗ này, chỗ kia, kể cả tiêu cực, nhưng công bằng mà nói, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã vào cuộc chống dịch như chống giặc với tinh thần “sức khỏe và tính mạng của người dân trên hết, trước hết”! Hàng trăm ngàn chiến sĩ, bác sĩ và những sinh viên tình nguyện từ Hà Nội và các tỉnh lên đường hướng về TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam như ngày nào “tất cả vì miền Nam ruột thịt”! Vậy mà dịch bệnh vẫn diễn ra hết sức phức tạp. “Mục tiêu kép” đã không thể nói trong điều kiện nước sôi lửa bỏng, đồng thời ngân sách nhà nước đã chi ra hàng ngàn tỷ đồng hỗ trợ người dân chống dịch! Người Việt Nam ở trong nước cũng như ở ngoài nước, giàu có hay còn khó khăn, tất cả đều hướng về vùng dịch, chi viện, hỗ trợ đúng với tinh thần “thương người như thể thương thân”. Một loạt những biện pháp hữu hiệu đã làm vẫn được tiếp tục làm một cách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Đến bây giờ, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát nhưng cũng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Điều quan trọng là chúng ta đã nhận ra rằng không thể làm theo cách cũ cho dù nó đã có hiệu quả trong quá khứ! Từ bỏ “không COVID” để chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả là một quyết định hoàn toàn đúng đắn! Nhưng để toàn xã hội thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh thì ai sẽ đi đầu? Ai sẽ là người hướng dẫn, tổ chức thực hiện? Chắc chắn phải là cán bộ các cấp của cả hệ thống chính trị.
Câu hỏi đặt ra là: “Liệu cứ đi theo lối mòn thì cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu có hoàn thành nhiệm vụ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả được không?”. Không những thế, còn phải đẩy mạnh phục hồi kinh tế khi lần đầu tiên có tăng trưởng âm đến 6,17% của quý III so với cùng kỳ năm 2020, dẫn đến 9 tháng tăng trưởng chỉ đạt 1,42%. Dự báo tăng trưởng cả năm khoảng 3%, nghĩa là thấp rất xa so với kế hoạch 6%. Trong tình hình ấy, cán bộ, đảng viên dẫu có tốt nhưng cứ đi theo lối cũ liệu có bứt phá được không? Vậy mà “bộ phận không nhỏ” dường như chưa chịu “nhỏ”! Trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã liệt kê hàng loạt bệnh “suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực, bè phái cục bộ, mất đoàn kết, quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn bức xúc của dân”. Đứng trước tình hình đó, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: “Sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định”. Cán bộ và công tác cán bộ đang được đặc biệt quan tâm. Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XIII thống nhất bổ sung 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu, có đủ phẩm chất, uy tín ngang tầm nhiệm vụ”.
Để thực hiện nhiệm vụ đó nhất thiết phải xem lại công tác cán bộ từ việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, sử dụng, bổ nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khen thưởng, kỷ luật… Tất cả đều phải xem xét lại một cách nghiêm cẩn trên tinh thần nhìn thẳng sự thật, nói thẳng, nói thật và làm thật! Làm thật hết sức quan trọng! Vì nếu không làm thật mà chỉ nói thật thì không đủ và không cẩn thận lại lâm bệnh “nói nhiều làm ít”, “nói không đi đôi với làm”! Nhưng muốn làm thật thì phải trả lời được các câu hỏi phản biện:
Thứ nhất, đào tạo, bồi dưỡng đã tốt chưa? Đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn cách mạng chưa, hay chỉ là “hình thức” đáp ứng “hồ sơ đẹp”, “đúng quy trình” để rồi ngập tràn bằng giả, “bằng thật, học giả” mà “hồng” thì ngày càng giảm mà “chuyên” thì chẳng hơn gì! Đến nỗi phòng, chống dịch mà phong tỏa không biết để làm gì? cứ siết cho chặt nhưng là “chặt ngoài, lỏng trong” để lây lan không kiểm soát được!
Thứ hai, quy hoạch đã đúng người chưa? Quy hoạch là cần, là đúng nhưng bệnh “con cháu các cụ cả” rồi “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, trí tuệ” vẫn tồn tại thì quy hoạch càng sớm càng phải “chạy chức, chạy quyền” sớm! Đã có quy định cấm chạy chức, chạy quyền khá cụ thể, nhưng bố, mẹ bổ nhiệm cho con “đúng quy trình, sai người”, con có phải chạy đâu! Trong khi còn nhiều người quy hoạch mãi mãi chỉ là quy hoạch!
Thứ ba, luân chuyển làm thế có được không? Luân chuyển là cần thiết để tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, nhưng luân chuyển không quan tâm đến chuyên môn làm sao đáp ứng yêu cầu chuyên môn hóa ngày càng cao của mọi hoạt động, mọi lĩnh vực trong một xã hội hiện đại. Người đang cày cho sang đào mỏ, người đang cấy cho sang trồng rừng… để cuối cùng có được cán bộ cái gì cũng biết một tí nhưng chẳng cái gì biết cho ra hồn cả! Gặp tình huống như chống dịch thì chỉ biết trông cậy, đùn đẩy lên trên, hoặc nạt dưới làm ra vẻ tích cực mà thôi!
Thứ tư, sử dụng cán bộ và việc bổ nhiệm có điều gì đáng nói không? Người giỏi cày cho đi cấy, nghĩa là không đúng sở trường, chuyên môn được đào tạo, hay nói một cách ngắn gọn là giao việc không đúng người. Khắp nơi đưa chính sách tuyển chọn nhân tài, nào là ưu tiên biên chế, thậm chí còn mang cả căn hộ ra để đãi đằng. Nhưng nếu không được sử dụng đúng sở trường thì người tài thực cũng thành không tài. Cứ ngồi chơi xơi nước mãi, người tài thật thì nản mà bỏ đi, còn người được tạo dựng nên tài để tuyển dụng thì đã kém càng thêm hư đốn! Người tài thực mong có đất dụng võ, không mong đãi đằng “vô lối”! Người tài không hiếm, nhưng không nhiều đến mức để khắp nơi kêu là có! Đúng người, đúng việc kiểu người xưa nói “dụng nhân như dụng mộc” có hiệu quả sao không làm! Vấn đề phát hiện nhân tài, bồi dưỡng nhân tài thoạt nghe tưởng hay, nhưng áp dụng thì cười ra nước mắt. Người có quyền đã kém, tâm lại không sáng làm sao phát hiện được nhân tài. Có chăng là phát hiện ra con cháu mình “tài”, thi không đỗ đại học, đẩy ra nước ngoài học cái trường sẵn sàng cung cấp cái bằng giấy để lấy tiền chứ không cần uy tín đào tạo. Khi về nước, thứ tiếng mình phải có để học cũng chẳng có, vậy mà với cái mác “tài” nên được tuyển dụng đặc cách, rồi luân chuyển mỗi nơi một tí kiểu “chuồn chuồn đạp nước” và cuối cùng là bổ nhiệm “theo quy trình”! Cái lối mòn ấy người đời biết tỏng, Đảng cũng xử lý nhiều trường hợp “không có vùng cấm”, nhưng một số người vẫn “lối cũ ta về”!
Thứ năm, chuyện trách nhiệm người đứng đầu nói nhiều nhưng làm được bao nhiêu? Và có thể làm được không? Khó làm! Vì sao vậy? Vì bổ nhiệm cấp phó cho cấp trưởng là tập thể cấp trên. Không ít chỗ cấp phó là người chống cấp trưởng. Cấp trưởng tức là người đứng đầu làm sao chịu trách nhiệm về việc làm yếu kém của cấp phó ấy! Đối với cấp dưới, quyền đề bạt, bổ nhiệm cũng lòng vòng và cả tập thể cùng lo, vậy mà mọi việc chụp lên người đứng đầu nghe cũng chưa hợp lý.
Công tác cán bộ không khi nào và không ở đâu là chuyện đơn giản cả, bởi nó gắn liền với quyền lực. Mà quyền lực lại đi kèm với danh và lợi vốn là cái “bả” làm người ta gục ngã! Xem xét sơ bộ một vài khâu chính trong công tác cán bộ đã thấy đi theo lối mòn rõ ràng là không ổn. Nhưng đi theo lối nào để có cán bộ thực sự đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ là vấn đề phải bàn thảo và tổ chức thực hiện cho tốt mới có được kết quả như mong muốn.
Chính vì thế Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII mới thống nhất bổ sung một trong hai nhiệm vụ quan trọng là “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu có đủ phẩm chất, uy tín ngang tầm nhiệm vụ”. Vấn đề có tính chiến lược này dù khó mấy cũng phải làm vì tầm nhiệm vụ trong giai đoạn tới thật to lớn, vinh quang nhưng cũng hết sức nặng nề. Để trở thành nước đang phát triển có thu nhập cao vào năm 2030, và nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 là việc đại sự, không phải cứ mơ là có. Nó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải nỗ lực hết mình; cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược “phải có phẩm chất, uy tín ngang tầm nhiệm vụ” mới vượt qua thách thức truyền thống và phi truyền thống trong một thế giới biến đổi khó lường trong đó có dịch bệnh và biến đổi khí hậu… Không có con đường đầy hoa đến vinh quang! Dân tộc ta, Đảng ta cùng toàn thể nhân dân đã trải qua bao gian kổ hy sinh mới có ngày nay. Cán bộ, đảng viên thế hệ mới tiếp bước các thế hệ đi trước, quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo toàn dân xây dựng một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh!
(Còn nữa)
TS. Nguyễn Viết Chức
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội