Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng
 KỲ 1: KHI NHÂN DÂN ĐÓNG VAI TRÒ TRUNG TÂM

Tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng sáng 26-1-2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Thành công này có được bởi nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng hàng đầu phải là tự thân Đảng nhận ra mình còn nhiều thiếu sót cần phải khắc phục, sửa chữa. Và Đảng phải tự sửa mình, tự “làm mới” mình, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền, trong đó có đổi mới cách ban hành nghị quyết, chỉ thị, phải lấy Nhân dân là mục tiêu, “đích đến” của mọi chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước.


Đảng gần Dân sẽ hiểu Dân cần gì

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là việc làm thường xuyên, liên tục, bao gồm nhiều việc và phải được tiến hành trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo, cầm quyền. Xây dựng và chỉnh đốn là hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau. Trong xây dựng có chỉnh đốn, trong chỉnh đốn có xây dựng Đảng.

Từ khi thành lập, trải qua 13 kỳ đại hội, Đảng ta đã ban hành các nghị quyết bám sát thực tiễn, yêu cầu, đòi hỏi, mong muốn của Nhân dân gắn với các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược; đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, chỉ đạo quyết liệt việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện nhằm mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

Đại hội VII của Đảng lần đầu tiên đề cập đến đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, xác định đây là một trong những vấn đề quan trọng và bức thiết. Đại hội X của Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật để thừa nhận việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, mà trọng tâm là đối với Nhà nước còn chậm và lúng túng. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Lần đầu tiên trong các kỳ đại hội, Đại hội XIII xác định mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ là “nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng”.


Tiếp tục truyền thống và kế thừa tinh thần của các đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chủ đề Đại hội XIII đã phát triển thành tố “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” của Đại hội XII thành “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Điểm mới là đã bổ sung “xây dựng hệ thống chính trị” cùng với xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và không chỉ đề cập đến xây dựng Đảng, mà còn nhấn mạnh đến chỉnh đốn Đảng.

Không phải ngẫu nhiên mà Đại hội XIII của Đảng lại có sự bổ sung như vậy. Trên thực tế, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau; trong đó, xây dựng, chỉnh đốn Đảng có vai trò hạt nhân vì Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo Nhà nước và xã hội; lựa chọn, bố trí hoặc giới thiệu những đảng viên ưu tú của mình ứng cử vào các vị trí chủ chốt của Nhà nước và cả hệ thống chính trị.


Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 2-2-1999 Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) khóa VIII (hay còn gọi là Nghị quyết Trung ương 6 lần 2, khóa VIII) “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, BCH Trung ương yêu cầu các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở phải thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã nêu trong Báo cáo của Bộ Chính trị trình BCH Trung ương, đề ra 10 nhiệm vụ cần chú trọng thực hiện, trong đó nhiệm vụ thứ 10 nêu rõ: Cải tiến việc ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng. Tiếp tục đổi mới cách ra nghị quyết và chỉ thị của Đảng. Đảng chỉ ra nghị quyết, chỉ thị khi thật cần thiết. Nghị quyết phải ngắn gọn, rõ ràng, các cấp ủy và tổ chức đảng từng ngành có thể thực hiện được ngay, giảm bớt thời gian chờ đợi hướng dẫn, cụ thể hóa ở các cấp; trên cơ sở nghị quyết của Trung ương, xây dựng nghị quyết của cấp mình bằng các chương trình hành động cụ thể, phù hợp. Khắc phục ngay việc ra các nghị quyết chung chung, mô phỏng nghị quyết của Trung ương. Công bố công khai các nghị quyết, chương trình hành động (không thuộc danh mục bí mật của Đảng và Nhà nước) của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là cấp cơ sở có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, nghĩa vụ và quyền lợi của nhân dân, để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra các hoạt động của Đảng, xây dựng và bảo vệ Đảng. Khi đã có nghị quyết, phải tập trung chỉ đạo thực hiện có kết quả, tạo chuyển biến thực sự, bảo đảm lời nói đi đôi với việc làm, làm không đầy đủ, hoặc làm trái phải bị phê bình, xử lý kỷ luật. Tổ chức chỉ đạo, sơ kết rút kinh nghiệm, bổ khuyết kịp thời đối với việc triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng. Tổng kết việc thực hiện nghị quyết trước khi quyết định các chủ trương, nhiệm vụ mới. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải tǎng cường kiểm tra việc chấp hành nghị quyết của Đảng. Từ Tổng Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương đến các đồng chí lãnh đạo các cấp, các ngành phải thực sự đi sâu kiểm tra, đôn đốc, nắm chắc tình hình thực hiện các nghị quyết của Đảng, khơi dậy nhân tố mới, uốn nắn những lệch lạc, kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh, bớt giấy tờ, hô hào chung chung, qua nhiều tầng nấc trung gian. Cấp dưới phải báo cáo kịp thời, đầy đủ và trung thực tình hình thực hiện lên cấp trên.

Với quan điểm nhất quán, rõ ràng, sự chỉ đạo sát sao, khoa học, cách ban hành nghị quyết, chỉ thị từ Trung ương đến các cấp ủy đảng cơ sở đã có nhiều đổi mới. Đảng luôn coi Nhân dân là trung tâm, khởi đầu của mọi khởi đầu, đặt quyền lợi, nguyện vọng của Nhân dân lên trên hết, trước hết khi xây dựng và ban hành các chỉ thị, nghị quyết. Đây chính là điểm nhấn trong đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.


Nhìn lại 2 nhiệm kỳ gần đây, nhất là nhiệm kỳ Đại hội XI, XII, sự biến động của thế giới và trong nước đã tác động mạnh mẽ đến nước ta như: Sự thay đổi vai trò của một số cường quốc thế giới, sự trỗi dậy mạnh mẽ của một số quốc gia, những biến đổi to lớn của kinh tế thị trường trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, thiên tai, dịch bệnh… Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sa ngã, tha hóa, trở cờ, không giữ được mình trước cám dỗ của vật chất, tiền bạc, quyền lực…, không còn là người đầy tớ trung thành của nhân dân.


Nhu cầu bức thiết nhất của Nhân dân lúc này là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng gắn chặt với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thanh lọc đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng mạnh, dân giàu, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Bác Hồ khẳng định: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt”. Làm thế nào để có một đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, xứng tầm, đáp ứng yêu cầu hội nhập và quốc tế là vấn đề cấp thiết. Do vậy, chúng ta phải xây dựng một đội ngũ cán bộ tài nhưng phải có đức, phải có trách nhiệm với dân tộc, đất nước, Nhân dân, biết hy sinh cho mục tiêu, lý tưởng chung. 


Chỉ thị, nghị quyết phải từ nguyện vọng của Dân mà ra

Đồng chí Tô Huy Rứa, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhớ lại: Trước thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ, Ban Tổ chức Trung ương được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao nghiên cứu, giải quyết vấn đề cấp bách nhất, quan trọng nhất, bao quát nhất, liên quan đến tất cả các ngành, lĩnh vực. Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương đã cử các đoàn đi khảo sát, nghiên cứu ở các ngành, các cấp, địa phương; xin ý kiến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hầu hết các ý kiến đều có nguyện vọng phải chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, khôi phục lại niềm tin của Nhân dân. Ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu, xây dựng Đề án trình Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương, khóa XI (tháng 12-2011) ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16-1-2012 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đây là một đề án lớn, quan trọng, tuy thời gian chuẩn bị ngắn nhưng với tinh thần chủ động, sáng tạo, cầu thị, lắng nghe, Đề án đã sớm hoàn thành, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.


Đảng ta là đảng duy nhất cầm quyền. Điều này tạo nên sự khác biệt của Đảng ta so với nhiều đảng chính trị khác trên thế giới. Một đảng duy nhất cầm quyền có nhiều thuận lợi trong việc tập hợp lực lượng, thống nhất ý chí, nguyện vọng của nhân dân… nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như dễ dẫn tới chủ quan, thỏa mãn, khó nhìn thấy những khuyết điểm của mình… Thực tiễn 90 năm lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta cho thấy Đảng cũng có những sai lầm, phải tiến hành nhiều cuộc chỉnh đốn Đảng, kiểm điểm, phê bình, tự phê bình để khắc phục những hạn chế, sai lầm.

Xuất phát từ phương châm nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã kế thừa yêu cầu của các nghị quyết trước, nhất là Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 2-2-1999 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay”, đồng thời thể hiện quyết tâm chỉnh đốn Đảng với tinh thần mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, cách làm bài bản hơn. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) ra đời như một luồng gió mới, nhất là khi kinh tế thị trường với những tiến bộ của khoa học - công nghệ và vai trò của in-tơ-nét đã kéo dần khoảng cách giữa các quốc gia, thế giới. Dân chúng dần mất niềm tin vào đội ngũ công bộc của dân khi họ ngày càng có những biểu hiện nhũng nhiễu, thích “lót tay”, “bôi trơn” khi giải quyết việc công… Để ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), cả hệ thống chính trị cùng nhân dân phải vào cuộc. Đảng đã thấy được lòng Dân, thấy được những điểm chưa tốt, hạn chế cần phải loại bỏ trong cán bộ, đảng viên.


Sau Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), những nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đều được ban hành theo các nội dung trọng tâm, cấp bách: Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương... Những chỉ thị, nghị quyết, quy định được Trung ương Đảng kịp thời ban hành đã tạo sinh khí và sức mạnh mới trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị mang tầm chiến lược.

Đặc biệt, 3 nhiệm kỳ liên tiếp (XI, XII, XIII), Đảng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực, lãng phí. Điều đó cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn của toàn Đảng, nhất là người đứng đầu Đảng ta trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng.


Mới đây, ngày 22-9-2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là một kết luận đậm tính thời sự, được ban hành đúng thời điểm, vì thế nhận được sự quan tâm của dư luận. Cán bộ, quần chúng nhân dân thực sự kỳ vọng những nội dung trong Kết luận sẽ sớm giải phóng sức sáng tạo của nhiều cán bộ có tâm, có tài đóng góp sức mình cho công cuộc đổi mới đất nước. Kết luận ra đời thêm một minh chứng cho việc ban hành chủ trương của Đảng đều vì Nhân dân. Nhân dân cần, Đảng ra quyết sách.

Thời điểm những năm 1966-1967, khi nông thôn miền Bắc đều áp dụng kiểu làm ăn hợp tác xã, đồng chí Kim Ngọc (1917-1979), cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc lại có quyết định táo bạo, có thể nói là liều lĩnh khi giao khoán ruộng đất cho từng hộ nông dân, vượt ra phạm vi, khuôn khổ của tư duy, quan điểm, đường lối của Đảng lúc đó. Quyết định khoán xuất phát từ quan điểm vì Nhân dân, làm thế nào để mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân.

Ngày 13-1-1981, Chỉ thị số 100-CT/TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp được ban hành. Chỉ thị 100 ban hành, nông nghiệp như được cởi trói, bước đầu khơi dậy tinh thần làm chủ, phấn khởi của người lao động, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển và các địa phương, các cấp và nhân dân đồng tình. Đó là tiền đề để Ban Bí thư ban hành một số các chỉ thị như: Chỉ thị số 19 về hoàn thành điều chỉnh ruộng đất, đẩy mạnh cải tạo XHCN đối với nông nghiệp ở các tỉnh Nam Bộ; hay các chỉ thị: 29, 35, 50, 56, 65 và 67 về nông, lâm, ngư nghiệp - nhằm cụ thể hóa những quan điểm của Đảng về cải tạo và xây dựng CNXH ở nông thôn, về xây dựng cơ cấu kinh tế mới và đổi cơ chế quản lý mới trong nông nghiệp; tạo cơ sở cho Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10 năm 1988.

Từ Chỉ thị số 100-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đến Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị là một quá trình đấu tranh vô cùng gian nan, quyết liệt giữa tư tưởng bảo thủ trì trệ, giáo điều với tư duy đổi mới sáng tạo, trong đó Nhân dân là ngọn nguồn của quá trình thay đổi cách lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ở giai đoạn manh nha đổi mới kinh tế của đất nước.

Năm 1992, miền Nam thiếu điện trầm trọng cho sinh hoạt và sản xuất, miền Trung tình hình còn tồi tệ hơn, đất nước nghèo nàn, đối diện với nhiều khó khăn về vật chất, nhiều ý kiến chưa thực sự đồng tình, thậm chí phản đối… nhưng đường dây 500kV Bắc - Nam vẫn được thi công và hoàn thành theo quyết định của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.


Lịch sử được viết lên bằng những con người hành động. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính là người đưa ra các quyết định quyết đoán mang tính bước ngoặt đối với dự án - biểu hiện tầm nhìn chiến lược, quyết định đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Mới đây, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền Quận 7 và huyện Củ Chi, hai địa phương đầu tiên của TP. Hồ Chí Minh công bố kiểm soát được dịch bệnh, đã “xé rào” để chủ động bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, thực hiện mô hình chống dịch COVID-19 chưa có tiền lệ, thiết lập phòng cấp cứu ngay trong các khu cách ly tập trung F0, phát huy hiệu quả rõ rệt trong cấp cứu tại chỗ những trường hợp F0 diễn biến nhanh, nặng.

Nhìn lại những Khoán 10, Khoán 100, đường dây 500kV Bắc - Nam… cho thấy ở mỗi thời điểm đất nước cần những “xé rào”, “cởi trói” để thay đổi đều bắt nguồn từ mong muốn, đòi hỏi của người dân. Để ra được những quyết sách đổi mới này, Đảng luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu.

Cơ chế, chính sách, các chỉ thị, nghị quyết Đảng ban hành khơi nguồn từ mong ước của Nhân dân được những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo vì lợi ích của Nhân dân. Thực tiễn cho thấy cán bộ dám đột phá, “xé rào” phải đối mặt với vô vàn những khó khăn, thử thách, nhiều khi phải đánh đổi bằng cả sinh mệnh chính trị. Đã có nhiều bài học đau xót khi cán bộ, đảng viên “xé rào”, đổi mới nhưng kết quả không như mong muốn.

Hội nghị lần thứ tư, BCH Trung ương khóa XIII khẳng định rõ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) với trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những hành vi tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với ngăn chặn, đẩy lùi, thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực...

Như vậy, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh là yêu cầu quan trọng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tính đồng bộ, sự phù hợp giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, đưa nước ta phát triển nhanh, bền vững. Nhìn vào lòng Dân để hành động, hiểu Nhân dân cần gì, mong mỏi gì để ra được những quyết sách, nghị quyết, chỉ thị như Bác Hồ từng khẳng định: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm”.


(Còn nữa)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất