Kỳ 3: Thuốc thử trạng thái bình thường mới
Tại Kỳ họp thứ 7, từ ngày 28 đến ngày 30-9-2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kỷ luật nhiều tướng lĩnh Cảnh sát biển Việt Nam (Ảnh: UBKT Trung ương).
Trạng thái bình thường mới là trạng thái không chỉ thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả với dịch bệnh, mà còn phải giải quyết được những vấn đề chưa có tiền lệ trong đời sống xã hội cũng như phát triển sản xuất - kinh doanh. Nếu như trước đây chỉ có hiện tượng “quá tải” theo chiều người vào thành phố và các khu công nghiệp lớn, thì nay theo chiều ngược lại đang có dòng chảy hàng chục ngàn người về quê vào cùng một thời điểm. Hệ lụy trên đường đi là rất lớn. Các cơ quan nhà nước, các địa phương đang linh hoạt và cố gắng tối đa để giảm thiểu sự mất mát, khó khăn của người dân trong đợt “rút quân bất đắc dĩ” này! Tuy nhiên, đó mới chỉ là một khó khăn trước mắt. Còn một “khó khăn kép” ngay bây giờ đối với TP. Hồ Chí Minh và các khu công nghiệp lớn phía Nam là thiếu lao động trầm trọng.
Ngược lại, các địa phương có dòng người trở về không chỉ lo đối phó dịch bệnh mà còn phải lo công ăn, việc làm cho những người về! Và rồi đây, chiều ngược lại vào TP. Hồ Chí Minh và các khu công nghiệp phía Nam là cần và đương nhiên sẽ xảy ra, vấn đề là thời gian và điều kiện mà thôi! Có thể nói còn nhiều khó khăn khác nữa sẽ nảy sinh trong thực tế khó tính trước nhưng phải ứng phó, giải quyết kịp thời! Việc phòng, chống dịch là ưu tiên số một, địa phương nào cũng phải cố gắng, cũng phải giữ, nhưng quy định linh hoạt đến mức mỗi địa phương một “lệ”, và hệ lụy kiểu “ngăn sông, cấm chợ” thời bao cấp đang hiện hữu, mặc dù mục đích không phải là thế! Kinh tế Việt Nam phát triển mạnh vì độ mở rất lớn của nó nay phải đóng tạm thời với bên ngoài, nếu bên trong lại “đóng với nhau” nữa thì phục hồi và phát triển sao đây? Rõ ràng, để chuyển trạng thái sang bình thường mới, để thích ứng an toàn, linh hoạt, có hiệu quả với dịch bệnh, có thể sống chung với dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội là thách thức rất lớn. Nó đòi hỏi toàn hệ thống và mỗi cán bộ, đảng viên phải thay đổi rất nhiều mới có thể thích ứng được.
Trước tiên phải kiềm chế được các loại "bệnh" như vô cảm, vô trách nhiệm, chủ quan, lơ là, đùn đẩy, dựa dẫm, đồng thời phải vực dậy tinh thần không ngại hy sinh gian khổ, tinh thần tiên phong “đảng viên đi trước”, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Như vậy mới giải quyết được các khó khăn trước mắt, còn để thích ứng, để ngang tầm nhiệm vụ thì yêu cầu còn cao hơn nhiều. Chính vì thế Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XIII) mới thống nhất bổ sung 2 nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu phải có đủ phẩm chất, uy tín ngang tầm nhiệm vụ”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này thì cùng với “biện pháp chữa trị hữu hiệu” các loại bệnh phổ biến hiện nay trong “bộ phận không nhỏ” thì việc đổi mới sâu sắc công tác cán bộ là hết sức cần thiết. Từng việc đã làm mà hiệu quả không cao phải xem xét cụ thể, không thể chung chung mãi.
Trước tiên phải nói đến phòng, chống tham nhũng, nay có cả phòng, chống tiêu cực. Có thể có người sẽ không đồng tình vì sao lại trước tiên? Vì sao cứ nói mãi việc tham nhũng, tiêu cực?! Xin thưa, có bệnh mà không chữa bệnh ngay thì có thể chết hoặc chí ít cũng tật nguyền, ốm yếu còn làm ăn gì được! Mất niềm tin của dân vì tham nhũng, tiêu cực mà không làm ngay thì sao lấy lại niềm tin! Và muốn xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh mà không loại bỏ những “cái không sạch” thì làm sao sạch và mạnh được! Vừa qua chúng ta đã làm khá quyết liệt, khẳng định không có vùng cấm, không ngại chống lưng. Cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ trung, cao cấp bị kỷ luật, thậm chí tù tội với số lượng xưa nay chưa từng có! Vậy mà… vụ sau có vẻ to hơn, nguy hiểm hơn vụ trước! Đến nay những vụ kiểu PMU18 hay Lã Thị Kim Oanh có lẽ nhiều người đã quên rồi! Thậm chí Vinashin, rồi những ông tướng công an với đường dây đánh bạc công nghệ cao, các ông tướng của Bộ Tư lệnh Hải quân cũng chưa “khiếp” bằng 9 tướng của Cảnh sát biển Việt Nam mới đây! Nguyên nhân của tội lỗi, suy cho cùng chỉ có một, đó là “viên đạn bọc tiền”! Triết lý “cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền”, “nén bạc đâm toạc tờ giấy” thật khủng khiếp. Nó xuyên thủng tất cả, không chừa chỗ nào hết! Thực trạng như thế mà không đưa vào “những việc cần làm ngay” thì còn chờ đến thế nào nữa! Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải nói thẳng: “Ai không muốn làm hãy đứng sang một bên”!
Thực ra việc xét kỷ luật, xử tù, xử tội đồng chí mình là việc cực chẳng đã! Nhưng nếu không làm thì sẽ ra sao? Không chỉ là sự tồn vong của Đảng mà là tồn vong của cả chế độ và sự ổn định, phát triển của đất nước sẽ bị đe dọa! Dẫu biết kỷ luật, tù tội chỉ là việc “cắt cái ngọn xấu” của công tác cán bộ, nhưng tình trạng bệnh tật đã ở mức không thể không phẫu thuật! Thậm chí cắt gan, cắt mật cũng phải làm vì sự sống còn! Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không nghĩ đến phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đảng đã ban hành một loạt văn bản, nghị quyết về trách nhiệm nêu gương, sàng lọc đảng viên, chống chạy chức, chạy quyền… Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) lại thảo luận sửa đổi, bổ sung theo hướng cụ thể, ngắn gọn, phù hợp với yêu cầu hiện nay để sớm ban hành Quy định “Những việc đảng viên không được làm”. Quốc hội cũng sẽ thảo luận để sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai nhằm giữ gìn và phát huy hiệu quả “tấc đất, tấc vàng” cho phát triển đất nước. Đất đai nhất thiết không thể là thứ “cha chung, không ai khóc”, là “cá rán bày trước miệng mèo”! Lần này, các đại biểu của dân chắc chắn sẽ thảo luận kỹ sao cho “nhóm lợi ích” không thể hợp lý hóa bằng các con dấu “lạm quyền, tha hóa” để “cưỡng đoạt ngọt ngào” đất đai của dân, để bán rẻ đất công cũng như tài sản công trên đất. Phải làm cho kẻ muốn tham nhũng không tham nhũng được. Phải chăng đó cũng là thuốc thử năng lực ngang tầm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng của các đại biểu dân cử trong tình hình hiện nay.
Trong phòng, chống dịch vừa qua, việc phong tỏa quá rộng, kém hiệu quả gây tổn thất cả về người và kinh tế có thể soi vào việc phòng, chống tham nhũng với vấn đề kê khai tài sản diện quá rộng không?! Có ý kiến cho rằng, cần khoanh lại, tập trung vào các vị trí dễ tham nhũng mà ai cũng nhìn thấy. Cán bộ địa chính cấp thấp dễ tham nhũng đất đai hơn một ông cán bộ cấp cao không trực tiếp làm việc đó. Người đứng đầu có quyền cấp phát tiền và bổ nhiệm cất nhắc dễ mắc khuyết điểm hơn các vị trí khác. Các vị trí “nóng” như vậy cần chọn những cán bộ trung thực, tự nguyện kê khai tài sản để cơ quan, tổ chức và nhân dân theo dõi sát sao. Hoặc chí ít cũng được thanh tra, kiểm tra đối chiếu hàng năm sự biến động của tài sản đã kê khai. Những người hoàn thành tốt nhiệm vụ được coi đã “tiêm 2 mũi vắc-xin ngừa tham nhũng”, phải được khen thưởng thích đáng và bổ nhiệm vượt cấp. Nếu kê khai tràn lan rồi “bỏ tủ” hiệu quả không cao. Dẫn ra một việc cụ thể như thế chỉ là đơn cử dễ hiểu nhằm khẳng định phải đổi mới, tìm cách mới, không thể để kéo dài tình trạng tham nhũng, tiêu cực làm hỏng chiến lược về cán bộ của Đảng.
Nói công tác cán bộ không thể đi theo lối mòn, phải đi theo lối mới, phải đổi mới không có nghĩa bỏ hết cái cũ có hiệu quả và có tính khoa học. Đi theo lối mới chính là làm bài bản, làm có tính đến hiệu quả và phải được đối chiếu khoa học và thực tiễn một cách cầu thị. Cách làm như vậy, tấm gương sáng của Bác Hồ có thể soi vào mọi khâu của công tác cán bộ. Về học tập, Bác nói: “Học để làm người, học để làm cán bộ” chứ không phải học vì bằng cấp. Bác phê phán mạnh mẽ: “Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách, như thế là một thất bại của Đảng”. Về bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ, Bác nhấn mạnh: “Vì công tác, vì tài năng, nếu vì yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang thì nhất định không ai phục, mà lại gây ra mối lôi thôi cho Đảng”. Về chọn lựa cán bộ, Bác đưa ra những tiêu chuẩn rất xác thực: “Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng, luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng… Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn”. Hoàn cảnh chống dịch như chống giặc, hoàn cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt có hiệu quả trong phòng, chống dịch, đồng thời phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện tổn thương nặng nề như hiện nay có phải là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không? Có thể là thuốc thử để đánh giá, chọn lựa và làm mới cán bộ không?
Theo lời dạy của Bác, có thể hiểu thời điểm này là thời điểm tốt nhất để làm việc đó! Không thể lòng vòng cái “quy trình” tưởng đúng mà chứa đựng nhiều lỗ hổng, khi sai thì tập thể chịu trách nhiệm, khi giấu được thì “lợi ích nhóm” được bảo toàn và phình to! Sinh thời, Bác rất coi trọng công tác cán bộ. Bác quan niệm: “Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”, bởi thế “phải khéo dùng cán bộ”, “phải cất nhắc cán bộ cho đúng” và phải làm cho cán bộ “cả gan nói, cả gan đề ra sáng kiến”. Muốn cán bộ “cả gan” phải có dân chủ, phải mở rộng dân chủ. Bác luận giải mối quan hệ giữa dân chủ, sáng kiến và hăng hái thật dễ hiểu và rất thuyết phục: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi thì những người đó càng thêm hăng hái và người khác cũng học. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc thì những khuyết điểm lặt vặt cũng tự sửa chữa được”. Không khơi dậy được tính tích cực, chủ động, hăng hái của cán bộ, cứ bao biện làm thay sẽ làm cho “cán bộ như một cái máy, việc gì cũng chờ mệnh lệnh, sinh ra ỷ lại, mất sáng kiến”. Nhiều cán bộ hiện nay đang mắc căn bệnh này, và còn tệ hại hơn khi biến chủng “ngậm miệng ăn tiền”, “khiêm tốn giả vờ”, “đùn đẩy, tranh công đổ lỗi” không biết xấu hổ đang là vũ khí thăng tiến lợi hại của cán bộ yếu kém! Xem vậy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần triển khai mạnh mẽ hơn, sâu sắc và thiết thực hơn.
Công tác cán bộ thời nào và ở đâu cũng không dễ. Ở đâu làm tốt, ở đó có sự phát triển bền vững. Thời nào làm tốt thì thời đó nhân tài nở rộ, khắp chốn cùng nơi vang tiếng ngợi ca của người dân về cảnh thái bình thịnh trị. Đảng ta “không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân”. Hiện giờ nhân dân đang gặp khó khăn, tình hình dịch bệnh và kinh tế đang thách thức toàn bộ hệ thống của chúng ta. Phải chăng hoàn cảnh ấy là thuốc thử kích hoạt cả bộ máy với phương châm “6 dám”, khởi đầu đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XIII) đề ra về “xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, uy tín ngang tầm nhiệm vụ”! Khó khăn, gian khổ là môi trường tốt cho cán bộ, đảng viên rèn luyện tinh thần chiến đấu, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với truyền thống của Đảng, chúng ta tin tưởng và kỳ vọng vào điều đó!
TS. Nguyễn Viết Chức
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội