Trong đợt lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thuộc nhóm bộ trưởng có nhiều phiếu tín nhiệm thấp. Qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này, Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình sẽ thấy rõ hơn những hạn chế, yếu kém, thậm chí sai sót của ngành và của cá nhân mình để suy nghĩ tìm những giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trong phạm vị quyền hạn và trách nhiệm được giao.
Bộ trưởng là người đứng đầu Bộ Nội vụ và Ban Cán sự Đảng bộ trực tiếp chỉ đạo công tác tổ chức và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cả nước theo phân cấp-một lĩnh vực có ý nghĩa rất quyết định trong việc thực hiện thành công các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và các chương trình, kế hoạch công tác của từng ngành, địa phương, đơn vị. Bộ Nội vụ và Bộ trưởng có nhiệm vụ chính, chịu trách nhiệm chính về những thành công và chưa thành công trong lĩnh vực hoạt động này. Tuy vậy, còn nhiều tổ chức, cá nhân liên đới trách nhiệm với lĩnh vực công tác quan trọng, có tính quyết định này. Bên cạnh Bộ trưởng còn có Ban Cán sự Đảng và đông đảo cán bộ, công chức Bộ Nội vụ, các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị, trên nữa còn có Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh Bộ Nội vụ còn có Ban Tổ chức Trung ương Đảng, cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác tổ chức và cán bộ, công chức mà trong đó Bộ trưởng đồng thời là một Phó trưởng ban. Nói như vậy để thấy không chỉ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ mà còn là trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đối với công tác tổ chức, cán bộ của Đảng và Nhà nước.
Ai nấy đều biết:“Đảng Cộng sản Việt Nam…là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (Điều 4, Hiến pháp 2013). “Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh Chính trị, chiến lược, chính sách, chủ trương, bằng công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ và kiểm tra, giám sát việc thực hiện”. “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ”; “Đảng giới thiệu cán bộ đủ tiêu chuẩn để ứng cử hoặc bổ nhiệm vào cơ quan nhà nước, mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội” (Điều 41 Điều lệ Đảng). Sứ mệnh trên đây của Đảng được xác định trên cơ sở nhận thức sâu sắc về lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam: Tổ chức là một khâu quyết định đối với việc thực hiện thành công đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và trong tổ chức, con người (bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, là nhân tố quyết định nhất, năng động nhất trên mọi lĩnh vực hoạt động. Có nghĩa là, sau khi đã xác định đúng đắn nhiệm vụ chung của cả nước cũng như nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, địa phương, đơn vị thì công tác tổ chức, cán bộ có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó. Chính vì lẽ đó mà ta nói công tác tổ chức, cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân; thành công là do làm tốt công tác tổ chức, cán bộ; ngược lại, cũng là do khâu công tác quan trọng này còn nhiều sai sót, yếu kém. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường quan tâm hàng đầu công tác tổ chức và cán bộ. Người thường nói cán bộ là cái gốc của mọi công việc, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng và Nhà nước.
Tổ chức, cán bộ vốn là lĩnh vực hoạt động có nhiều khó khăn, phức tạp đòi hỏi những cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp, các đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo, vừa dựa vào cơ quan tham mưu, vừa phải sâu sát với cấp dưới và cơ sở, nhanh nhạy với những vấn đề bức xúc của quần chúng và quyết đoán xử lý. Người đứng đầu tổ chức có vai trò rất quan trọng đối với công tác tổ chức, cán bộ. Ví dụ, ngay sau khi xảy ra sự cố ở cảng hàng không Tân Sơn Nhất hoặc công trường đường sắt trên cao ở Hà Nội, Bộ trưởng Đinh La Thăng lập tức vào cuộc, đến tận nơi kiểm tra, xem xét, yêu cầu xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu đơn vị để xảy ra sự cố, xem xét lại kế hoạch an toàn hàng không, an toàn lao động của những tổ chức có liên quan, đánh giá lại chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, công nhân và đặt vấn đề kiện toàn lại tổ chức và nhân sự của những đơn vị liên quan… Tác phong sâu sát thực tiễn và có quyết đáp kịp thời như vậy của Bộ trưởng rất đáng hoan nghênh, biểu dương.
Gần đây, cơ quan kiểm tra phát hiện ra những sai lầm của nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trong đó có những sai phạm về công tác tổ chức, cán bộ. Đó là những sai phạm nghiêm trọng của một cán bộ cấp cao, không hiểu trước đó các cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng và Chính phủ, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ có biết không? Được biết, các ban Đảng ở Trung ương đều có chuyên viên theo dõi bộ, ngành, địa phương. Họ không biết hoặc biết mà không báo cáo, đều là sai sót lớn về trách nhiệm đối với công việc được giao. Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định: trong việc thực hiện những quy định của Đảng, ông Truyền “có việc thiếu trung thực, có việc vi phạm hoặc chưa gương mẫu” nên đã “gây phản cảm, tạo dư luận xấu ở địa phương và lan rộng ra xã hội…”. Những sai sót của ông Truyền không thể không ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức và cơ quan thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra nói chung. Nhân dịp này các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét hệ lụy của việc ông Truyền ký quyết định đề bạt, phong hàm cho gần 70 cán bộ cơ quan Thanh tra Nhà nước trước khi nghỉ hưu, giúp cơ quan này có cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức tinh gọn, hoạt động chất lượng, xử lý dứt điểm số cán bộ có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực đã được phanh phui trên mặt báo.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, một số ngành, tổ chức kinh tế đang thực hiện việc tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh, nhưng ít nói tới đổi mới lĩnh vực tổ chức và nhân sự, một lĩnh vực có vai trò quyết định, bảo đảo sự thành công của ngành, đơn vị. Đổi mới cơ cấu tổ chức và cán bộ, công chức là công việc quá khó, do đòi hỏi của thực tiễn, nhưng khi làm thì gặp nhiều trở ngại. Đó là do tư tưởng bảo thủ, trì trệ, ngại khó, nhưng nguyên nhân quan trọng là do lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm của một số cán bộ có chức quyền thao túng của cơ quan, tổ chức này. Bên cạnh đó còn có những thói hư, tật xấu diễn ra ở nhiều nơi, nhiều người như chạy chức, chạy quyền, chạy việc, chạy biên chế, chạy bằng cấp, chạy tội…
Tuy khó, nhưng phải bắt tay làm ngay từ những cơ quan, tổ chức mà cán bộ chủ chốt ở đó có nhiều sai phạm bị phanh phui trên mặt báo hoặc bị đảng viên, quần chúng tố cáo. Qua chống tiêu cực để xây dựng, kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Muốn làm được như vậy, từng cơ quan, đơn vị phải thẳng thắn nhìn vào sự thật, tìm ra những hạn chế, yếu kém, thậm chí sai sót của từng thành viên, từng bộ phận trong cơ quan và quyết tâm khắc phục bằng được. Nhiều người nói đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ta đông mà không mạnh, có khoảng 30% không phát huy được tác dụng; trong khi đó hiện có hàng chục vạn người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng không tìm được việc làm. Năm nào, Đảng và Nhà nước cũng kêu gọi thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế, thậm chí cắt bớt 10% kinh phí chi tiêu hằng năm, nhưng kết quả thường ngược lại. .
Trên lĩnh vực tổ chức và nhân sự, còn tình trạng nói nhiều, làm ít, thậm chí không làm. Trong và ngoài diễn đàn Quốc hội có nhiều vấn đề bức xúc được nêu lên và đòi hỏi phải nghiên cứu công phu và có giải pháp xử lý cụ thể, từng bước ở từng ngành, từng địa phương và từng tổ chức.Thực thi những công việc thuộc về nghiệp vụ công tác tổ chức, nhân sự càng không đơn giản. Tuy đã có những quy định rõ ràng về quy trình, quy chế xử lý từng khâu cụ thể trong công tác cán bộ như đánh giá, tuyển chọn, bầu cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển cán bộ, nhân dân tham gia xây dựng và giám sát cán bộ, phân công, phân cấp quản lý cán bộ, sử dụng, bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần của cán bộ…, song cũng còn nhiều sai sót, sơ hở, thiếu chặt chẽ.
Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và trách nhiệm trong lĩnh vực công tác tổ chức và nhân sự, đã có những đóng góp nhất định, góp phần tạo nên thành công to lớn của cách mạng. Song tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tỷ lệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu và những tiêu cực, tệ nạn xã hội; sự yếu kém trong quản lý và điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành…chậm được khắc phục hoặc chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn diễn biến phức tạp. Có thể nói tình trạng trên bắt nguồn từ những yếu kém, sai sót trong công tác tổ chức, nhân sự. Xử lý những vấn đề bức xúc nêu trên, riêng Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương không thể làm nổi, mà phải có sự vào cuộc với ý thức, trách nhiệm cao của các cấp ủy và chính quyền các cấp, trước hết là người đứng đầu trong hệ thống chính trị của cả nước.
Song Hà