“Thế giới cần đền khoa học, khoa học cần đến phụ nữ” là thông điệp tổ chức UNESCO đưa ra trong chương trình “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học”.
Ở Việt Nam, mặc dù Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương chính sách để đạt được sự bình đẳng giới và phụ nữ đã có nhiều đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của đất nước, song thực tế số cán bộ nữ tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học còn ít so với số lượng cán bộ khoa học nữ. Sự bình đẳng trong hoạt động nghiên cứu khoa học giữa nam và nữ còn một khoảng cách khá xa. Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, tỷ lệ phụ nữ làm chủ nhiệm đề tài cấp bộ trở lên năm 2010 chiếm khoảng 10% trong tổng số đề tài từ cấp bộ trở lên của khoa học và công nghệ, trong đó phụ nữ làm chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước chỉ chiếm 0,2%. Con số này không nằm ngoài tình trạng chung về vấn đề bất bình đẳng giới trong nghiên cứu khoa học trên thế giới. Theo con số thống kê của UNESCO và tổ chức L’OREAL trong chương trình “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” cho thấy, trên thế giới chỉ có 30% sinh viên các ngành khoa học là nữ giới, 25% các nhà khoa học là nữ giới, 2,9% chủ nhân giải Nobel là nữ[1]. Từ con số đó, thông điệp của chương trình đưa ra là “Thế giới cần khoa học và khoa học cần phụ nữ”. Vấn đề gì đã làm cho có sự bất bình đẳng giới trong hoạt động nghiên cứu khoa học như vậy? Và làm thế nào để giải quyết được tình trạng trên? Đây là một bài toán đã và đang đặt ra cần phải giải quyết trong Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, cụ thể hơn là vấn đề bình đẳng giới trong hoạt động nghiên cứu khoa học trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Dưới góc độ là một người nghiên cứu khoa học, tác giả mạnh dạn đưa ra những giải pháp để góp phần cải thiện vấn đề bình đẳng giới trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay trên ba phương diện:
Đối với Đảng, Nhà nước
Các cấp ủy kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nghị quyết của Đảng đã ban hành về công tác phụ nữ và cán bộ nữ. Tiếp tục có những chủ trương, chính sách cụ thể để mang lại quyền hạn và cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và nam giới. Chẳng hạn bình đẳng tuổi nghỉ hưu đối với những người làm công tác nghiên cứu khoa học, không phân biệt giới khi tuyển dụng, xác định tỷ lệ nữ khi cử đi các lớp đào tạo, bồi dưỡng... Phân phối nguồn lực bình đẳng hơn và cần có chế độ chính sách riêng đối với nữ, khuyến khích cán bộ nữ nâng cao trình độ khoa học. Khen thưởng khích lệ đối với những cán bộ có những đóng góp lớn trong hoạt động nghiên cứu khoa học và đặc biệt là những cán bộ nữ có những đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ tốt cho sản xuất thực tiễn.
Đối với các cơ quan quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học
Nên có cơ chế đặc thù khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận cho phụ nữ tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn dành riêng một số dự án, đề tài cho cán bộ nữ nghiên cứu và cần được thể chế bằng văn bản.
Đối với bản thân cán bộ khoa học nữ
Bản thân người phụ nữ phải tự tin, cố gắng, niềm đam mê và nghị lực. Để cân bằng giữa công việc và gia đình, đối với người phụ nữ không đơn giản là một nghệ thuật sống, mà phải xuất phát từ tấm lòng và niềm đam mê công việc thì mới có thể thành công khi tham gia công tác nghiên cứu khoa học. Trước hết, người phụ nữ phải hoàn thành thiên chức của người con, người vợ và người mẹ. Đối với bất cứ người phụ nữ nào, được chăm sóc gia đình là hạnh phúc không gì thay thế, được tự tay nấu ăn cho chồng con, chăm sóc và dạy con học tập…Đồng thời, gia đình hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, học giỏi sẽ là cơ sở vũng chắc để người phụ nữ có thể yên tâm công tác và tham gia nghiên cứu khoa học.
Để bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giới, trước tiên, phụ nữ phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao kiến thức, trí tuệ. Điều đó sẽ làm cho phụ nữ tự tin lên rất nhiều. Phụ nữ phải luôn xác định mục tiêu của mình là gì, phải có ước mơ và quyết tâm thực hiện bằng được. Điều quan trọng nữa là phải tự khẳng định mình qua công việc và cuộc sống. Muốn vậy, cần tự đánh giá mình và xác định rõ những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, từ đó lựa chọn con đường đi cho phù hợp, có thể phát huy được sở trường và hạn chế những nhược điểm. Đặc biệt là bản thân phụ nữ phải có niềm đam mê trong công việc, luôn khát khao sáng tạo, đổi mới và phải có đủ nghị lực để vượt qua những khó khăn, vất vả trong cuộc sống gia đình và công việc.Bên cạnh đó, việc đấu tranh tạo cơ hội học tập, làm việc và thăng tiến cho phụ nữ bình đẳng với nam giới là rất cần thiết hiện nay. Không thể có người phụ nữ nào đạt đến vị trí đỉnh cao của quản lý, khoa học khi mà họ phải mất nhiều năm để sinh con và chăm sóc con nhỏ, không kể công việc gia đình luôn khiến họ bị phân tâm; các cơ hội học tập và làm việc bị hạn chế hơn nhiều so với nam giới.
Khi tham gia nghiên cứu khoa học cần cố gắng theo đuổi mục tiêu đến cùng. Việc cơ quan, việc gia đình bận rộn nên cần biết cách sắp xếp thời gian, công việc một cách hợp lý, khoa học. Khi cảm thấy thoải mái vì gia đình ổn thỏa thì mọi việc sẽ trôi chảy và có nhiều niềm vui trong công việc. Tất cả phụ nữ đều có thể tham gia nghiên cứu khoa học, nhưng bất cứ ai, dù làm việc gì cũng cần ứng dụng các phương pháp làm việc khoa học, các kiến thức khoa học và công nghệ để phục vụ tốt hơn công việc và cuộc sống của mình.
TS. Nguyễn Thị Thu Nga,
Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Khu vực IV