Kết hợp và chuyển tiếp liên tục, vững vàng các thế hệ cán bộ
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chủ trương kết hợp cán bộ nhiều tuổi với cán bộ trẻ nhằm tăng cường sức chiến đấu, tính năng động và để bảo đảm sự kế thừa liên tục trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết Trung ương ba (khóa VII, 6-1992) về một số nhiệm vụ đổi mới, chỉnh đốn Đảng chỉ ra tình trạng “già hóa” và yêu cầu: trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, thực hiện trẻ hóa đội ngũ cán bộ, bảo đảm tính liên tục và tính kế thừa của đội ngũ cán bộ. Nhưng, thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ những năm tiếp theo chưa được cải thiện, có nơi còn nghiêm trọng hơn. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khóa VII, 1-1994) đánh giá: tình trạng hẫng hụt cán bộ ở nhiều nơi vẫn chưa được khắc phục một cách căn bản.

Mười lăm năm sau, Hội nghị Trung ương 9 (khóa X, 1-2009) vẫn cho rằng: việc chuyển tiếp giữa các thế hệ lãnh đạo chưa được chuẩn bị chu đáo, chậm khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ ở nhiều địa phương, ngành. Tổng kết một số bài học kinh nghiệm trong xây dựng đội ngũ cán bộ, Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) về Chiến lược cán bộ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước khẳng định: xây dựng đồng bộ đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là cán bộ đứng đầu. Phải đổi mới, trẻ hoá cán bộ trên cơ sở tiêu chuẩn và có sự chuẩn bị chu đáo, kết hợp các độ tuổi, bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa và phát triển giữ vững đoàn kết nội bộ và ổn định chính trị. Đại hội XI của Đảng khẳng định: Phải đổi mới, trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý, kết hợp các độ tuổi, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển của đội ngũ cán bộ.      

Kết hợp đúng đắn giữa các thế hệ cán bộ vừa là yêu cầu cấp bách, vừa mang tính cơ bản, lâu dài cần được thực hiện tốt từ Trung ương tới cơ sở bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục vững vàng giữa các thế hệ cán bộ nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giữ vững độc lập dân tộc, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đất nước. Từ năm 1986 đến nay, công tác cán bộ trong đó có nội dung kết hợp các thế hệ cán bộ đã được Đảng ta quan tâm làm tốt hơn trước. Cùng với sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức gọn nhẹ, tinh giản bớt đầu mối trung gian, Đảng đã thay đổi, bố trí lại cán bộ để đáp ứng yêu cầu của cơ chế quản lý mới. Bên cạnh những cán bộ lâu năm, có bản lĩnh chính trị vững vàng, Đảng chú ý đào tạo và sử dụng, bố trí không ít cán bộ có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, tháo vát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có kiến thức khoa học, kinh tế, luật pháp, có đầu óc kinh doanh.

Bên cạnh những mặt cố gắng trên, việc kết hợp giữa thế hệ cán bộ vẫn còn một số hạn chế sau:

Còn không ít cấp ủy đảng và thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa thiếu tin tưởng cán bộ trẻ, cho rằng người sau không bằng mình. Nhiều nơi có quy hoạch cán bộ kế cận, nhưng lại làm một cách hình thức, chiếu lệ, chưa khách quan và công tâm trong đánh giá cán bộ. Khi thì tuyệt đối hoá thành phần xuất thân, lý lịch gia đình, khi thì quá nhấn mạnh giới tính, bằng cấp, tuổi tác. Chưa làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và tạo được tâm lý và dư luận xã hội coi việc bổ nhiệm và miễn nhiệm chức vụ đối với cán bộ là việc làm bình thường. Trong tâm lý, dư luận xã hội hiện nay còn rất nặng nề, coi việc miễn nhiệm khi cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ như một hình thức kỷ luật. Do vậy, việc việc miễn nhiệm chức vụ cán bộ khó khăn.

Đã có những biểu hiện chỉ thiên về tuổi tác mà xem nhẹ quá trình đào tạo và thử thách dẫn đến tình trạng một số nơi có lúc đề bạt ồ ạt những cán bộ trẻ mà không ít người trong đó chưa đạt tiêu chuẩn. Trong nhiều trường hợp lại tuyệt đối hoá về mặt tư duy, cho rằng trẻ hay già là do tư duy quyết định chứ không phải do tuổi tác. Người nhiều tuổi mà có tư duy đổi mới là “trẻ”; người trẻ tuổi mà bảo thủ, trì trệ vẫn “già”. Điều đó có những trường hợp đúng. Song cách phân tích lúc thì nhấn mạnh mặt này, lúc thì nhấn mạnh mặt kia theo kiểu “nguỵ biện” sẽ dẫn tới hậu quả là không ít cán bộ trẻ, tuy đủ tiêu chuẩn nhưng không được trọng dụng và không ít cán bộ già, sức khoẻ yếu và năng lực hạn chế vẫn được giữ lại làm việc ở nhiều cương vị quan trọng. Không ít người muốn đề bạt, sử dụng cán bộ trẻ  nhưng phải là con cháu của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Con cháu mình là ai? Con cháu mình là tất cả, là thanh niên Việt Nam. Chứ không phải như thời phong kiến: Cha làm quan, con là cậu ấm. Con mình xấu thì đề bạt sao được” [1].             

Để bảo đảm sự kế thừa liên tục trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước cần xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người lãnh đạo hiện tại trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kế tục, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận đông đảo, có triển vọng thật sự, có chất lượng ngày một cao hơn. Trong các văn kiện của Đảng, khi nói về tuổi bổ nhiệm, bầu cử sử dụng từ “nói chung” là đã phản ánh tính phong phú của thực tế, thể hiện tư duy mềm dẻo, biện chứng, đi vào chiều sâu của vấn đề, tránh hiểu máy móc, siêu hình, cứng nhắc. Đại hội VI của Đảng chỉ rõ: "Tránh lối đổi mới một cách hình thức, chỉ căn cứ vào độ tuổi, bằng cấp, hoặc hiểu đổi mới chỉ đơn thuần là thay đổi người, chỉ trọng cán bộ mới, coi nhẹ cán bộ lâu năm có năng lực và phẩm chất" [2]. Nghị quyết Hội nghị Trung ương ba (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đề ra chỉ tiêu: “Bảo đảm có đủ nguồn cán bộ để mỗi nhiệm kỳ có thể đổi mới khoảng 30-40% số cán bộ lãnh đạo đảng, nhà nước, đoàn thể các cấp, cán bộ lãnh đạo lực lượng vũ trang” [3].

Từng cấp ủy phải ý thức rất rõ về sự cần thiết cấp bách, ý nghĩa chiến lược của việc chuẩn bị lực lượng cán bộ kế cận và xác định rõ trách nhiệm của mình đối với công việc hệ trọng này. Mỗi người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải bồi dưỡng, giới thiệu được các cán bộ có thể thay mình. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt đã cao tuổi nên xem việc mình thôi giữ chức vụ cũng là cách tạo điều kiện đưa cán bộ trẻ vào cơ quan lãnh đạo để bồi dưỡng.

Để trẻ hoá đội ngũ cán bộ, để cán bộ trẻ có đủ tài năng và đạo đức thay thế lớp cán bộ già thì công việc trọng tâm đối với cán bộ trẻ là phải được đào tạo cơ bản, còn với cán bộ già thì không đưa đi đào tạo mà chỉ bồi dưỡng những kiến thức cần thiết để các đồng chí đó hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đối với cán bộ trẻ, yêu cầu hàng đầu trong đào tạo, bồi dưỡng là bản lĩnh chính trị, tu dưỡng tính đảng, phẩm chất đạo đức cách mạng, tầm nhìn và năng lực tư duy chiến lược, khả năng thích ứng và ứng phó tốt với mọi sự thay đổi, mọi sức ép của công việc và dư luận; khả năng giao tiếp tốt với mọi đối tượng v.v..

Cùng với việc bổ nhiệm cán bộ có thời hạn, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cho phù hợp để khắc phục sức ỳ, tệ gia trưởng và tư tưởng cục bộ, chủ nghĩa kinh nghiệm đang tồn tại ở nhiều nơi. Cần có chính sách khuyến khích tạo điều kiện để cán bộ trẻ say sưa học tập, cống hiến trí tuệ, sức lực của mình vào sự nghiệp chung, đồng thời quan tâm chăm sóc chu đáo cán bộ già.

Các quy chế, quy định, quy trình quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý phải bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn được các tiêu cực. Cấp ủy, cán bộ lãnh đạo và cơ quan tổ chức - cán bộ cấp trên phải làm tốt việc kiểm tra, giám sát đối với công tác cán bộ của cấp dưới. Có cơ chế để cán bộ cấp dưới, đảng viên và nhân dân giám sát cán bộ và công tác cán bộ. Có hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với những biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ.

Muốn kết hợp tốt các thế hệ cán bộ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng thì giải pháp quan trọng là phải đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện để cán bộ trẻ khẳng định được mình đồng thời phải quan tâm, chăm sóc cán bộ già một cách chu đáo nhất trong điều kiện và hoàn cảnh cho phép. “Con hơn cha là nhà có phúc”, “kính già phải đi đôi với trọng trẻ”.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Hạnh phúc lớn của một dân tộc, của những người đi trước là đào tạo được lớp người “hậu sinh khả uý”, lớp người kế tục trung thành và xứng đáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang, tiếp tục thực hiện lý tưởng cao đẹp mà mỗi người hằng theo đuổi, ước mơ” [4].

--------------------------------

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, t.10, H.1995, tr. 465.
(2). ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 132.
(3). ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 79.
(4). Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H. 2012, tr. 581.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất