Trí tuệ, lương tâm và danh dự của dân tộc

1. Cơn đau vĩ đại của dân tộc đã sinh thành Đảng vĩ đại

Nỗi đau dân nước kéo dài ngót một thế kỷ lầm than, nô lệ. Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác, tình hình đen tối như không có đường ra. Biết bao hy sinh, vật vã, cả dân tộc trăn trở, thử nghiệm, thất bại nối tiếp thất bại, đau thương kế tiếp đau thương, lòng dũng cảm được nhân lên và “trí khôn” của dân tộc đã lên tiếng trả lời. Đảng Cộng sản Việt Nam xuất hiện là một tất yếu, là lẽ đương nhiên của cuộc sống, là kết quả của những nỗi đau đời triền miên nhiều năm tháng của những kiếp người. Chính “nỗi đau vĩ đại” của lịch sử dân tộc đã làm cho dân tộc Việt Nam, tiêu biểu là những người cộng sản biết vượt qua, biết sinh thành và tái tạo để trở thành vĩ đại.

Từ ngày ra đời, Đảng ta luôn giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi phản đế, phản phong. Ngọn cờ vẫy gọi - một đường lối đúng dẫn dắt, chỉ đường cho nhân dân ta tiến bước. Lấy mục tiêu không thay đổi - độc lập, tự do, hạnh phúc cho toàn dân - để ứng với muôn triệu đổi thay nổi chìm, kế tiếp của cuộc đời dâu bể. Nhưng để có một đường lối đúng là cả một sự nỗ lực, tìm học và nghĩ suy, chọn lọc và quyết định. Làm giàu trí tuệ của mình bằng toàn bộ di sản văn hoá tinh thần của dân tộc, bằng sự hấp thụ tinh hoa văn hoá của loài người đâu có phân ranh sắc tộc với màu da, trời Âu hay bể Bắc. Học, học tất cả mọi người nhưng chẳng bị nô dịch bởi riêng ai. Hấp thụ và tiêu hoá, tất cả như phương tiện, là điều kiện để ta đích thực là ta, ta vì ta, vì mục đích độc lập - tự do - hạnh phúc của dân không đổi hướng, thay màu. “Nếu nước độc lập mà dân chưa được hưởng tự do và hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Vì vậy “chúng ta cần phải biết rằng những thắng lợi mà chúng ta đã đạt được mới chỉ là bước đầu trên đường đi muôn dặm”. Hồ Chí Minh, chính Người đã viết những dòng sáng ấy.

Năm 1930 - một cột mốc lịch sử. Đất nước sau những cơn đau kéo dài, vật vã đã bắt đầu một thời kỳ mới: Một con đường đúng đã tìm ra. 1945 - 1954 - 1975 - 1986... những cái mốc của một con đường, tuy rực rỡ chiến công, nhưng không ít mất mát và sai lầm. Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng mắc những sai lầm, khuyết điểm trên con đường chưa được khai thông, đầy chông gai trở lực để tiến tới mục tiêu. Nhưng sai lầm thì gắng sửa, vấp ngã lại đứng lên. Bác Hồ đã dạy Đảng ta phải quang minh chính đại nên Đảng không giấu giếm lỗi lầm, quyết tâm sửa chữa.

“Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Hồ Chí Minh, trước lúc đi xa đã căn dặn điều cốt tử ấy. Từ 1945 tới nay đã 70 năm cầm quyền, nhiều khi đúng, có lúc sai, nhưng xuyên suốt vẫn một Đảng được nhân dân tin cậy giao phó trọng trách chèo lái con thuyền cách mạng. Để có được sự tin cậy ấy, trước hết là Đảng phải biết tìm ra con đường cần phải đi và cách thức để không bao giờ lạc hướng, sai đường. May mắn thay, Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đã cho ta cái cẩm nang thần kỳ. Đó là một quy trình cần phải tuân theo nghiêm ngặt:

“- Phải có tri thức, có lý luận cách mạng.

- Khi đặt ra khẩu hiệu và chỉ thị luôn luôn phải dựa vào điều kiện thiết thực và kinh nghiệm cách mạng ở các nước, ở trong nước và địa phương.

- Phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị ấy có đúng hay không.

- Phải luôn luôn xem xét lại tất cả công tác của Đảng. Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng.

- Mỗi công việc của Đảng phải giữ nguyên tắc và phải liên hợp chặt chẽ với dân chúng để “lãnh đạo được dân chúng”, “học được dân chúng” và “nâng cao được dân chúng”.

- Phải giữ vững tính cách mạng và “khéo dùng những cách thức thi hành cho hoạt bát”, phải biết cách tổ chức thực hiện và phải biết liên hợp lợi ích ngày thường và lợi ích lâu dài của dân chúng.

- Không khi nào được che giấu khuyết điểm, sợ phê bình, phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hoá ra là nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”(1).

Ngày nay, nhìn rộng ra thế giới, suy ngẫm kỹ về đất nước mình, chúng ta càng thấm thía nhờ có Hồ Chí Minh mà Đảng ta có một quy trình để tìm ra và thực hành chân lý: Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Và chính vì đã biết thực hành chân lý ấy một cách xuất sắc mà Đảng Cộng sản Việt Nam - đảng duy nhất cầm quyền đã đạt tới một vị trí cao nhất trong hệ thống quyền lực ở Việt Nam.Vị thế ấy chẳng phải do sức mạnh bạo lực nào áp đặt mà do sự suy tôn của dân tộc, là sức mạnh của niềm tin trong hàng chục triệu trái tim đồng bào. Đảng ta! Đảng của tôi! Đảng của chúng ta. Trên thế giới này hiếm có đảng chính trị nào lại có vinh dự được trở thành Đảng của dân tộc như thế. Đảng là “hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc”(2). Chính vì thế và cũng chỉ có như thế thì Đảng mới trường tồn, Đảng mới xứng đáng được ngợi ca “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!”.

2. Vị thế, uy tín chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có được khi Đảng ở trong trái tim của nhân dân

Hồ Chí Minh căn dặn: Muốn lãnh đạo được người khác thì “trước hết mình phải làm mực thước cho người ta noi theo”, “đảng viên đi trước làng nước theo sau”, “ đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của nhân dân”. Muốn cầm quyền thì phải trở thành “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đó chính là một hằng số, là nội hàm chính xác nhất của khái niệm uy tín chính trị. Uy tín chính trị của Đảng do nhiều nhân tố cấu thành, chúng gắn bó một cách hữu cơ tạo thành một hệ chuẩn mực thống nhất.

Trước hết, uy tín chính trị của một đảng tiên phong lãnh đạo cách mạng được quyết định bởi trình độ lý luận của Đảng. V.I.Lê-nin hoàn toàn có lý khi khẳng định rằng chỉ đảng nào có được một lý luận tiên phong mới làm tròn được nhiệm vụ của một đảng tiên phong. Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc chỉ dẫn đó và nói một cách dung dị, nhưng chính xác, bao quát được tính quyết định của lý luận tiên phong đối với toàn bộ hoạt động thực tiễn của Đảng. Người coi lý luận như là trí khôn của Đảng. Trí khôn ấy đạt tới đâu thì toàn bộ hành động của Đảng sẽ thành đạt tới đó, và do vậy uy tín của Đảng được xác lập và được nhân dân thẩm định.

Trình độ lý luận - trí khôn của Đảng không thể có một cách dễ dàng. Tư duy lý luận không thể hình thành ngay trong một lần, không thể cảm tính, ngẫu hứng trong một khoảnh khắc mà ngược lại, nó được xác lập một cách lâu dài, được kiểm nghiệm qua hoạt động thực tiễn, được bổ sung và sáng tạo không ngừng. Trong những bước ngoặt của lịch sử, trong những thời khắc “bước chân của nhân dân” đang ngập ngừng giữa ngã ba, ngã bảy của đường đời, khi ấy đòi hỏi trí khôn phải lên tiếng trả lời, phải quyết định. Khi ấy vai trò của lý luận cách mạng, tiên tiến, thức thời của Đảng đi tiên phong, giữ vai trò quyết định. Nói tóm lại sự đúng đắn của những quyết định lịch sử đều phụ thuộc vào trí khôn của Đảng. Qua đó uy tín chính trị của Đảng được xác lập.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm được như thế và nhờ đó toàn dân tộc mới thừa nhận: Đảng đã cho tôi sáng mắt, sáng lòng. Từ sau khi thống nhất nước nhà tới nay, có rất nhiều vấn đề khó nhất của nội trị và ngoại giao đòi hỏi sự sáng tạo của lý luận trả lời thì dường như trong cuộc sống vẫn còn đó những sự chưa ngang tầm với những câu trả lời chưa thỏa đáng. Chỉ riêng lý luận về xây dựng Đảng (phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN...) thì trăn trở mãi, qua 5 nhiệm kỳ đại hội vẫn chưa có lời giải đúng.

Thứ hai, uy tín chính trị của Đảng được quyết định từ chính bản thân tổ chức của Đảng. “Đảng không thể đòi mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất”(3). “Trước mắt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(4).

Giữ gìn và nâng cao tư cách của một đảng chân chính cách mạng luôn luôn là vấn đề sống còn của Đảng. “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(5). Bởi vậy đấu tranh cho tự do, hạnh phúc của nhân dân mới là mục tiêu, lý tưởng của những người cộng sản bởi nếu độc lập mà nhân dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa. Trong Đảng, có một bộ phận không nhỏ đảng viên không xứng đáng, bên cạnh những người tốt, làm tròn nhiệm vụ “cũng còn những người hủ hoá”. Do vậy, Đảng phải luôn luôn tự chỉnh đốn bản thân “có trách nhiệm gột rửa cho các đồng chí đó”. Tổ chức đảng phải biết làm cho mình trong sạch, vững mạnh. Điều quan trọng nhất là danh hiệu người đảng viên, cán bộ phải được bảo vệ và chứng minh trên thực tế, không phải trên lời nói. Quần chúng quan niệm về Đảng qua những đảng viên cụ thể ở nơi làm việc và khu dân cư. Không có Đảng trừu tượng, vô hình, nằm ngoài con mắt của quần chúng. Do vậy năng lực trí tuệ, khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có đạo đức, sống trung thực với mình, với đồng chí, đồng bào, có tác phong sâu sát quần chúng, vì nhân dân mà phấn đấu, hy sinh, được quần chúng yêu mến, kính trọng của mỗi đảng viên là điều kiện cơ bản quyết định uy tín chính trị của Đảng.

Thứ ba, uy tín chính trị của Đảng được bảo đảm bởi Đảng biết sống trong lòng quần chúng. Lãnh tụ và những cán bộ chủ chốt của Đảng hiểu biết cuộc sống của nhân quần, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, nhọc nhằn và cả những oan trái, đau khổ, uất ức của nhân dân, có ý thức trách nhiệm, dũng cảm và kiên trì tìm cách giải quyết có hiệu quả những tình trạng đó.

Thứ tư, khi Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền thì vấn đề nổi lên là làm sao Nhà nước thực sự là của dân, do dân, biết vì dân mà làm việc, làm sao từ người đứng đầu Nhà nước cho đến người dân thường ai ai cũng “hiểu rằng các cơ quan của chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là đầy tớ của dân, nghĩa là gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ thống trị của Pháp, Nhật”(6). Dù cuộc sống còn thiếu thốn, khó khăn nhưng Đảng phải tự chứng tỏ mình để đa số nhân dân vẫn thấy và tin rằng Đảng là trí tuệ, là văn minh, là “quang minh chính đại”, người dân thấy có Đảng là có lẽ công bằng, đến với Đảng là đến với chân lý và lòng nhân ái, nhìn vào những người cộng sản - nhất là các cán bộ trung, cao cấp của Đảng - người ta thấy hiện diện của những nhân cách đáng noi theo, đáng hướng vào họ như là sự hướng thiện để nỗ lực, tin yêu vào con người, vào cuộc đời. Đó là uy tín chính trị đích thực của một đảng cách mạng chân chính, một đảng đủ khả năng đi tiên phong, hướng dẫn nhân dân trong cuộc phấn đấu lao động, dựng xây cuộc sống mới.

Đảng cầm quyền được nhân dân tin cậy nhưng “kẻ thù bên trong” đang tiến công Đảng, làm tha hoá đảng viên, đục ruỗng cơ thể Đảng. Kẻ thù đó là chủ nghĩa cá nhân, nó đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa... Những căn bệnh ấy đã làm cho biết bao sự nghiệp từng được coi là biểu tượng của những kỳ tích anh hùng bỗng tan thành tro bụi. Cuộc sống đời thường với bao bộn bề gian khó và phức tạp. Cái xấu, cái ác cứ lẩn khuất quanh ta, níu kéo ta từng khắc, từng giờ. “Mỗi con người đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng”. Với tư cách là đảng viên của một Đảng đã cùng nhân dân làm nên lịch sử, đã từng là “đại diện cho trí tuệ, lương tâm và danh dự của dân tộc”, “ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”(7). Đó chính là phép nhiệm màu để nâng cao vị thế và vai trò cầm quyền của Đảng. Đó cũng chính là cái cẩm nang thần kỳ để Đảng ta mãi mãi được nhân dân tin yêu, kính trọng.

-----

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.1995, tập 5, tr.229-299; tập 7, tr.517; tập 3, tr.139; tập 5, tr.552; tr.249; tập 4, tr.56; tập 12, tr.557-558.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất