Khen thưởng trong Đảng nói chung và khen thưởng đảng viên nói riêng được Đảng ta rất quan tâm. Ngay từ Đại hội II (tháng 2-1951), Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam đã có Điều thứ 61: “Các đảng viên hay cấp bộ nào đặc biệt gương mẫu, dũng cảm, tận tụy, nhiều sáng kiến, gây được nhiều thành tích, làm trọn nhiệm vụ trong hoàn cảnh khó khǎn, nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, được quần chúng tín nhiệm và mến phục, đều được khen thưởng”. Từ Đại hội VIII đến nay trong Điều lệ Đảng đều có 1 điều về khen thưởng. Điều lệ Đảng hiện nay (thông qua tại Đại hội XI) có Điều 34: “Tổ chức đảng và đảng viên có thành tích được khen thưởng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương”.
Thực hiện Điều lệ Đảng, Ban Chấp hành Trung ương có Quy định số 45-QĐ/TW, ngày 1-11-2011 về thi hành Điều lệ Đảng, trong đó quy định về hình thức khen thưởng,Về thẩm quyền khen thưởng, tiêu chuẩn, đối tượng tặng Huy hiệu Đảng. Ban Bí thư có Hướng dẫn số 01-HD/TW, ngày 5-01-2012 một số vấn đề cụ thể về thi hành Điều lệ Đảng, trong đó hướng dẫn cụ thể hơn về khen thưởng đối với đảng viên, gồm khen thưởng theo định kỳ và khen thưởng không theo định kỳ. Ban Tổ chức Trung ương có Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 17-5-2012 một số vấn đề cụ thể về nghiệp vụ công tác đảng viên và lập biểu thống kê cơ bản trong hệ thống tổ chức đảng, có hướng dẫn về quy trình xét khen thưởng tổ chức đảng và đảng viên đối với từng hình thức và từng cấp khen thưởng quy định trong Quy định số 45-QĐ/TW và Hướng dẫn số 01-HD/TW.
Ngày 3-11-2014 Ban Bí thư có Quyết định số 267-QĐ/TW sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến khen thưởng đối với tổ chức đảng và đảng viên trong Hướng dẫn số 01-HD/TW, theo đó về khen thưởng định kỳ bỏ khen thưởng đảng viên đạt tiêu chuẩn “Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” 3 năm liền mà chỉ khen thưởng đảng viên đạt tiêu chuẩn “Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong năm và 5 năm liền. Về khen thưởng đảng viên không theo định kỳ, Quyết định số 267-QĐ/TW sửa đổi như sau: “Ngoài việc xét khen thưởng đảng viên theo định kỳ, cấp uỷ các cấp thực hiện việc khen thưởng đối với đảng viên trong một số trường hợp được các tổ chức quốc tế trao giải thưởng”.
Ưu điểm: Công tác khen thưởng đối với đảng viên đã kịp thời ghi nhận, biểu dương những đảng viên có thành tích xuất sắc trong công tác, lao động, sản xuất, động viên đảng viên phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều đảng viên đã trở thành tấm gương tiêu biểu, được nhân dân ghi nhận, tôn vinh. Việc khen thưởng gắn với việc đánh giá xếp loại đảng viên góp phần thực hiện tốt phê bình và tự phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Kết quả đánh giá chất lượng và khen thưởng đảng viên đã phản ánh ngày càng sát đúng, thực chất hơn, khắc phục dần bệnh thành tích, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ và phát huy tính tiên phong gương mẫu của đảng viên.
Qua đánh giá chất lượng và khen thưởng đảng viên cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng khá sâu sát, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều cấp ủy đề ra các giải pháp cụ thể để xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên sát với yêu cầu thực tiễn. Nhiều đảng viên tích cực, tự giác học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, ý thức tổ chức, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Hạn chế: Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác khen thưởng đối với đảng viên của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu chưa được chú trọng, vì vậy việc đánh giá chất lượng và khen thưởng đảng viên còn đơn giản, hình thức. Phần lớn khen thưởng tập trung số đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, cấp uỷ viên, chưa đúng thực chất, ít có tác dụng, chưa trở thành động lực khuyến khích sự phấn đấu vươn lên của tất cả đảng viên.
Việc thực hiện khen thưởng đảng viên ở các địa phương chưa thống nhất: Có nơi chỉ khen thưởng theo nhiệm kỳ, có nơi chỉ khen thưởng hằng năm. Khen thưởng không theo định kỳ và khen thưởng 3 năm hầu như không thực hiện được do trùng lặp và kinh phí hạn hẹp. Có địa phương chưa có quy định cụ thể về khen thưởng trong Đảng, không khen thưởng theo định kỳ đối với đảng viên mà chỉ khen thưởng đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý vào dịp tổng kết chỉ thị, nghị quyết hay theo các chuyên đề.
Có nhiều quy định khác nhau, không thống nhất ngay trong các ban đảng, cơ quan và đơn vị sự nghiệp của Đảng ở Trung ương. Tiêu chí đánh giá chất lượng và khen thưởng đảng viên phần lớn định tính, ít tiêu chí định lượng, khó đánh giá dẫn đến bình quân cào bằng nên phải khống chế tỷ lệ khen thưởng cứng nhắc, chưa hợp lý.
Quy định, hướng dẫn về khen thưởng đối với đảng viên chưa đầy đủ: Hằng năm Trung ương chưa có hướng dẫn nội dung, hình thức phát động phong trào thi đua trong Đảng vì vậy việc xét khen thưởng chủ yếu căn cứ vào kết quả đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên. Chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn được tặng bằng khen, giấy khen cho đảng viên như tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng Nhà nước. Chưa quy định khen thưởng đối với đảng viên đạt tiêu chuẩn “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trên 5 năm liền và chưa có quy định về hình thức, thẩm quyền khen thưởng của Trung ương (Bộ Chính trị, Ban Bí thư…) đối với đảng viên.
Một số hình thức khen thưởng đối với đảng viên chưa được tính tương đương như các hình thức khen thưởng của Nhà nước và làm cơ sở đánh giá thành tích, sự cống hiến để xét nâng bậc lương trước thời hạn hoặc để khen thưởng mức cao hơn khi thực hiện khen thưởng thành tích thường xuyên.
Thời gian khen thưởng đối với đảng viên kéo dài hơn so với thời gian khen thưởng của cơ quan nhà nước cùng cấp. Chẳng hạn: đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở 2 năm liên tục thì được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, trong khi đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền mới được ban thường vụ tỉnh uỷ tặng bằng khen…
Do kinh phí khen thưởng ở địa phương hạn hẹp nên mức chi tiền thưởng ở mỗi nơi khác nhau.Nhiều cấp uỷ xã và huyện chi tiền thưởng thấp hơn mức quy định. Một số nơi chỉ khen nhưng không có thưởng. Công văn số 4752-CV/VPTW, ngày 27-12-2012 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo về việc khen thưởng ngành dọc theo nguyên tắc “trên khen dưới thưởng” là không hợp lý, chưa phù hợp với Luật Thi đua, Khen thưởng. Có nơi thưởng, nơi không do không có kinh phí. Mức tiền thưởng kèm theo các hình thức khen thưởng, nhất là mức tiền thưởng kèm theo Huy hiệu Đảng còn thấp, chưa tương xứng với quá trình cống hiến
Đổi mới công tác khen thưởng đối với đảng viên nên theo hướng sau:
Công tác khen thưởng đối với đảng viên phải đồng bộ với công tác khen thưởng trong cả hệ thống chính trị theo Luật Thi đua, Khen thưởng. Xoá bỏ hiện tượng chủ yếu nhằm vào cán bộ lãnh đạo, quản lý hoặc tư tưởng “trung hoà”, “cào bằng” vốn là một nguyên nhân triệt tiêu động lực phấn đấu. Lượng hoá tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, khen thưởng đảng viên- yếu tố quyết định làm cơ sở để bình xét khen thưởng đúng người, đúng việc, khắc phục bệnh thành tích, khen thưởng tràn lan, không thực chất. Các tiêu chí đánh giá chất lượng và khen thưởng đảng viên phải cụ thể, rõ ràng, gắn với phong trào thi đua và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên, học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thành tích khen thưởng công tác đảng phải được đánh giá là một trong những tiêu chí quan trọng khi xem xét, đề nghị và quyết định các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng Nhà nước. Bảo đảm chính xác, khách quan, công khai, minh bạch, giảm thiểu các thủ tục hành chính trong bình xét, suy tôn, nhằm khen thưởng được người xứng đáng, được quần chúng ghi nhận, tôn vinh, thực sự là tấm gương điển hình, tiên tiến, có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả, thúc đẩy các phong trào thi đua.
Một số đề xuất cụ thể: Bổ sung thẩm quyền Bộ Chính trị, Ban Bí thư tặng bằng khen cho đảng viên; các ban, cơ quan đảng Trung ương tặng bằng khen, kỷ niệm chương cho đảng viên; các ban đảng của tỉnh uỷ (và tương đương) tặng giấy khen cho đảng viên.
Có quy định cụ thể về tiêu chuẩn được tặng các hình thức khen thưởng đối với đảng viên như tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng Nhà nước và thực hiện việc đăng ký các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trong Đảng ngay từ đầu năm. Bổ sung tiêu chuẩn tặng bằng khen của Ban Bí thư cho đảng viên 2 lần liên tục được tỉnh uỷ (và tương đương) tặng bằng khen; tặng bằng khen của Bộ Chính trị cho đảng viên 15 năm liền đạt tiêu chuẩn Đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng Đảng đối với các đồng chí lãnh đạo (bí thư, phó bí thư) đảng bộ xã, phường, thị trấn hai nhiệm kỳ. Đảng viên đạt tiêu chuẩn đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được tính giá trị hình thức khen thưởng tương đương danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; đảng viên đạt tiêu chuẩn đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu tương đương danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.
Xác định tỷ lệ khen thưởng riêng cho đảng viên lãnh đạo, quản lý, cấp uỷ viên và đảng viên không giữ chức vụ để tạo động lực cho đảng viên không giữ chức vụ phấn đấu hoặc không quy định cứng nhắc tỷ lệ mà nếu đủ điều kiện tiêu chuẩn thì được xét khen thưởng.
Quy định rõ mức tiền thưởng kèm theo các hình thức khen thưởng trong Đảng theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng. Tăng mức tiền thưởng kèm theo Huy hiệu Đảng và quy định mức tiền thưởng đối với Huy hiệu Đảng 85 năm và 90 năm tuổi đảng. Giấy chứng nhận Huy hiệu Đảng phải có chữ ký của cấp có thẩm quyền. Cấp nào khen thì cấp đó chi tiền thưởng.Cần có quy định cụ thể về nguồn kinh phí cho khen thưởng để các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động hơnQuy định rõ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, cơ chế làm việc của Hội đồng thi đua khen thưởng của cấp uỷ; chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền, cơ chế hoạt động của cơ quan thường trực về công tác thi đua, khen thưởng của cấp uỷ các cấp; kiện toàn bộ phận tham mưu, giúp việc cho ban tổ chức và ban thường vụ cấp uỷ các cấp về công tác thi đua, khen thưởng trong Đảng.
Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng cần gắn với trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng.
Trương Quốc Bảo
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách cán bộ, BTCTƯ