Quyền hạn và trách nhiệm trong tổ chức bộ máy, hoạt động của Đảng

Đảng chính trị là một tổ chức có bộ máy với cấu trúc, chức năng nhất định. Các tập thể, cá nhân đảng viên trong tổ chức bộ máy, hoạt động của đảng chính trị ở mức độ khác nhau đều có quyền lực của mình. Tuy nhiên, xét ở góc độ chính trị, các quyền lực đó được nhìn nhận ở hai loại cơ bản: quyền lực chính đáng (chân chính) và quyền lực không chính đáng (không chân chính). Quyền lực của các tập thể, cá nhân đảng viên đó chỉ được thừa nhận là chính đáng khi được các đảng viên ủy quyền hay bầu ra. Điều này đã được Hồ Chí Minh xác định rõ: “Cơ quan lãnh đạo của Đảng có uy tín và quyền lực chân chính... Quyền lực của cơ quan lãnh đạo là do quần chúng đảng viên giao phó cho, chứ không phải tự ai tranh giành được”(1). Quyền lực chính đáng của các tập thể, cá nhân trong Đảng khi được trao (ủy quyền) như vậy còn được gọi là “thẩm quyền” hay “quyền hạn” được trao. Quyền hạn chính là một loại quyền lực có sự đồng thuận giữa các chủ thể (tập thể hoặc cá nhân) được ủy quyền trong quan hệ nhất định với các chủ thể ủy quyền. Hình thức phổ biến nhất hiện nay của sự đồng thuận như vậy trong xã hội được thông qua các cuộc bầu cử tự do, bình đẳng, công khai và minh bạch.

Theo thông lệ, hai nội dung cơ bản nhất có liên quan đến quyền lực của các chủ thể được ủy quyền là vấn đề “giới hạn” và “trách nhiệm”. Giới hạn của chủ thể quyền lực được ủy quyền, được hiểu là quyền lực đó được chế định về mặt thời gian hay về phạm vi, mức độ tác động nhất định; đồng thời, quyền lực đó phải chịu sự kiểm soát của các quyền lực khác hay phải chấp nhận sự phân quyền trong tổ chức. Nghĩa là, giới hạn quyền lực của chủ thể được ủy quyền về thực chất được hiểu là quyền hạn - “quyền được xác định về nội dung, phạm vi, mức độ”(2). Trách nhiệm của chủ thể quyền lực được ủy quyền, được hiểu là chủ thể quyền lực đó phải chịu trách nhiệm về chính quyền lực của mình, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước những chủ thể đã ủy quyền cho mình. Trách nhiệm chính là sự biểu hiện của mục tiêu mà các chủ thể (là tập thể hoặc cá nhân) được ủy quyền đều phải hướng tới. Trách nhiệm được coi là yếu tố cơ bản để duy trì sự đồng thuận giữa các chủ thể được ủy quyền và các chủ thể ủy quyền.

Từ những điều được phân tích đó cho thấy, trong tổ chức bộ máy, hoạt động của Đảng, mọi tập thể hay cá nhân đảng viên đều có quyền lực tùy từng trường hợp cụ thể; đồng thời có hai vấn đề luôn gắn kết với nhau trong quá trình thực thi quyền lực, đó là vấn đề quyền hạntrách nhiệm. Sự gắn kết của hai vấn đề này được coi là cơ sở để hình thành khái niệm “Phụ trách” dùng để chỉ sự “đảm nhận và chịu trách nhiệm về công việc nào đó”(3) của một chủ thể là tập thể hay cá nhân đảng viên.

Tập thể các đảng viên được hiểu là một tập hợp những đảng viên cùng sinh hoạt hoặc cùng làm việc chung với nhau, như: Đại hội, ban chấp hành, ủy ban kiểm tra, các chi bộ... Trong tổ chức bộ máy đảng ở Trung ương, có ba tập thể (cơ quan) chủ yếu có quyền lực cao, đó là tập thể lãnh đạo (Đại hội Đảng toàn quốc), cơ quan chỉ đạo hay điều hành (Ban Chấp hành Trung ương) và cơ quan kiểm tra, xử lý các vi phạm trong Đảng (Ủy ban Kiểm tra Trung ương). Ba cơ quan này đều có các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cụ thể. Theo Điều 9, Điều lệ Đảng (khóa XI), các cơ quan này đều được xác định là cơ quan lãnh đạo, có chức năng lãnh đạo. Trong khi đó, xét về mặt lý luận và thực tiễn cho thấy, hoạt động lãnh đạo và chỉ đạo là những khái niệm có những điểm khác biệt. Chỉ đạo là khái niệm nói về sự hoạt động của chủ thể gắn với việc sử dụng các công cụ quyền lực (Điều lệ Đảng, các quy định, quy chế, kiểm tra, giám sát....), còn lãnh đạo thì không(4).

Do chưa xác định rõ giữa hoạt động lãnh đạo và chỉ đạo, nên không xác định rõ được trách nhiệm của tập thể và cá nhân, dẫn đến khá nhiều hạn chế, bất cập khi thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Chính V.I.Lênin cũng đã nhận thấy rõ sự bất cập này: “Hiện tượng thiếu trách nhiệm, lấy cớ là lãnh đạo tập thể, đó là một tai hại nguy hiểm nhất đối với tất cả những người chưa từng có thật nhiều kinh nghiệm về công tác tập thể thực tiễn, và thường thường, trong những việc quân sự, thì hiện tượng thiếu trách nhiệm đó tất nhiên dẫn đến tai biến, đến tình trạng hỗn loạn, kinh hoàng, đến tình trạng quyền lực phân tán, đến thất bại”(5). V.I.Lênin đã yêu cầu cần phải khắc phục bằng mọi biện pháp: “mọi sự thái quá về lãnh đạo tập thể, mọi sự lệch lạc đưa đến tình trạng chậm chạp quan liêu thiếu tinh thần trách nhiệm, mọi sự chuyển biến các cơ quan lãnh đạo tập thể thành chỗ bàn cãi suông, đều là những tai hại rất lớn, cần phải chấm dứt cho bằng được, hết sức mau chóng, không được ngại dùng bất cứ biện pháp nào”(6). Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), Đảng ta cũng chỉ ra những bất cập xuất phát từ việc không xác định rõ được trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong tổ chức, hoạt động của Đảng và Nhà nước, dẫn tới  trên thực tế, ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm; vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân; vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân(7).

Từ những phân tích trên, xin nêu một số nhận thức về tổ chức bộ máy và hoạt động của Đảng hiện nay là:

Thứ nhất, xác định rõ tập thể lãnh đạo và tập thể chỉ đạo (quản lý, điều hành) trong tổ chức bộ máy, hoạt động của Đảng. Cần nhận thức rõ các đại hội của Đảng - chính là các tập thể lãnh đạo, có chức năng lãnh đạo, có chức năng xây dựng và ban hành các nghị quyết, cương lĩnh,... Hồ Chí Minh đã nêu rõ nội hàm của khái niệm tập thể lãnh đạo như sau: “Chính quyền thì có những Hội đồng. Các đoàn thể thì có những Ủy ban. Đó là tập thể lãnh đạo"(8). Cách làm việc tập thể lãnh đạo chỉ thích hợp cho các cơ quan bao gồm các “đại biểu”, các “đại hội” của Đảng ở các cấp. Các ban chấp hành, cấp ủy, thường vụ cấp ủy là các cơ quan có chức năng chỉ đạo, quản lý, điều hành. Các ban chấp hành tuy được gọi là các cơ quan lãnh đạo nhưng thực chất là có chức năng chỉ đạo trong nội bộ Đảng. Bởi vì, ban chấp hành của Đảng đều bao gồm các ủy viên được giao phụ trách, thực hiện việc chỉ đạo, điều hành các cơ quan, lĩnh vực theo nhiệm vụ được phân công.

Thứ hai, cần xác định rõ hoạt động lãnh đạo và hoạt động quản lý (chỉ đạo, điều hành) của các cá nhân đảng viên có chức vụ trong tổ chức bộ máy, hoạt động của Đảng. Do chưa xác định rõ hoạt động lãnh đạo và hoạt động quản lý của các cá nhân đảng viên nên chúng ta chưa xác định rõ được việc thực hiện “cá nhân phụ trách” trong tổng thể nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Theo Hồ Chí Minh, tập thể cũng có phụ trách, thậm chí phụ trách của tập thể không phải chỉ là “một nhóm người”(9) mà có khi của cả hàng chục người, như cấp ủy đảng. Trong thời kỳ kháng chiến, Hồ Chí Minh đã nói về việc phụ trách của các cấp ủy đảng tỉnh Nghệ An khi về thăm: “Tỉnh ủy phải phụ trách.... phát triển không tốt là Tỉnh ủy phụ trách không đầy đủ”(10). Theo đó, có thể thấy rằng, “phụ trách” là cách làm việc của chủ thể (cá nhân hay tập thể) nhưng sự phụ trách đó là muốn nói đến việc gắn quyền hạn với trách nhiệm của chủ thể trong lãnh đạo hoặc chỉ đạo, điều hành công việc. Do vậy, nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” muốn nhấn mạnh đến hai vấn đề cốt lõi: Một là, nguyên tắc này là nền tảng của nguyên tắc “tập trung dân chủ” như Hồ Chí Minh đã khẳng định: Tập thể lãnh đạo là dân chủ; cá nhân phụ trách là tập trung(11). Hai là, nguyên tắc này nhấn mạnh đến vấn đề quyền hạn được trao của các chủ thể là tập thể, cá nhân đảng viên nhưng quyền hạn đó phải luôn được gắn chặt với trách nhiệm của các chủ thể.

Thứ ba, cần xác định rõ hoạt động lãnh đạo của tập thể, các cá nhân đảng viên trong hệ thống chính trị và xã hội hiện nay. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định: “Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị”(12). Nghĩa là sự lãnh đạo của tập thể, hay “tập thể lãnh đạo”, tức sự lãnh đạo gắn với các “đại hội”, “hội nghị đại biểu” để xây dựng các cương lĩnh, đường lối chính trị, các nghị quyết. Nhưng cần hiểu rằng, lãnh đạo bằng tập thể, thông qua tập thể trong Đảng về thực chất lại xuất phát từ hoạt động lãnh đạo của mỗi cá nhân, bởi mỗi cá nhân đảng viên từ nhận thức lý luận, thực tiễn kinh nghiệm của mình tham gia thảo luận, đề xuất sáng kiến trong các đại hội, hội nghị đại biểu để xây dựng cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng. Lãnh đạo tập thể xuất phát từ hoạt động lãnh đạo của cá nhân đảng viên còn biểu hiện trong các hình thức như cổ vũ, chia sẻ, khích lệ, động viên, nêu gương… của đảng viên để thuyết phục các đối tượng lãnh đạo thực hiện đường lối của Đảng.

...........................

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr. 210.

(2), (3) Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt (2005), Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà nội - Đà nẵng, tr. 815, 790.

(4) Nguyễn Hữu Đổng, Quan điểm của V.I.Lênin về hoạt động lãnh đạo của người đảng viên cộng sản, Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử, ngày 27-5-2013.

(5), (6) V.I.Lênin: Toàn tập, t. 39, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tr. 53, 52.

(7) ĐCSVN, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương khóa XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2012, tr. 22-23.

(8), (9), (11) Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr. 504-505.

(10) Hồ Chí Minh, Sđd, t.10, tr. 442.

(12) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr. 88 - 89.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất