Về đại biểu dự đại hội đảng bộ các cấp

Ngày 30-5-2014, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 36-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, trong đó là những quan điểm, hướng dẫn cơ bản các nội dung rất quan trọng cần quán triệt, thực hiện trong đại hội đảng. Một trong những khâu đặc biệt quan trọng, yếu tố có tính quyết định để nâng cao chất lượng, góp phần thành công của đại hội đảng là chất lượng đại biểu đi dự đại hội đảng bộ các cấp. Bài viết này chỉ xin bàn một vài khía cạnh trong khâu đặc biệt quan trọng này.

Chúng ta đều biết, đại hội  là cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng, nơi tập trung trí tuệ của toàn Đảng quyết định những vấn đề trọng yếu như Cương lĩnh, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng, đối ngoại, an ninh, quốc phòng... và bầu ra cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Vì vậy, các đại biểu được cử đi dự đại hội đảng phải là những người có đầy đủ phẩm chất, tư cách, được đại hội đảng cấp dưới bầu và điều quan trọng nhất là họ phải là những người tiêu biểu cho trí tuệ, nguyện vọng của đảng viên, quần chúng nhân dân mà họ đại diện. Ở khâu này điều tối kỵ nhất là đại biểu đi dự đại hội đảng không phản ánh hoặc không có khả năng phản ánh ý nguyện của đảng viên cũng như của quần chúng, nhân dân. Không phải không có hiện tượng các đại biểu thụ động, không chuẩn bị đến nơi đến chốn những vấn đề ở địa phương, cơ quan, đơn vị đặt ra, những vấn đề cần được thảo luận, biểu quyết ở đại hội, không có ý kiến độc lập về những vấn đề cần được thảo luận trong đại hội hoặc chỉ thảo luận chiếu lệ và biểu quyết thông qua một cách dễ dãi. Có thể nói, thành phần, ý kiến, nguyện vọng của đảng viên, quần chúng, nhân dân ở cơ sở, ở cấp dưới là rất đa dạng, phong phú, phức tạp như chính thực tế cuộc sống. Do đó, các đại biểu đi dự đại hội đảng cấp trên cũng phải đa dạng, phong phú, phản ánh được những vấn đề phức tạp, gay cấn của cuộc sống trong công tác xây dựng đảng để đưa vào đại hội  đặt lên bàn giải quyết. Có nhiều người nói, khâu chuẩn bị văn kiện trước đại hội và trong quá trình thảo luận ở đại hội chính là “đưa cuộc sống vào nghị quyết”. Điều này đòi hỏi phải lựa chọn rất kỹ các đại biểu đi dự đại hội.        

Chất lượng của đại biểu đi dự đại hội đảng còn được thể hiện ở việc chuẩn bị các nội dung, các vấn đề mang đến đại hội. Muốn vậy, trong quá trình đại hội ở cấp mình phải được diễn ra tập trung, dân chủ, mọi ý kiến của đảng viên phản ánh, phát biểu trong đại hội phải được ghi chép, tổng hợp để phản ánh ở đại hội cấp cao hơn. Những vấn đề đã được thảo luận, tranh luận, thậm chí kết luận tại đại hội đảng của cấp mình cũng cần được phản ánh, đưa ra để tham khảo ý kiến ở đại hội cấp trên. Một trong những vấn đề nên chăng cần có sự đổi mới là: để phát huy tinh thần tự do tư tưởng, óc sáng tạo, phát huy sáng kiến cũng như tính chủ động của các đại biểu, thì các tài liệu, văn kiện do cấp ủy cấp trên dự thảo để trình bày tại đại hội  nên gợi mở nêu ra nội dung của các vấn đề và đưa ra nhiều phương án giải quyết khác nhau? Trên cơ sở thành phần, cơ cấu, ngành nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của từng đại biểu được bầu đi dự đại hội mà các đoàn có sự phân công một số đại biểu chuẩn bị những ý kiến, tham luận để thảo luận trong đại hội ở cấp trên, dù vấn đề đó có được đoàn chủ tịch, ban tổ chức đại hội phân công, gợi ý hay không. Tránh tình trạng chỉ một số đại biểu được phân công viết tham luận thì mới chuẩn bị còn các đại biểu khác đi chỉ có mỗi nhiệm vụ giơ tay biểu quyết. Có một vấn đề đặt ra cho các đại biểu là, do nhiều nguyên nhân, kể cả sự gợi ý của cấp trên, bấy lâu nay, nhiều đại biểu tham luận nặng về báo cáo thành tích của ngành mình, địa phương, cơ sở mình, sau đó kiến nghị một vài điểm mà ít thảo luận, tranh luận, đưa ra những lý lẽ, luận cứ để bảo vệ ý kiến quan điểm của mình, thành ra khi tham luận, không khí trong đại hội thường đơn điệu, các ý kiến ít “gặp nhau” lại càng không cọ sát cho nên nhiều khi không tiếp cận được chân lý, xa rời cuộc sống.  

Trong quá trình đại hội, các đại biểu cần quan tâm, lưu ý ghi chép tiến trình, nội dung đại hội, nhất là những nội dung, vấn đề được tranh luận, thảo luận, để sau đại hội về báo cáo với tổ chức đảng, đảng viên, với quần chúng, nhân dân mà mình đại điện. Rút kinh nghiệm các nhiệm kỳ trước, có một số đoàn đại biểu, đại biểu đi dự đại hội về, khi đảng viên, quần chúng, người dân hỏi về nội dung, diễn biến, kết quả, những vấn đề mới của đại hội thì có một số đại biểu tỏ ra lúng túng không thâu tóm, phản ánh đầy đủ, đúng đắn diễn biến đại hội, thậm chí có đại biểu còn nói: trên báo, đài, ti vi đã đưa đầy đủ rồi, cứ giở ra là có hết!

Một vấn đề bấy lâu nay cũng chưa được quan tâm trong khâu bầu đại biểu đi dự đại hội đảng cấp trên. Đó là mối quan hệ giữa các đại biểu với với quần chúng, nhân dân trước và sau đại hội. Bởi Đảng ta gắn bó mật thiết với quần chúng, nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ, chịu sự giám sát của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng. Các mối quan hệ này nhất thiết phải được thể hiện trong quá trình đại hội đảng, thông qua các đảng viên. Vậy vai trò của quần chúng, nhân dân trong việc phát huy quyền làm chủ của quần chúng nhân dân trong tham gia ý kiến, giám sát và ý nguyện của người dân thông qua các đại biểu gửi đến đại hội đảng là như thế nào? Các văn kiện trình đại hội đảng, nhất là nhân sự chuẩn bị cho cấp ủy, thì quần chúng, nhân dân được tham gia đến đâu, các ý kiến, kiến nghị đó được coi trọng đến mức độ nào? Quần chúng, nhân dân tham gia xây dựng Đảng thông qua các đại hội đảng thể hiện ở những khía cạnh nào, việc tiếp thu, xử lý, trả lời những ý kiến, yêu cầu, kiến nghị của người dân gửi đến đại hội đảng có được quy định một cách thống nhất hay tùy từng cấp ủy, tổ chức đảng? Sau đại hội, việc báo cáo kết quả, nhất là những vấn đề mà người dân quan tâm, được thực hiện ra sao? Có rất nhiều nội dung liên quan đến quần chúng, nhân dân trong quá trình đại hội đảng. Nói tóm lại là dưới góc nhìn của người dân thì phải làm sao để cả trước, trong và sau đại hội đảng, người dân được tôn trọng, hỏi ý kiến, được giải đáp thắc mắc, thậm chí họ được chủ động tham gia tích cực vào quá trình đại hội, góp phần vào thành công của đại hội. Tất cả những vấn đề này đều thông qua các đại biểu đi dự đại hội đảng các cấp. Có như vậy người dân mới thật sự gắn bó với Đảng, mới phản ánh tâm tư, nguyện vọng, gửi gắm qua đảng viên. Phải làm sao đại biểu đi dự đại hội đảng vừa là đại diện cho tổ chức, đảng viên của mình, đồng thời mang theo trí tuệ, nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của quần chúng, nhân dân đối với Đảng của mình.

Phản hồi (2)

Trần Thế 31/03/2015

Hay! Tất cả đảng viên, các tổ chức cơ sở đảng nên nghiên cứu kĩ bài viết trên trước khi diễn ra đại hội.

Cao Đình Nhân 30/03/2015

Bài này rất đáng xem, có nhiều ý kiến hay, phản ánh đúng thực trạng tình hình và yêu cầu xây dựng Đảng hiện nay.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất