Cứ đến kỳ đại hội hay bầu cử, tình trạng cán bộ sử dụng bằng cấp giả lại “rộ” lên. Có đợt số bằng giả bị lộ ra khá nhiều. Tình trạng này vốn âm ỉ nhiều năm tháng. Nhưng sẽ kéo dài đến bao giờ và có triệt tiêu được hay không thì quả là khó có câu trả lời!
Những năm đầu sau khi thống nhất đất nước, trước áp lực chuẩn hóa cán bộ, những người đã từng vào sinh ra tử, nay tóc đã bạc, đầu óc, tai mắt không còn tinh anh thì việc bỏ con chữ vào đầu chẳng khác nào tham gia một cuộc chiến mới, khốc liệt không kém.
Trên thực tế có rất nhiều người đã thành công trên mặt trận đi tìm tri thức nhưng rơi rớt đâu đó vẫn có những người không vượt qua được. Khi không vượt qua được, nhiều người chọn cách “từ bỏ quan trường” về làm dân thường, làm lính trơn. Nhưng cũng có người chọn cách sử dụng bằng giả.
Đến nay, đất nước đã trải qua hơn 35 năm thống nhất. Các loại hình đào tạo, phương thức học đã được cải tiến theo hướng đa dạng, phong phú, thiết thực cho từng đối tượng. Trong bối cảnh đó, tình trạng sử dụng bằng cấp giả vẫn tràn lan, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ là điều không thể chấp nhận. Đó không còn đơn giản là sự “đối phó” trước yêu cầu chuẩn hóa cán bộ mà thể hiện sự dối trá, mất tư cách đạo đức của những người sử dụng bằng giả.
Có khó phát hiện người sử dụng bằng cấp giả hay không? Không hề khó, nhất là khi đối tượng đó là cán bộ, công chức.
Học tập là cả quá trình, không thể là chuyện một ngày hay một bữa. Học tập thì phải có bè bạn, trường lớp, thầy cô. Thi cử thì phải có kết quả, điểm số. Với người dân cầm tấm bằng giả đi xin việc thì có thể đơn vị sử dụng lao động khó có khả năng thẩm tra đầy đủ. Mà đôi khi những việc họ đảm nhận cũng không cần bằng cấp cao nên việc kiểm tra này có hay không có cũng không thành vấn đề với những người xung quanh.
Thế nhưng, với cán bộ thì lại khác. Tự thân cái việc sử dụng bằng cấp giả đã đủ để loại người đó ra khỏi tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể vì không đủ tư cách đạo đức. Hơn thế, khi không có trình độ mà lại ở tầm lãnh đạo, quản lý thì chỉ có hại cho tiến trình phát triển xã hội. Bởi ai cũng hiểu, khi “sếp” có trình độ không cao thì thông thường “sếp” không bao giờ muốn sử dụng người có trình độ cao, thậm chí thấp hơn mình càng tốt.
Vậy thì vì sao vẫn có người sử dụng bằng giả và họ được thăng tiến, leo lên các chức vụ cao hơn? Đơn giản vì sự chuẩn hóa cán bộ hiện nay quá gò ép vào cái khuôn bằng cấp mà không chú ý đến năng lực thực sự của cán bộ, đức và tài, trong khi lẽ ra hai tiêu chí này phải được xem trọng ngang nhau.
Hiện nay, với nhiệm vụ chuẩn hóa, không ít người sắp đến tuổi về hưu vẫn được đưa đi học lý luận chính trị, ngoại ngữ, thậm chí học ở nước ngoài; rồi không ít quan chức “chạy đua” để được tấm bằng tiến sĩ, thực ra không để làm gì mà chủ yếu “dán mác cho sang”… Có bằng thật, tốn tiền thật nhưng kiến thức thì được chăng hay chớ, kém chất lượng. Lãng phí tiền bạc đã đành, hơn thế nó còn làm xã hội có cái nhìn méo mó vể bằng cấp, làm tổn thương những người thật sự bỏ công bỏ sức để trang bị kiến thức cho mình, góp sức xây dựng xã hội. Chuẩn hóa cán bộ là việc làm cần thiết. Tiêu chí quan trọng để đánh giá bố trí cán bộ là bằng cấp. Nhưng đừng quá xem nặng bằng cấp, bởi không ít người có rất nhiều bằng cấp song chẳng làm được việc gì, phải luân chuyển hết chỗ này đến chỗ khác. Mặt khác, phải xử lý thật nghiêm những người sử dụng bằng cấp giả. Rất nhiều người có hành vi này chỉ bị xử lý nội bộ, nặng lắm là cách chức. Để diệt tận gốc nạn bằng giả và bằng thật kiến thức giả, có lẽ đồng thời với việc xử lý ở mức độ nặng hơn cần có sự lên án của dư luận và toàn xã hội.
Nguồn: Datviet.vn