Chất lượng nguồn nhân lực - điều kiện tiên quyết phát triển kinh tế đất nước
Nguồn nhân lực chất lượng cao là nhu cầu cấp bách

Đòi hỏi cấp bách về nguồn nhân lực chất lượng cao

 

Tuy nhiên, đội ngũ lao động có trình độ cao lại đang bị già hoá rất nhanh và gây ra sự hụt hẫng lớn giữa các thế hệ. Số công nhân kỹ thuật bậc cao phần lớn xấp xỉ tuổi 50; số tiến sĩ tuổi bình quân là 52,8; giáo sư có độ tuổi 51-70. Phần lớn bằng cấp trong hệ thống giáo dục-đào tạo (GDĐT) ở Việt Nam về mặt pháp lý chưa được công nhận chính thức trong khu vực và quốc tế...

 

Người dân Việt Nam có tiềm năng trí tuệ và sáng tạo, cần cù, yêu lao động, dễ thích nghi với các điều kiện lao động khác nhau; tài nguyên thiên nhiên Việt Nam khá phong phú song nền kinh tế lại đang ở trình độ phát triển thấp; số người đi học ngày càng tăng song tình trạng người lao động không đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp (DN) và lượng sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học chưa tìm được việc làm còn nhiều…

 

Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới, tại Việt Nam có khoảng 60% lao động tốt nghiệp từ các trường dạy nghề và trường cao đẳng cần được đào tạo lại sau khi tuyển dụng…

 

Như vậy, yêu cầu về nguồn nhân lực được đào tạo có chất lượng cao đã và đang trở thành những đòi hỏi cấp bách đối với ngành GDĐT Việt Nam.

 

Trước đòi hỏi đó, nền Giáo dục Việt Nam cần ngày càng đa dạng, thông thoáng, khoa học, hiện đại, chuyên nghiệp và có tính thị trường hơn, thực chất hơn; chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu” (tức đào tạo theo nhu cầu, thậm chí theo đúng vị trí công tác tương lai, của Nhà nước, các địa phương, nhu cầu của người sử dụng lao động và nhu cầu của người học) và DN phải là thành tố của quá trình học tập và đào tạo thường xuyên (từ xây dựng tiêu chuẩn, kỹ năng nghề, thiết kế chương trình, giáo trình và tham gia giảng dạy, đào tạo kỹ năng nghề và kèm cặp tại DN…).

 

Có thể nói, việc nhà trường chuyển từ đào tạo dựa theo khả năng sẵn có của mình sang đào tạo theo nhu cầu và đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn quá trình hình thành và phát triển thương hiệu của mình với chất lượng thực tế của các sinh viên-sản phẩm “đầu ra” sẽ là chuyển biến quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay.

 

Bối cảnh hội nhập và yêu cầu cạnh tranh cả trên thương trường lẫn ngay chính trong lĩnh vực GDĐT buộc các DN cần xây dựng mối quan hệ thường xuyên với nhà trường, đồng thời cũng khiến các cơ sở đào tạo phải chú trọng hơn đến nhu cầu của thị trường, nhu cầu của DN để đào tạo sinh viên đáp ứng ngay được với vị trí công việc được tuyển dụng.

 

Do đó, sự gắn kết hoạt động đào tạo của nhà trường và các DN như là một phần của cơ chế học tập suốt đời là một quá trình tương tác không thể tách rời.

 

Một số đề xuất

 

Trước mắt, để thực hiện yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình  phát triển kinh tế ở nước ta, chúng tôi xin đề xuất một số điểm sau:

 

Thứ nhất, xây dựng chiến lược phát triển GDĐT trên cơ sở điều tra, khảo sát toàn diện, khách quan, đánh giá chính xác chất lượng đội ngũ lao động Việt Nam, làm tốt công tác dự báo nhu cầu lao động theo ngành nghề, cấp trình độ ở từng vùng, khu vực cũng như trên phạm vi cả nước, xu hướng phát triển thị trường lao động và nền kinh tế để xây dựng, hoàn thiện Chiến lược GDĐT; bảo đảm sự cân đối giữa đào tạo và sử dụng, đáp ứng hiệu quả nguồn nhân lực có chất lượng cao cho yêu cầu phát triển của nền kinh tế.

 

Xây dựng và hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo nghề, gắn chặt đào tạo lý thuyết với rèn luyện kỹ năng thực hành, gắn đào tạo nghề với rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động; tăng cường cơ sở vật chất, trang bị máy móc, thiết bị, phương tiện phục vụ cho giảng dạy, học tập, từng bước tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, sát hợp với yêu cầu thực tế sản xuất của thị trường lao động.

 

Đổi mới căn bản phương pháp giảng dạy, thực hành theo phương pháp tiên tiến của các nước trong khu vực. Tăng thời gian thực hành, thực tập, giảm thời gian học lý thuyết để không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người học.

 

Thứ hai, đa dạng hoá các hình thức và cấp độ đào tạo. Theo đó, các nội dung đào tạo phải cập nhật các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại. Đưa công nghệ thông tin vào trường học, áp dụng các phương pháp tiến tiến trong quá trình dạy và học.

 

Thiết kế nội dung, chương trình và biên soạn tài liệu học tập, áp dụng phương pháp dạy học phù hợp với nhu cầu đa dạng của người học các cấp bậc, từ học văn hoá đến đào tạo nghề, bồi dưỡng đại học và sau đại học.

 

Chuẩn hóa các chỉ tiêu, phương pháp đánh giá chất lượng GDĐT theo tiêu chuẩn ngày càng cao của khu vực và thế giới.

 

Mở rộng áp dụng các chương trình dạy nghề tiên tiến của nước ngoài và dạy nghề bằng tiếng Anh; triển khai chương trình liên kết, liên doanh trong dạy nghề để đưa sinh viên ra nước ngoài học những nghề kỹ thuật, công nghệ cao mà trong nước có nhu cầu nhưng chưa đủ điều kiện đào tạo. Cần sự gắn kết lớn hơn giữa các trường dạy nghề và DN.

 

Thứ ba, gắn kết nội dung đào tạo với yêu cầu của thị trường, nhất là thị trường quốc tế. Trong đó, cần sớm hình thành một số trung tâm huấn luyện nghề cao cấp để có thể đào tạo theo chiều sâu một đội ngũ lao động có kỹ năng và tay nghề cao phục vụ các ngành sản xuất công nghệ cao, làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, các liên doanh hoặc có thể tham gia xuất khẩu lao động.

 

Coi trọng đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ KHKT và công nhân kỹ thuật. Chú trọng đào tạo, sử dụng đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa.

 

Đẩy nhanh quá trình hội nhập khu vực và thế giới, xúc tiến việc công nhận văn bằng, chứng chỉ đào tạo nghề, kỹ năng nghề với các nước trong khu vực và thế giới. Có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các trường dạy nghề đẩy mạnh liên doanh, liên kết đào tạo nghề với các trường nghề tiên tiến trong khu vực và trên thế giới nhằm tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.

 

Những trường nằm trong chương trình mục tiêu, chương trình trọng điểm lựa chọn một số nghề đào tạo theo chương trình dạy nghề tiên tiến của các nước phát triển, tổ chức dạy bằng tiếng Anh những nghề mà thị trường lao động quốc tế đang có nhu cầu.

 

TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội

Nguồn: Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất