Đôi điều về quy luật phát triển của xã hội

Ai cũng biết trên thế giới giàu mạnh nhất là 7 nước tư bản phát triển mà người ta quen gọi là G.7. Vậy các nước ấy đã qua con đường phát triển như thế nào mà họ đạt được trình độ cao như vậy? Liệu các nước khác có hy vọng đuổi kịp trình độ phát triển của họ không?           

Trừ Mỹ và Ca-na-đa có lịch sử phát triển đặc biệt, năm nước khác đều đã trải qua các giai đoạn phát triển bình thường của xã hội loài người: nước Ý đã từng trải qua chế độ nô lệ, tiếp theo là chế độ phong kiến cát cứ, đến chế độ tập trung. Anh, Pháp cũng đã qua chế độ phong kiến cát cứ mới đến phong kiến tập quyền. Ở các nước đó cũng như ở Đức, CNTB phát triển khá sớm ngay trong lòng của chế độ phong kiến, nhưng muốn giành được chính quyền, giai cấp tư sản đều phải trải qua các cuộc cách mạng: cuộc cách mạng 1640 ở Anh và cách mạng 1789 ở Pháp. Ở Ý và Đức, chế độ quân chủ cũng chỉ sụp đổ sau khi các nước đó thua trận (năm 1919 ở Đức và 1945 ở Ý). Ở Nhật, chính Nhật hoàng đã mở cửa giao thương với nước ngoài để công nghiệp và giai cấp tư sản phát tiển và biến nước Nhật thành một cường quốc. Ở đó cũng như ở Anh mặc dầu chính quyền đã nằm trong tay giai cấp tư sản, nhà vua vẫn có vai trò tượng trưng. Ở Mỹ và Ca-na-da, sau khi thoát khỏi sự khống chế của chính quốc, chủ nghĩa tự do phát triển trên một miền đất mới rộng lớn lại không trực tiếp bị chiến tranh tàn phá nên đạt được những đỉnh cao nhất.               

Tại sao trong lòng của chế độ phong kiến tập quyền Trung Quốc, giai cấp tư sản lại không phát triển được? Bởi vì khác hẳn với Nhật hoàng, các hoàng đế Trung Hoa tự coi mình là trung tâm của thế giới, chung quanh đều là man di, không chịu cử người đi học hỏi các nước phương Tây. Mặc dầu Quang Tự đã có lúc nghe Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi làm biến pháp nhưng đã bị Từ Hi làm thất bại vì quyền lợi ích kỷ của mình. Ở nước ta, các vua cũng theo đúng mô hình của Trung Quốc, bao nhiêu thợ giỏi đều bắt vào kinh để phục vụ cho vua, cho nên nghề nghiệp không phát triển được rộng khắp đất nước. Đến khi có họa xâm lược của phương Tây, Nguyễn Trường Tộ đã đề nghị nhà vua cử người đi học kỹ thuật phương Tây, nhưng vua Tự Đức vẫn không thoát khỏi ảnh hưởng của hủ nho, cho tới khi Pháp sang đô hộ, cả nước ta không có được một nhà tư sản nào! Trong ngót trăm năm cai trị nước ta, do sự kìm hãm của thực dân Pháp, giai cấp tư sản nước ta cũng không ra đời được, nên ta chỉ biết đến tên tuổi của rất ít người như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà!      

Một câu hỏi: Tại sao cũng dưới chế độ quân chủ chuyên chế mà ở phương Tây giai cấp tư sản lại có thể ra đời được? Bởi vì từ thế kỷ XV, dưới thời Phục Hưng, sau hơn nghìn năm chìm đắm trong đêm trường của Trung đại, khoa học và nghệ thuật của cổ Hy Lạp - La Mã được phục hồi, CNTB cũng ra đời từ đó. Quyền lợi của nhà vua gắn liền với sự phát triển của công thương nghiệp. Chính vua Tây Ban Nha đã cấp cho C.Cô-lông ba chiếc thuyền lớn để tới Ấn Độ từ phía Tây và đã phát hiện ra châu Mỹ rồi từ đó chiếm hữu các thuộc địa. Một ông vua độc đoán như Lu-i XIV cũng ra sức khuyến khích phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp và chiếm lĩnh thuộc địa vì quyền lợi ngai vàng của mình. Vì vậy mà trong lòng của chủ nghĩa phong kiến phương Tây, CNTB có thể ra đời được.          

Vậy trong lòng của CNTB đã có mầm mống của CNXH không? Có thể nói trong thời kỳ đầu của CNTB, giai cấp công nhân bị bóc lột thậm tệ: công nhân phải làm việc tới trên 10 giờ một ngày trong những điều kiện tồi tệ. Chính vì vậy mà trong thế kỷ XIX  phong trào công nhân lên mạnh đòi cải thiện điều kiện làm việc. Mạnh mẽ nhất là Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản cho rằng giai cấp tư sản đã đẻ ra giai cấp công nhân thì giai cấp công nhân sẽ đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản. Năm 1917, V.I.Lênin đã lật đổ chế độ Nga hoàng và nhanh chóng thiết lập chế độ cộng sản thời chiến. Nhưng nhận thấy sai lầm của mình, ông coi "chính sách đó là ngu xuẩn và tự sát" và tìm đường để chuyển từ "quan hệ tiền TBCN" sang CNXH là xây dựng CNTB nhà nước. Đó là chính sách tân kinh tế - NEP. Trong giai đoạn đó, V.I.Lênin nêu khẩu hiệu: Mọi người hãy làm giàu. Nhờ NEP mà nền kinh tế Liên Xô đã được phục hồi. Thế nhưng từ 1928, Stalin đã từ bỏ NEP và xúc tiến xây dựng CNXH bằng cưỡng bức nông dân hợp tác hóa và xây dựng nền kinh tế tập trung quan liêu cao độ. Mặc dầu với chính sách đó Liên Xô đã mau chóng xây dựng được nền công nghiệp nặng và nền quốc phòng hùng hậu, thế nhưng vì thiếu động lực nên năng suất lao động giảm sút dần. Đến những năm 80, khủng hoảng đã tới mức nông dân là người sản xuất ra thịt sữa nhưng phải lên thành phố hoặc thủ đô để xếp hàng mua thịt sữa! Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sụp đổ của chế độ XHCN vào năm 1991. Trong khi đó, đối diện với "phe XHCN" CNTB vẫn phát triển nhờ có sự điều chỉnh và cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật như vũ bão đã đem lại cho CBTB những khoản siêu lợi nhuận. Một phần của những lợi nhuận kếch xù nhà tư bản thu được, phải dành cho phúc lợi xã hội. Khi sang Pháp năm 1980, vào nhà ăn của một trường đại học, tôi thấy các giáo sư và sinh viên cùng ăn một số món ăn như nhau, nhưng sinh viên chỉ trả một nửa tiền. Công nhân chỉ làm việc 35 giờ một tuần, khi thất nghiệp được phụ cấp hàng tháng đủ sống. Tôi quen một hộ sinh về hưu, lương hưu trí của bà ta cũng bằng lương nhân viên sứ quán của ta. Bà có một thẻ lĩnh lương điện tử hàng tháng chỉ ra bưu điện, cho thẻ vào một khe thì ở cửa bên cạnh tiền lương của bà được trả đầy đủ. Vì không còn con cái, bà được vào nhà dưỡng lão. Ở đó bà có phòng riêng và được chăm sóc ăn uống và y tế chu đáo. Hơn nữa, hàng tháng bà còn nhận được phiếu đi du lịch với giá hạ. Các bạn ở Ca-na-da cho tôi biết ở đó chế độ phúc lợi xã hội còn tốt hơn. Tôi nghĩ rằng đó là những mầm mống của CNXH trong lòng CNTB phát triển.        

Mỗi xã hội có quy luật phát tiển của nó, theo C.Mác thì quan hệ sản xuất phải luôn luôn phù hợp với lực lượng sản xuất. Chúng ta đã có kinh nghiệm đau đớn về điều này: trước đây khi ở nông thôn miền Bắc lực lượng sản xuất vẫn là con trâu đi trước, cái cày đi sau nhưng do chủ quan nóng vội, ta đã thúc đẩy chuyển nhanh từ tổ đổi công sang hợp tác xã cấp thấp rồi lại vội chuyển sang hợp tác xã nông nghiệp bậc cao, nhập nhiều máy cày thậm chí cả máy gặt đập để trang bị cho các hợp tác xã đó, hậu quả là máy thì bị bỏ gỉ, xã viên chỉ thu được hai lạng thóc cho một công lao động. Nhận rõ bệnh nóng vội chủ quan duy ý chí, ta đã có chính sách đổi mới, nhờ đó nước ta đã đạt được những thành tựu mà mọi người đều công nhận.   

Thế nhưng, nếu không tiếp tục đổi mới triệt để tư duy, thì các lực lượng bảo thủ vì quyền lợi ích kỷ của họ, họ vẫn dùng bộ máy quan liêu để trói buộc xã hội, kìm hãm sự phát triển bình thường của nó. Đối với sự phát triển của một xã hội thì cả hai bệnh chủ quan nóng vội đốt cháy giai đoạn và bảo thủ trì trệ kìm hãm sự phát triển đều không thể chấp nhận được và khắc phục chúng là trách nhiệm nặng nề của người lãnh đạo đất nước.    

Phản hồi (1)

Lê Quang Chiến 28/12/2010

Tôi rất tâm đắc "nếu không tiếp tục đổi mới triệt để tư duy, thì các lực lượng bảo thủ vì quyền lợi ích kỷ của họ, họ vẫn dùng bộ máy quan liêu để trói buộc xã hội, kìm hãm sự phát triển bình thường của nó. Đối với sự phát triển của một xã hội thì cả hai bệnh chủ quan nóng vội đốt cháy giai đoạn và bảo thủ trì trệ kìm hãm sự phát triển đều không thể chấp nhận được và khắc phục chúng là trách nhiệm nặng nề của người lãnh đạo đất nước"

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất