Quyết tâm thật sự để chống tham nhũng hiệu quả

Tham nhũng đang xảy ra ở không ít địa phương, đơn vị và khó có một nơi nào miễn nhiễm với tham nhũng. Đây được coi là nội xâm, do đó chống tham nhũng đã thành chính sách quốc gia. Nhưng trên thực tế, việc chống tham nhũng được đánh giá là chưa có hiệu quả như mong đợi.

Tại Tp.Hồ Chí Minh, trong năm chỉ mang ra xét xử có 3 vụ án tham nhũng của những năm trước, phát hiện mới không có vụ nào. Nếu căn cứ vào đó để khẳng định địa phương này đã giảm mạnh tham nhũng thì đó là một ý kiến không được đồng tình. Trái lại, cho thấy việc tố cáo tham nhũng từ phía người dân đang bị chùng xuống, thậm chí đóng băng. Lý do dễ hiểu là không ít người dân thừa nhận hành động vạch trần tham nhũng dễ “mang họa vào thân” nếu sự bảo vệ của pháp luật là chậm và không cụ thể. Dư luận đã cố gắng lý giải và đặt câu hỏi trước hiện tượng gần đây ít vụ tham nhũng mới bị phát hiện, rằng cũng có thể do các cơ quan bảo vệ pháp luật ngại va chạm hoặc thiếu và yếu. Không loại trừ những nhân tố tích cực trong các cơ quan, tổ chức “nằm im” vì ngại tố cáo tham nhũng từ bên trong.


Ngày 25-11-2010 qua, Ngân hàng thế giới (WB) và hai sứ quán Thụy Điển, Đan Mạch phối hợp đã tổ chức cuộc đối thoại về tham nhũng đất đai - một lĩnh vực tham nhũng hàng đầu của tham nhũng. Kết quả khảo sát của các tổ chức này cho thấy, 12% cán bộ thừa nhận “bắt tay” với trung gian và 25% trung gian cho biết đã “hợp tác” với cán bộ để lách luật. Người dân thường chịu sự nhũng nhiễu và kéo dài ở cấp phường, xã, thời gian lưu hồ sơ đất đai ở phường trung bình mất 127 ngày, tối đa lên tới 1.290 ngày. Khoảng 30,7% người dân cho biết phải “bồi dưỡng” khi làm việc với cán bộ một cửa ở cấp quận. Thậm chí ở khâu được xem là công khai nhất là cung cấp thông tin đầy đủ, người dân cũng phải chi trả cả triệu đồng để được tiếp cận thông tin.


Tại cuộc đối thoại, một quan chức Quốc hội nói: “Người dân sẵn sàng đưa hối lộ, cán bộ nhận tiền cũng là bình thường, trở thành thói quen, không có thì thấy thiếu”. Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai được đề cập tới, mà vẫn thường được đưa ra như một vấn đề nhức nhối kéo dài khó lay chuyển.


Các nghiên cứu khác nhau đều cho kết quả phát hiện về tham nhũng đất đai thống nhất, thống nhất đến mức đã 10 năm nay luôn được gọi là tham nhũng có mức độ lớn nhất. Vấn đề là các giải pháp chống tham nhũng dù đã được thực hiện, nhưng chưa triệt để. Theo các nhà tài trợ cuộc đối thoại lần thứ 8 này, chúng ta đã quyết tâm chống tham nhũng nhưng chưa có chuyển động nhiều trong thực tế, dân còn kêu ca, phàn nàn nhiều về tham nhũng, đặc biệt tham nhũng đất đai.  Đơn cử, pháp luật về đất đai từ 2003 đều quy định phải công khai quy hoạch sử dụng đất, nhưng WB cho thấy website của nhiều tỉnh, mục về công khai quy hoạch sử dụng đất không có nội dung gì, có tỉnh thì cập nhật thông tin khác vào trang công khai quy hoạch!


Một thí dụ khác cho thấy, Nghị định 181 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định: khi tiếp nhận hồ sơ, người tiếp nhận chỉ hướng dẫn 1 lần (tức hướng dẫn lần hai là sách nhiễu) nhưng người dân thường phải tới lui 7-8 lần, mỗi lần lại bị đòi thêm một loại thủ tục. Và, thực tế đã cho thấy điều mấu chốt là pháp luật cung cấp nhiều phương tiện để chống tham nhũng nhưng không được áp dụng và phát huy hiệu quả như người dân mong muốn.


Rõ ràng việc chống tham nhũng không phải chỉ là “thiếu thể chế” mà còn là thiếu quyết tâm. Như ý kiến của GS.TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT nói: “Vấn đề là các cấp có thẩm quyền có thực sự muốn chống tham nhũng không mà thôi”!

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất