Mọi tổ chức của Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật

Cụ thể hóa thành luật

Trong chủ đề của Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ XI cần nêu thêm nội dung phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đề nghị ghi chủ đề là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Đảng lãnh đạo nhân dân bầu ra Quốc hội. Đảng lãnh đạo đúng là phải làm cho Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam.

Hiến pháp được Quốc hội thông qua năm 1992 có quy định ở điều 4: “Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Quy định như vậy là để hợp pháp hóa vai trò lãnh đạo của Đảng. Mặt khác, ở điều 4, cũng nêu rõ vai trò lãnh đạo của Đảng phải được thực hiện với 2 điều kiện:

Một là, Đảng lãnh đạo phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hai là, mọi tổ chức của Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật.

Như vậy, nếu Đảng hoạt động không tuân theo Hiến pháp và pháp luật thì Đảng không còn vai trò là Đảng lãnh đạo.

Điều 4 trong Hiến pháp cần được cụ thể hóa thành luật, quy định rõ định kỳ hằng năm, Đảng phải báo cáo trước Quốc hội về việc thực hiện điều 4, để Quốc hội có ý kiến. Trong luật cũng cần quy định hình thức, phương pháp xử lý khi có dấu hiệu Đảng vi phạm.

Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, trong Hiến pháp, ở chương 5, có nêu rõ về quyền và nghĩa vụ của công dân. Hiến pháp ra đời từ năm 1992, đến nay đã 18 năm nhưng nhiều quyền được Hiến pháp quy định vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Các vấn đề như trình bày trên đây mong được nghiên cứu bổ sung vào Báo cáo chính trị.

Về cơ chế vĩ mô, trong quản lý Đảng, điều lệ Đảng của Đại hội Đảng X đã quy định: Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng được triệu tập thường lệ 5 năm một lần. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là BCH Trung ương. Ủy ban Kiểm tra Trung ương do BCH Trung ương bầu, làm việc theo chế độ tập thể, dưới sự lãnh đạo của BCH Trung ương, có nhiệm vụ kiểm tra và giám sát cấp ủy viên cùng cấp, xem xét kết luận những trường hợp vi phạm kỷ luật, quyết định hoặc đề nghị Trung ương thi hành kỷ luật… Đại biểu được cử tham dự Đại hội Đảng toàn quốc, chỉ làm nhiệm vụ họp Đại hội trong mấy ngày, sau đó, chỉ khi nào Trung ương có triệu tập Đại hội Đảng bất thường mới tham gia.

Xây dựng Đảng trong sạch

Theo cơ chế này, nhận thấy còn có điểm chưa hay. Chọn lựa để cử đại biểu và việc chuẩn bị một cuộc Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc tốn rất nhiều công sức nhưng phát huy hiệu quả còn hạn chế. Ủy ban Kiểm tra Trung ương tuy có được quy định trách nhiệm kiểm tra giám sát cấp ủy viên cùng cấp, nhưng còn gặp nhiều chồng chéo. Trong trường hợp phát hiện ở cấp cao có dấu hiệu vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm Điều lệ Đảng đã tỏ ra rất lúng túng trong xử lý.

Đến Đại hội Đảng XI, đề nghị đổi mới cơ chế vĩ mô trong quản lý Đảng như sau:

Một là, đại biểu được cử tham gia Đại hội Đảng toàn quốc có trách nhiệm suốt 5 năm, sau khi dự đại hội về địa phương, đoàn đại biểu này có trách nhiệm kiểm tra, giám sát cấp ủy địa phương. Khi có triệu tập Đại hội Đảng toàn quốc bất thường thì tham dự. Đoàn đại biểu ngoài số chính thức, bầu thêm một số dự khuyết để bổ sung, đảm bảo cho đoàn luôn có đủ số lượng trong nhiệm kỳ 5 năm.

Hai là, Đại hội đại biểu toàn quốc nên quy định trách nhiệm hoạt động suốt nhiệm kỳ 5 năm. Đại hội bầu ra một Uỷ ban Thường trực của Đại hội gồm 1 chủ tịch, một số phó chủ tịch cùng một số ủy viên là trưởng đoàn đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc của một số đảng bộ.

Ủy ban Thường trực của Đại hội có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và nghị quyết của đại hội về xây dựng Đảng, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về phẩm chất chính trị, về đạo đức lối sống, trước hết là trong cán bộ chủ chốt cấp cao. Ủy ban Thường trực của Đại hội có chế độ nhận xét theo định kỳ hằng năm đối với hoạt động của BCH Trung ương Đảng, của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và có trách nhiệm quyết định việc triệu tập Đại hội toàn quốc thường lệ và bất thường.

Ba là, ngoài việc bầu ra Uỷ ban Thường trực của Đại hội, Đại hội còn bầu ra BCH Trung ương Đảng và Ủy ban Kiểm tra Trung ương. BCH Trung ương Đảng hoạt động như quy định trong Điều lệ Đảng của Đại hội X có sự giám sát của Uỷ ban Thường trực Đại hội Đảng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương hoạt động theo sự chỉ đạo của Uỷ ban Thường trực, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát cấp ủy cùng cấp trong việc thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc và có trách nhiệm hướng dẫn công tác kiểm tra của Đảng cho các cấp dưới - ủy ban kiểm tra cấp dưới do đại hội cấp dưới bầu ra.

Bốn là, về hình thức và quyền quyết định xử lý kỷ luật cần nghiên cứu bổ sung Điều lệ, trong trường hợp BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Thường trực của Đại hội có người vi phạm kỷ luật đảng.

Phát huy rõ nét hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện đầy đủ hơn nữa các quyền của nhân dân đã được quy định trong Hiến pháp, đổi mới cơ chế vĩ mô trong quản lý Đảng như nêu trên, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng và làm cho Đảng được nhân dân tin yêu.

Trần Trọng Tân

Nguồn:Vietnamnet

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất