Pháp luật và đạo đức!

Một cháu bé 3 tuổi bị bảo mẫu hành hạ một cách dã man. Một đêm hội từ thiện của người đẹp và doanh nhân hướng về đồng bào đang nhọc nhằn vật lộn sau cơn lũ dữ biến thành trò đùa vô lương tâm của những kẻ háo danh. Một chủ doanh nghiệp pha nước lã vào xăng bán cho thượng đế… Những vụ việc diễn ra trong thời gian qua đã làm đau lòng tất cả những người có lương tri.        

Những hành vi thiếu nhân văn không chỉ là vấn đề nhức nhối về đạo đức. Vi phạm pháp luật chắc chắn sẽ bị trừng phạt thích đáng. Những hành vi đáng lên án nêu trên diễn ra ngày càng nhiều hơn đang cứa vào lòng xã hội ta và buộc mỗi người phải suy nghĩ về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng và lớn hơn thế nữa.            


Dù có chua chát cũng phải thấy rằng các hiện tượng nêu trên không hề ngẫu nhiên mà là hệ quả của một môi trường xã hội đang có nhiều vấn đề mà ở đó không ít người đã đánh mất nét đẹp đã được đúc kết từ ngàn đời, xúc phạm cốt cách Việt Nam. Cốt cách Việt Nam là những giá trị đạo đức phổ biến được xã hội thừa nhận với những nội dung cụ thể về lòng yêu nước, cái thiện, lương tâm, trách nhiệm... Qua bao tháng năm, các thế hệ người Việt đã sống với tinh thần "thương người như thể thương thân", "nhiễu điều phủ lấy giá gương", "chị ngã em nâng"... Nhưng giờ đây, một bộ phận người Việt không còn tôn trọng những nguyên tắc cao đẹp đó.        


Điều này rất đáng để mỗi người chúng ta suy nghĩ.            


Nhiều người cho rằng trong nền kinh tế thị trường, đời sống kinh tế - xã hội có nhiều biến đổi tích cực, song cũng nảy sinh không ít những tiêu cực. Kinh tế thị trường với quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh... ở một khía cạnh nào đó đã khuyến khích lối sống thực dụng, coi trọng giá trị vật chất, lợi ích cá nhân mà coi nhẹ giá trị tinh thần, lợi ích cộng đồng. Cũng có người viện dẫn những hành vi đáng bị lên án trên được hình thành cùng với sự xuống cấp của hệ thống giáo dục… Và có quá lời hay không khi có người cho rằng đó là biểu hiện của sự xuống cấp về trách nhiệm cộng đồng, ý thức xã hội?     


Dù nói gì đi nữa thì cốt lõi ở đây vẫn là pháp luật và đạo đức, bởi đó chính là nền tảng vận hành của xã hội. Theo nhiều nhà nghiên cứu, đạo đức và pháp luật có mối quan hệ biện chứng với nhau, tác động, ảnh hưởng lẫn nhau. Một xã hội có nền tảng đạo đức tốt sẽ là cơ sở để pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh và tự giác. Mặt khác, pháp luật nghiêm sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc giữ gìn, phát triển nền đạo đức xã hội tốt đẹp. Viện dẫn điều này để có thể thấy rằng pháp luật chưa nghiêm, kỷ cương xã hội còn bị buông lỏng, tình nghĩa đồng bào bị xem nhẹ tất yếu sẽ tiếp tục phát sinh lối sống tha hóa và những hành vi vô nhân tính.         


Như vậy, có thể thấy, những hành vi đáng lên án đã kể trên là hệ lụy của một quá trình chuyển biến xã hội mà ở đó có không ít người coi thường pháp luật, coi thường những giá trị đạo đức truyền thống…      


Như vậy và cũng vì vậy, hơn lúc nào hết, người Việt cần phải chung tay gây dựng và bồi đắp cho một hệ thống luật pháp cũng như việc áp dụng pháp luật nghiêm minh, một tinh thần cộng đồng bền vững. Đây chính là nền tảng, điểm tựa để tẩy trừ, loại bỏ những hành động bất lương khỏi đời sống xã hội.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất