Vinh danh và trọng dụng
Năm 2010 là năm thứ bảy Tp. Hà Nội tổ chức tuyên dương thủ khoa các trường đại học, học viện đóng trên địa bàn Hà Nội với số thủ khoa đã được tuyên dương lên đến hơn 700 người. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội, đến nay mới có 48 thủ khoa đang công tác tại các cơ quan thuộc Tp. Hà Nội. Điều này phần nào cho thấy, hiện vẫn còn một khoảng cách đáng kể giữa việc vinh danh và trọng dụng những người có năng lực thực sự, các bạn trẻ giỏi giang tham gia vào quá trình phát triển của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Còn nhớ mấy năm trước, có một thủ khoa - nguyên là sinh viên ngành Toán, hệ đào tạo cử nhân tài năng thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau khi được vinh danh ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã chọn nghề BTV Truyền hình Việt Nam là nơi khởi nghiệp, khiến không ít người thầm tiếc cho một tài năng toán học không tiếp tục được đào tạo để bổ sung cho nguồn cán bộ khoa học chất lượng cao của tương lai. Cùng thời điểm đó, một nữ thủ khoa kinh tế sau khi được tuyên dương thì lại long đong khi nộp hồ sơ đi... “xin việc”. Mới đây, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2009-2010 khối các trường ĐH-CĐ (ngày 25-8-2009), Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn chỉ rõ: Cần khắc phục sự yếu kém trong công tác quản lý nhà nước và những bất cập về chính sách trong đó có việc chưa tận dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đào tạo hiện có. Thiết nghĩ, cùng với việc vinh danh những sinh viên tiêu biểu nhất trong số hàng nghìn bạn trẻ vượt khó, đạt thành tích xuất sắc trong rèn luyện, học tập, tham gia nghiên cứu khoa học thì cũng đã đến lúc cần có sự quan tâm đến việc sử dụng hiệu quả các tài năng trẻ. Trong thực tế, có nhiều học sinh, sinh viên rất có triển vọng trở thành các nhà khoa học, song do nỗi lo “cơm áo gạo tiền” nên không ít người trong số họ đành phải gác lại giấc mơ, chuyển ngành học hoặc không thể tiếp tục học lên cao hơn... Trong những trường hợp này thì sự từ bỏ ước mơ của họ đồng nghĩa với sự “đứt đoạn” nguồn cán bộ khoa học đầy tiềm năng rất đáng được quan tâm. Do vậy, Đảng và Nhà nước ta rất cần có thêm những cơ chế, chính sách nhằm tăng cường đầu tư hơn nữa cho đội ngũ cán bộ khoa học như một ưu tiên đặc biệt từ nòng cốt là những tài năng khoa học trẻ khi họ mới là những nụ mầm.

Hơn nửa thế kỷ trước, với tầm nhìn xa của Trung ương Đảng và Bác Hồ, lớp thanh niên trí thức đầu tiên của cách mạng đã được gửi ra nước ngoài đào tạo để sau này không ít người trong số họ trở thành những cán bộ khoa học đầu ngành được bạn bè quốc tế nể trọng. Ngày nay, trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, nguồn lực chất xám của mỗi quốc gia càng trở thành một lợi thế không thể so sánh. Để sự vinh danh không mang tính hình thức thì nên chăng, mỗi sự vinh danh đều nên gắn liền với việc sử dụng hiệu quả nguồn lực nhân tài của mỗi đơn vị, địa phương cũng như của cả cộng đồng. Chỉ có như vậy, chúng ta mới hy vọng sớm thu hẹp khoảng cách tụt hậu giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Lê Quốc
Nguồn: Báo Đại Đoàn kết

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất