Vấn đề miễn nhiệm, từ chức ở nước ta những năm qua đang đặt ra những vấn đề cần có quy định cụ thể để giải quyết. Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ (dưới đây xin gọi tắt là Quy định 41) trong đó chủ yếu “áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (sau đây gọi chung là cán bộ)”. Các đối tượng bị chi phối trong Quy định này là cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị nước ta, hầu hết là những người đứng đầu. Quy định của Bộ Chính trị đã đề ra một số căn cứ để phân định cán bộ thuộc diện miễn nhiệm hay từ chức. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra trong Quy định 41 là, cán bộ lãnh đạo, quản lý, với tư cách là người đứng đầu, tuy luôn luôn tu dưỡng, phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện... nhưng nhiều khi bị rơi vào tình trạng “quýt làm cam chịu”, nhiều khi là nguyên nhân bất khả kháng. Trong Quy định 41 nội dung chỉ rõ:
Việc xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực; căn cứ vào một trong các trường hợp sau:
1. Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.
2. Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức.
3. Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.
Với những quy định như trên, từ nay người đứng đầu sẽ phải chịu những hình thức miễn nhiệm, từ chức cụ thể chứ không chịu trách nhiệm một cách chung chung như nhiều trường hợp thời gian qua.
Trong nhiều vụ án kinh tế lớn, nhiều người đứng đầu bị kỷ luật thì một trong những vi phạm nổi cộm và phổ biến có tính hệ thống là do buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát. Do vậy, để không bị rơi vào tình trạng “cây ngay” mà bị “chết đứng” hay “quýt làm cam chịu”, ngoài yếu tố quyết định là luôn luôn tu dưỡng, phấn đấu, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không để người thân, gia đình, họ hàng lợi dụng mưu lợi cá nhân, thì một trong những nhiệm vụ rất cần thiết và quan trọng là người đứng đầu cần lãnh đạo thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát (KTGS) đối với cấp dưới.
Trước hết, ngưởi đứng đầu cần luôn luôn lưu ý, quán triệt và thực hiện một cách sâu sắc, khéo léo và chu đáo quan điểm lãnh đạo thì phải kiểm tra. Điều này tưởng dễ nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan trong thực tế không phải lúc nào, ở đâu người đứng đầu cũng lãnh đạo tốt công tác KTGS, thậm chí có người buông lỏng, khoán trắng công tác KTGS cho cấp dưới, cho ủy ban kiểm tra cấp ủy cùng cấp. Khi những thiếu sót, khuyết điểm vỡ lở, xử lý thì đã muộn.
Thứ hai, trong những năm qua, do nhiều nguyên nhân, công tác KTGS ở nhiều cấp ủy đảng chủ yếu chạy theo giải quyết các vụ việc nổi cộm, những dấu hiệu vi phạm cũng như tình trạng khiếu nại, tố cáo của đảng viên và người dân. Có nghĩa là công tác KTGS bị động, không tập trung đi sâu vào công tác KTGS tổ chức đảng, đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, thông báo... theo Điều 30 của Điều lệ Đảng. Với người đứng đầu hiện nay, cần chuyển mạnh công tác KTGS của cấp ủy, ủy ban kiểm tra từ bị động, chạy theo vụ việc sang KTGS phòng ngừa là chính, lấy "xây" để "chống", lấy nhân tố tích cực đẩy lùi hiện tượng tiêu cực. Thực tiễn những năm qua cho thấy, ở đâu và khi nào, người đứng đầu cấp ủy quan tâm, coi trọng và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác KTGS, thì ở đó, vai trò trách nhiệm của ủy ban kiểm tra được phát huy, hoạt động kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh hiệu quả, nội bộ đoàn kết, thống nhất; kỷ luật, kỷ cương được giữ vững, cán bộ, đảng viên ít vi phạm, quần chúng, nhân dân tin tưởng, phấn khởi. Do KTGS thường xuyên như “rửa mặt hằng ngày” cho nên vụ việc sai phạm được phát hiện, xử lý, giải quyết ngay từ lúc mới phát sinh, không để lan rộng, kéo dài.
Thứ ba, ở một số nơi công tác quản lý cán bộ, đảng viên có tình trạng cấp trên quản lý cấp dưới chưa chặt chẽ, công tác tự phê bình, phê bình không đến nơi đến chốn, nể nang, né tránh đã tạo ra “lỗ hổng” để cấp dưới tự tung, tự tác. Do vậy, các cơ quan tham mưu của cấp ủy, trong đó có ủy ban kiểm tra cần xây dựng cơ chế, quy định để “bịt lỗ hổng” nói trên bằng tự phê bình và phê bình, cấp ủy các cấp phải thường xuyên tự KTGS nhất là đối với cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo thuộc diện cấp ủy cấp mình quản lý. Qua KTGS giúp người đứng đầu phải nắm được cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo cấp dưới, tức là “nhốt quyền lực” trong “lồng cơ chế”, nhất là đối với lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và vào những thời điểm khó khăn, nhạy cảm.
Thứ tư, ban thường vụ cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cần dành thời gian, định kỳ nghe ủy ban kiểm tra báo cáo chương trình, kế hoạch, công tác KTGS, nhất là những vụ việc nổi cộm, những đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, những điểm nóng về đất đai, tài nguyên thiên nhiên, công tác cán bộ... Có cơ chế, quy định để ràng buộc trách nhiệm các đoàn KTGS, các trưởng, phó, thành viên trong đoàn phải liên đới chịu trách nhiệm khi không phát hiện, xử lý và đề xuất những dấu hiệu vi phạm của người đứng đầu cấp ủy cấp dưới khi để xảy ra tình trạng sai phạm nghiêm trọng, kéo dài, gây bức xúc dư luận xã hội.
Thứ năm, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, người đứng đầu đặc biệt chú ý tránh bệnh quan liêu, giấy tờ. Không phải lúc nào, ở đâu cũng “căn cứ vào các tờ báo cáo mà phải đến tận nơi”. Người đứng đầu phải “đến tận các xã, các thôn”(1); “Cán bộ chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ”(2). KTGS không phải lúc nào cũng báo trước mà nhiều khi cần KTGS, thị sát đột xuất thì mới thấy hết tình hình thực tế mà có giải pháp đúng đắn, kịp thời. Việc người đứng đầu Chính phủ Phạm Minh Chính đi kiểm tra, thị sát ở một số cơ sở ở TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, TP. Hà Nội trong đợt 4 Covid-19 vừa qua là một kinh nghiệm, bài học quý trong công tác KTGS thị sát của người đứng đấu;
Thứ sáu, thực hiện tốt 2 cách KTGS. Một cách từ trên xuống, tức là người lãnh đạo KTGS công việc của tổ chức, cán bộ cấp dưới. Một cách nữa là từ dưới lên, tức là quần chúng, nhân dân KTGS cán bộ, đảng viên. Điều này có nghĩa là, phát huy tốt hơn nữa, coi trọng vai trò của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát cán bộ, đảng viên, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư, quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và người dân. Người đứng đầu phải thật sự cầu thị, dựa vào dân, coi đó là “tai mắt” của mình nhờ đó mà KTGS cán bộ, đảng viên. Giải quyết thấu đáo những kiếu nại, tố cáo của người dân là yếu tố quan trọng bảo đảm sự ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
Quy định 41 của Bộ Chính trị mới là bước đầu trong việc cụ thể hóa quan điểm của Đảng trong việc quy định trách nhiệm người đứng đầu với sai phạm của cấp dưới. Trong thời gian tới Đảng cần tiếp tục có những quy định nhằm cụ thể hóa một số quan điểm đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII về tạo cơ chế, trao thêm quyền hạn cho người đứng đầu. Chẳng hạn như:
Mở rộng “quyền” của người đứng đầu bằng việc thí điểm chủ trương người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu với cấp có thẩm quyền để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình; bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu cấp ủy viên ban thường vụ và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu; giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với cấp trưởng cấp dưới trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định đó
Đối với cấp trên trực tiếp của người đứng đầu càng phải thường xuyên theo dõi, giúp đỡ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp dưới, khắc phục hiện tượng “đem con bỏ chợ”. nhất là gương mẫu, “sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm của mình. Sự quan tâm theo dõi, giúp đỡ của cấp trên trực tiếp của người đứng đầu sẽ khắc phục được tình trạng khi cán bộ của mình “sai lầm khuyết điểm trở nên to tát rồi mới đem ra “chỉnh” một lần, thế là “đâp” cán bộ. Cán bộ bị “đập”, mất hết cả lòng tự trọng, người hăng hái cũng hóa thành nản chí, từ nản chí đi đến vô dụng. Vì vậy, nếu thấy cán bộ sai lầm, phải lập tức sửa chữa ngay” (3). Đó là nghệ thuật dùng người và cách rèn cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi người đứng đầu thường xuyên làm tốt công tác KTGS và cấp trên trực tiếp của người đứng đầu quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi thì người đứng đầu dứt khoát sẽ không rơi vào tình trạng “quýt làm cam chịu” trong thực hiện Quy định 41của Bộ Chính trị.
---------------------------
(1, 2, 3). Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương, Ủy ban Kiểm tra, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác kiểm tra và kỷ luật của Đảng, H.2003, tr. 27, 36, 37.
Vũ Lân