Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng (tiếp theo)

Chẩn bệnh để bốc thuốc

Hơn 90 năm lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định và đây chính là mặt phải của “tấm huân chương” cao quý mà Nhân dân đã trao tặng Đảng. Tuy nhiên, mặt trái của “tấm huân chương” đã được V.I.Lê-nin cảnh báo rất lâu trước đây thời Xô-viết khi Đảng Cộng sản Liên Xô cầm quyền, đó là nguy cơ sai lầm về đường lối và quan liêu, thoái hóa, xa dân, dẫn đến đánh mất vai trò lãnh đạo, cầm quyền và đi tới sụp đổ. Những nguy cơ này bất kỳ chính đảng nào trên thế giới đều có thể mắc. Bài học từ sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô và đảng cộng sản các nước Đông Âu vẫn còn nguyên giá trị, nếu không phòng tránh, chúng ta sẽ đi vào vết xe đổ này. Đảng ta đã chẩn đoán đúng “căn bệnh” suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để từ đó bốc thuốc, chữa trị dứt điểm, xử lý đến tận cùng những sai phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhất là đối với cán bộ cấp cao, được dư luận hoan nghênh, đồng tình, tin tưởng và dõi theo là minh chứng sinh động cho tính đúng đắn, kịp thời trong đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là từ những chủ trương, giải pháp quyết liệt mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và bây giờ là khóa XIII vạch định.


Nếu Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) hướng vào xử lý những yếu kém của công tác xây dựng Đảng, thì 5 năm sau trên cơ sở kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã “ra đòn mạnh hơn, đánh trực diện”, tập trung vào những yếu kém, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng. Từ kết quả thực hiện 2 Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) mở rộng phạm vi, không chỉ phòng, chống tham nhũng mà còn chủ động tấn công, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà nội dung chính là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phạm vi đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm không chỉ trong Đảng mà còn trong cả hệ thống chính trị.


Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã, đang và vẫn tiếp tục, những ai tay đã “nhúng chàm” nên tự vấn lương tâm, sớm dừng lại bởi Đảng kiên quyết, kiên trì thanh lọc, xây dựng, chỉnh đốn Đảng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Vì thế, Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) có tác dụng giáo dục, cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe rất lớn. Trên cơ sở đó, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện về thể chế, pháp luật, chính sách góp phần xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, ngăn chặn suy thoái để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị. Bộ máy tốt, cán bộ tốt, chúng ta sẽ khắc phục được những hạn chế, yếu kém khi Đảng ta là đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Mức độ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên của nhiệm kỳ Đại hội XII đã tinh vi hơn, biến tướng dưới nhiều “vỏ bọc”. Giai đoạn này “nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường XHCN, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt đảng”.


Đã xuất hiện ngày càng nhiều đảng viên nói và làm không đúng chuẩn mực, vi phạm 19 điều đảng viên không được làm. Những thế lực thù địch đã dựa vào phát ngôn của những cán bộ, đảng viên đang “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” này để chống phá Đảng và chế độ ta, nhất là trong vấn đề dân chủ và nhân quyền.

Đảng sớm nhận ra những “vỏ bọc” này và có sự chuyển hướng chiến lược, cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh... Đồng thời bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tiêu cực hiện nay.

Vì vậy, một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) vừa qua là thảo luận, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của BCH Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Việc sửa đổi, bổ sung này kỳ vọng sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập, thiếu sót trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới. Đảng ta đã dũng cảm, mạnh dạn thừa nhận những sai lầm, thiếu sót của mình, nhất là khi nhìn nhận về vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Chẩn bệnh đúng sẽ bốc được thang thuốc đặc trị, hiệu nghiệm.

Quan điểm “3 sự thật”

Quan điểm nhất quán của Đảng ta trước sau như một đó là: Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Quan điểm “3 sự thật” này đã quyết định toàn bộ đường lối lãnh đạo của Đảng gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận lỗi trước toàn Đảng, Nhân dân về một số khuyết điểm lớn. Đến Hội nghị Trung ương 4, (khóa XII), việc thẳng thắn chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái là minh chứng sinh động cho cách nhìn toàn diện của Đảng. Từ đây, “một bộ phận không nhỏ” lần lượt bị lôi ra ánh sáng, cũng tạo cơ sở để ban hành Kết luận của BCH Trung ương Đảng (khóa XIII) tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng bọn là vụ án lớn đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội XII. Từ đây, cấp ủy các cấp kiểm tra hơn 260.000 tổ chức đảng và hơn 1,1 triệu đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với hơn 15.900 tổ chức đảng và hơn 47.700 đảng viên. Qua kiểm tra, cấp ủy các cấp thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), thông qua kiểm điểm, tự phê bình, phê bình và kiểm tra, giám sát, các cấp ủy đã phát hiện, xử lý kỷ luật hơn 25 nghìn đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chiếm 0,5% tổng số đảng viên toàn Đảng.

Mỗi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều có đảng viên vi phạm và bị xử lý kỷ luật. Đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống chiếm tỷ lệ cao nhất (60,1%) trong tổng số đảng viên bị xử lý kỷ luật; tỷ lệ thấp nhất là đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (6,9% trong tổng số đảng viên bị xử lý kỷ luật).


Đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, ngày 28-9-2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 7, tiếp đó ngày 1-10-2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng họp, quyết định thi hành kỷ luật hàng loạt tướng lĩnh cao nhất của lực lượng Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam (khai trừ ra khỏi Đảng 2 người, cách hết tất cả chức vụ trong Đảng của 7 người khác). BTV Đảng ủy CSB Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 đã vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, Quy chế làm việc, Quy định của Quân ủy Trung ương, để nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh, Phó Tư lệnh và lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trực thuộc suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Tư lệnh và các đơn vị trực thuộc có nhiều vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng trong công tác quản lý, sử dụng tài chính; thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; mua sắm thiết bị kỹ thuật, vật tư, hàng hóa; đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gây hậu quả rất nghiêm trọng.


Những vi phạm nêu trên đã gây thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tổn hại uy tín của tổ chức đảng và Quân đội, gây bức xúc trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Lần đầu tiên trong lịch sử 77 năm của Quân đội nhân dân Việt Nam và trong 23 năm lực lượng CSB Việt Nam, việc phải kỷ luật số lượng lớn cán bộ trong một thời gian rất ngắn với một lực lượng mới thành lập như Cảnh sát biển nhưng có vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn Biển Đông chưa bao giờ ngưng dậy sóng như hiện nay là vô cùng đau xót và rất nghiêm trọng. Trong vụ việc này, chúng ta không chỉ mất cán bộ mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Quân đội, quốc gia.

Chưa bao giờ trong lịch sử xây dựng, chỉnh đốn Đảng, một loạt quan chức cao cấp của lực lượng vũ trang được nhân dân tin, yêu, trân quý lại mắc những sai phạm nghiêm trọng, có hệ thống, để rồi Đảng ta sau khi phát hiện, kiên quyết, mạnh mẽ, nhanh chóng, dứt khoát xử lý nghiêm minh như thế.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa bao giờ là công việc dễ dàng, ngày một ngày hai, mà là một công cuộc kiên trì, bền bỉ, đầy khó khăn, phức tạp với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân, kết hợp giữa giáo dục, thuyết phục, tự soi, tự sửa mình với kỷ luật nghiêm khắc của Đảng, của pháp luật. Điều đó cho thấy quyết tâm, sự vững tin của “Người cầm quân”, người đứng đầu Đảng quyết không khoan nhượng với những gì là xấu xa, hư hỏng, biến chất trong nội bộ tổ chức mình, vốn lâu nay tưởng như bình thường, là “vùng cấm”, khó đụng tới. Sự quyết liệt ấy đã tác động mạnh mẽ tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quyết liệt hơn nữa, thực chất hơn nữa, hiệu quả hơn nữa.

Trong nhiệm kỳ này, phần “chống” cần phải đi vào chiều sâu, khui ra, xử lý nghiêm, xử lý sớm sai phạm của cán bộ, đảng viên khi mới manh nha; đừng để lún sâu, có sự chuẩn bị “hạ cánh an toàn”, “bến đỗ bình yên”, lộ, lọt tội phạm. Phần “xây” cần quan sát, đánh giá tiếp việc thực hiện các giải pháp đã được Đảng nhắc tới trong nhiều nghị quyết, kết luận. Người làm vườn, dù trong hoàn cảnh nào, môi trường nào cũng cần thiết dùng thuốc trừ sâu để diệt cỏ dại, sâu bọ, nhưng chăm bón tạo môi trường sống lành mạnh để cây đâm chồi, nảy lộc, xanh tươi cũng là việc quan trọng không kém.

Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa rồi thi hành kỷ luật nghiêm minh hàng loạt tướng lĩnh của Bộ Tư lệnh CSB Việt Nam như một minh chứng cho thấy sự cần thiết của việc tăng cường hơn nữa công việc quan trọng này, khẳng định quyết tâm của BCH Trung ương (khóa XIII), cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.


Nhìn lại, chúng ta thấy từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là “lằn ranh” mỏng manh, là một bước rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc ta, đứng ngược chiến tuyến với đồng bào ta.

Trung ương Đảng khẳng định, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước Nhân dân.

Trung tướng Nguyễn Quang Đạm, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh CSB Việt Nam trước khi chia tay về nghỉ chế độ đã gặp mặt, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ cơ quan Bộ Tư lệnh CSB có nhấn mạnh: Cấp hàm Trung tướng và chức vụ Tư lệnh CSB tôi có được ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm, giúp đỡ, đồng hành của tất cả các đồng chí, đồng đội thân yêu. Chính các đồng chí, đồng đội đã cho tôi động lực thường trực, đã thúc giục và khuyến khích tôi trong mọi công việc.

Hà cớ gì một con người có hơn 43 năm công tác trong lực lượng vũ trang nhân dân với những suy nghĩ như trên lại sa ngã trước cám dỗ của đời thường? “Đường dài mới biết ngựa hay”… Có thử thách mới biết được cán bộ, đảng viên đó hoàn thành tốt trọng trách Đảng, Nhân dân giao phó, giữ được mình thanh sạch trước mọi cám dỗ của cuộc sống hay không.

“Đời người phải lấy chữ Nhân làm đầu”

“Nhân” là phạm trù đạo đức của Nho gia, chỉ mối quan hệ giữa người với người trong xã hội, do đó “Nhân” được hiểu là đạo làm người. “Nhân” vốn tồn tại trong mỗi con người nhưng chưa bộc lộ một cách rõ ràng mà cần phải trải qua quá trình tu dưỡng, rèn luyện, thử thách. Như thế, “Nhân” là một đức tính bao quát tất cả đạo lý làm người. “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Con người “hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Đặt con người, nhất là những cán bộ, đảng viên công tác trong những lĩnh vực nhạy cảm, quan trọng vào trong những hoàn cảnh cụ thể, nhất là những nghịch cảnh sẽ khiến họ bộc lộ bản chất thật nhất.  “Hoàn cảnh tạo nên tính cách”. “Đường dài mới biết ngựa hay” là vậy. Phần xấu hay phần tốt đẹp của phẩm giá, đạo đức trong con người họ sẽ lộ ra có khi chỉ qua một vụ việc, trong một thời gian ngắn mà cả chặng đường công tác dài trước kia không hề có biểu hiện.

Gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thách thức mọi hệ thống y tế trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Với quan điểm xuyên suốt là đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, thực hiện lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hàng trăm nghìn cán bộ, bác sỹ, nhân viên y tế tại các tỉnh, thành phố đã kề vai sát cánh lao vào tâm dịch cùng các lực lượng tuyến đầu khác như Quân đội, Công an và tình nguyện viên.


Cuộc sống của người dân Việt Nam đang từng bước trở lại trạng thái “bình thường mới”. Trong hành trình gần 600 ngày chống dịch, nhất là hơn 5 tháng qua, cả dân tộc sống trong sức mạnh của sự đoàn kết, đồng lòng, sẻ chia, yêu thương và nhân ái của mọi tầng lớp nhân dân cùng với sự quyết liệt, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Điều đặc biệt, chúng ta đã chứng kiến những nghĩa cử cao đẹp, đức hy sinh cao cả, những trái tim nhiệt huyết, những tấm lòng nhân ái… của đội ngũ cán bộ, bác sỹ và nhân viên y tế cả nước.

“Ðời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

(Pa-ven Coóc-sa-ghin)


Tại buổi gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn câu ca: “Sinh ra trong cõi hồng trần/ Đời người phải lấy chữ Nhân làm đầu”. “Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau. Những cán bộ, bác sĩ và nhân viên y tế trong tuyến đầu chống dịch khiến chúng ta nhớ đến bao thế hệ “lớp cha trước lớp con sau” của đất nước trong những năm tháng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, sẵn sàng bỏ lại sau lưng tất cả, ra đi vì đất nước dù biết chờ đợi họ phía trước là cái chết. Họ làm chúng ta nhớ tới “Thép đã tôi thế ấy” với những con người như Pavel, Sergey, Valia, Rita, Pankratov, Okuniev… đã được tôi luyện trong lửa đỏ và nước lạnh với câu nói trở thành lý tưởng, lẽ sống, niềm tin của bao thế hệ trẻ Việt Nam thời chiến: “Ðời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”. Lý tưởng cao đẹp nhất của mỗi con người đã không còn bó hẹp trong một giai đoạn lịch sử đấu tranh giành chính quyền, giữ chính quyền hay trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở phạm vi cụ thể của một quốc gia nữa mà nó đã được hiểu rộng hơn là ở trong mọi thời cuộc, hoàn cảnh, mọi quốc gia.

Hoàn cảnh COVID đã trở thành “thuốc thử”, đã khiến nhiều cán bộ, đảng viên ngày hôm qua có thể còn lựa chọn, đắn đo, cân nhắc nhưng ngày hôm nay lại sẵn sàng xông vào tâm dịch dù biết có thể sẽ nhiễm bệnh, có thể không trở về… Không một bác sĩ, cán bộ y tế nào nhắc đến những khó khăn, vất vả, sự hy sinh của riêng mình, không có những đề xuất, yêu cầu cho cá nhân mà chỉ có những chia sẻ về niềm hạnh phúc khi dịch bệnh đã dần được kiểm soát, nhiều người bệnh đã bình phục. Họ luôn trong tư thế sẵn sàng tiếp tục tham gia công tác phòng, chống dịch bất cứ khi nào Nhân dân, Tổ quốc cần.

Hơn 300 nghìn lượt cán bộ xung phong chi viện cho miền Nam chống dịch là những bông hoa đẹp truyền cảm hứng, niềm tin về đức hy sinh, về trách nhiệm với đồng bào, đồng chí, bồi đắp thêm truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, để đất nước vượt lên nghịch cảnh, truyền năng lượng tích cực, đi qua những ngày khó khăn khi số người nhiễm và số người chết ngày một tăng mạnh. Những câu chuyện đẹp như bác sỹ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy với câu nói gây ấn tượng mạnh mẽ về tinh thần cống hiến của cán bộ Ngành Y: “Chỗ có dịch, mọi người chạy đi thì chúng tôi chạy vào!”. Đó là hình ảnh Trung úy Tống Ngọc Kiên, Đội Cảnh sát giao thông huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang chốt trực tại vị trí tỉnh lộ 293, lòng giục lòng, tự phát thành hành động đứng nghiêm giơ tay lên vành mũ kính chào đoàn xe ô tô chở 200 cán bộ, y, bác sỹ tỉnh Quảng Ninh tình nguyện lao vào tâm dịch Bắc Giang… Đó còn là câu chuyện lùi, hoãn kết hôn của nữ điều dưỡng Ngọc Diệp (Bệnh viện Bạch Mai), bác sĩ Đình Hoàng (Bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ); hay vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Giang - Ðỗ Ngọc Anh (Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng) gửi lại con thơ để xung phong lên đường chống dịch...


Nhiều bác sĩ, tình nguyện viên đã gần như không nghỉ, liên tục chi viện từ vùng dịch này sang vùng dịch khác như “bác sĩ 91” Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy) vừa trở về từ Khu công nghiệp Bắc Giang lại bắt tay ngay vào cứu chữa bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP. Hồ Chí Minh. Nhiều cặp đôi chọn tâm dịch làm đích đến; các nữ thầy thuốc thu xếp việc gia đình, nhờ bố mẹ chăm sóc con nhỏ, những bác sĩ đã nghỉ hưu lặn lội hàng ngàn cây số vào bệnh viện dã chiến miền Nam chi viện; có những người phải trải qua nỗi đau mất người thân mà không thể về chịu tang... Hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế đã mắc COVID-19, có người vĩnh viễn ra đi khi trong mình đang tràn đầy hoài bão và khát vọng cống hiến.

Lý trí và tình cảm của họ đều thôi thúc rằng người thầy thuốc phải luôn có mặt tại điểm nóng dịch bệnh, “không được phép buông tay”. Đó không chỉ là nhiệm vụ của nghề mà còn là trách nhiệm công dân khi Tổ quốc cần, là nghĩa đồng bào, tình đồng chí cao cả, là giữ trọn vẹn lời thề Hyppocrater từ ngày tốt nghiệp ra trường: “Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết”. Như thế, qua mỗi thử thách cam go, cán bộ của Đảng càng trưởng thành về bản lĩnh, ý chí, lòng quả cảm, kiến thức chuyên môn và nhất là tình đồng bào, nghĩa đồng chí lớn lao. Đó chính là “Nhân” trong mỗi con người.


Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) diễn ra trong những ngày cả nước bước vào trạng thái “bình thường mới” đầu tiên sau 6 tháng chiến đấu cam go, khốc liệt nhất trong gần 600 ngày Việt Nam gồng mình chiến đấu với đại dịch COVID-19. Một cuộc chiến không cân sức, thế nhưng tinh thần dân tộc, tinh thần nhân dân lên cao, cùng sẻ chia, đồng lòng hướng về miền Nam ruột thịt. “Máu chảy ruột mềm”.

Đại dịch cũng thử thách Đảng ta một cách khắc nghiệt chưa từng có. Đất nước ta có thể vượt qua được dịch bệnh là nhờ sự dẫn dắt của một Đảng dày dạn kinh nghiệm, hết lòng vì Dân, cùng tinh thần cống hiến vô tư cho lợi ích cộng đồng đang hiện hữu của đội ngũ cán bộ, nhân viên Ngành Y và cả hệ thống chính trị cùng toàn dân. Những con người này, họ xứng đáng được Nhân dân tôn vinh.

Ngược lại, trong chính hoàn cảnh COVID, vẫn có những con người mang danh cán bộ, đảng viên, lợi dụng hoàn cảnh để kiếm chác, tư lợi, mưu lợi cá nhân hoặc chỉ để thỏa mãn thói ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân... Hoặc cũng có cán bộ lợi dụng COVID để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trở cờ... Bởi vậy, có nhiều cán bộ buộc phải “xuống ngựa giữa đường”, “đứng ngoài cuộc chơi”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.  


Thực tế cho thấy, không phải như một số dư luận lo ngại, chỉ chăm lo xây dựng Đảng, lo chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm nhụt chí cán bộ, đảng viên mà ngược lại, chính làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy ưu điểm, chống thoái hóa, biến chất đã thúc đẩy các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại cùng phát triển. Điều này đã làm cho vai trò, vị trí, uy tín của Đảng, của đất nước được nâng lên rõ rệt trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Đảng cũng có thêm kinh nghiệm để làm tốt hơn, đó là việc kết hợp giữa xây và chống, “xây” là cơ bản, chiến lược, lâu dài, “chống” là quan trọng, cấp bách và phải quyết liệt nhưng phần sâu xa hơn là sự tuyệt đối trung thành với Đảng, kiên định với chế độ cần phải tăng cường hơn nữa. Đất nước khó khăn nhưng từ trong gian khó lại xuất hiện những cán bộ, đảng viên mang trong mình chữ “Nhân” đầy tình người, nhân văn, nhân ái chan hòa, cái tốt, cái đẹp trong họ vẫn nảy nở như hoa mùa Xuân. Đảng và Dân đồng lòng. Dân tin yêu Đảng. Cách đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong giai đoạn này, nhất là trong gần 600 ngày chống COVID-19 vừa qua đã cho chúng ta thấy được một Đảng hơn 90 năm qua luôn vững vàng qua thử lửa dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

“Xây” là từ chính giai đoạn lịch sử này, tìm ra những tấm gương cán bộ, đảng viên, đồng bào để nhân dân thấy được những điều tốt đẹp quanh họ, thấy tha thiết yêu đất nước, dân tộc này hơn. “Xây” trên nền ý chí, quyết tâm vượt qua khó khăn sẽ càng vững bền hơn, mạnh mẽ hơn, để rồi từ đó Đảng thêm vững, nước thêm mạnh. Chính vì thế, xây dựng Đảng về đạo đức được nhắc đến như một “phương thuốc” hữu hiệu khi Đảng ta đã chẩn đúng căn bệnh suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên. Xây dựng Đảng về đạo đức cần phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn biết “lấy chữ Nhân làm đầu”.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất