Những con số dự báo về kinh tế của Việt Nam vào những ngày cuối năm 2020 cho phát triển kinh tế năm 2021 đã không đạt được như kỳ vọng. Chúng ta cần rút kinh nghiệm về dự báo diễn biến dịch bệnh, y tế dự phòng, điều phối kinh tế kinh tế vĩ mô và vi mô. Cần nhìn thẳng vào sự thật để có kế sách vẹn toàn cho năm 2022.
Hãy nhìn vào cách điều hành kinh tế thời gian qua - thời gian của bất thường. Khi Chính phủ thông qua các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và hỗ trợ cho người lao động, người mất việc làm, người thất nghiệp thì các gói hỗ trợ này không hoàn thành mục đích, yêu cầu đặt ra, có đôi chỗ còn phản tác dụng. Bởi thực tế chỉ đạt khoảng hơn 20% như kế hoạch. Trên tổng số tiền mà Chính phủ, Quốc hội thông qua. Vậy gần 80% số tiền còn lại mặc nhiên vẫn nằm trên giấy, nằm trong Kho bạc Nhà nước.
Dòng tiền luân chuyển trong xã hội chậm ở mức đáng báo động, người dân tập trung ở thành phố lớn, khu công nghiệp phải hồi hương bởi không có tiền sinh sống những tháng ngày cách ly xã hội. Mặc dù họ có nhận được một chút ít tiền từ các gói hỗ trợ (khoảng 1-2 triệu đồng) nhưng không đủ sinh hoạt tối thiểu, bất đắc dĩ họ phải dời thành phố về quê.
Doanh nghiệp thì sao? Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động. Gói hỗ trợ của Chính phủ trên văn bản nghe thì rất lớn, rất ưu việt và kịp thời, như về việc giảm lãi suất, tạo cú hích để kích cầu sản xuất… nhưng doanh nghiệp không thể tiếp cận bởi ngân hàng không cho vay vì thiếu yếu tố “cần và đủ” để bảo đảm tiền vay của ngân hàng.
Ngân hàng thương mại họ làm đúng, bởi họ là doanh nghiệp đặc biệt, họ kinh doanh tiền, họ thu hút nguồn tiền trong xã hội phải trả lãi và trả vốn cho người gửi, nếu thất thoát họ phải chịu trách nhiệm. Nên khi cho doanh nghiệp vay họ luôn tính độ an toàn rất cao. Trường hợp rủi ro xảy ra ngân hàng phá sản hậu quả nặng nề và nguy hiểm gấp nhiều lần doanh nghiệp phá sản. Từ những lý do này dẫn đến doanh nghiệp đói vốn, kinh doanh nội địa bế tắc, dòng hàng xuất khẩu đứt gãy. Có chăng theo báo cáo suất siêu lớn, nhập siêu giảm nhưng chỉ là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tạo bức tranh "màu hồng" về tình trạng kinh tế của Việt Nam.
Năm 2022, cần một sáng kiến phi thường từ các bộ có liên quan trực tiếp để tham mưu cho Đảng, Chính phủ và Quốc hội ban hành chính sách nhằm tăng sức mua, bình ổn kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng và giữ được nguồn lao động vốn có, tạo thêm việc làm mới. Vì vậy, thì chính sách tài khoá và lưu thông dòng chảy của tiền tệ cần phải làm ngay:
Trước hết, cần điều chỉnh tăng trần chỉ số lạm phát ít nhất là 7%. Chính phủ phát hành trái phiếu đủ hấp dẫn để thu nguồn tiền từ xã hội, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ và hạn chế trái phiếu doanh nghiệp phát hành ồ ạt thu tiền thật mà giá trị ảo nhằm tránh đổ gẫy thị trường không bảo chứng.
Thứ hai là, Ngân hàng Trung ương và Kho bạc Nhà nước Việt Nam "bơm tiền" cho các ngân hàng cổ phần thương mại dưới hình thức bảo lãnh Chính phủ để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, thông thoáng.
Ba là, tạo sức hút cho thị trường nội địa để kích thích thị trường trong nước nhằm tăng trưởng tốc độ vòng quay của đồng tiền đang chậm dần. Giảm lãi suất tối đa từ dòng tiền của Chính phủ có thể cho các doanh nghiệp vay sản xuất - kinh doanh và tái cơ cấu đầu tư mở rộng.
Bốn là, vì xác định sống chung với COVID-19 thì mặc nhiên phải điều tiết linh hoạt chính sách vĩ mô “cung - cầu” để sản xuất - kinh doanh, cung ứng lao động cho các khu công nghiệp, hãng xưởng là cần kíp tức thì.
Năm là, vì thời đại in-tơ-nét và công nghiệp 4.0 bùng nổ tại Việt Nam và thế giới, mọi thông tin về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng được lan toả siêu nhanh, không gì cản nổi nên nhân dân, doanh nghiệp cần thông tin trung thực, chính xác, nhanh chóng từ các hệ thống thông tin chính thống của Nhà nước, tránh các tin giả mà ảnh hưởng thật tới cộng đồng xã hội.
Trên đây là quan điểm của cá nhân tôi: Khi tình hình kinh tế - xã hội "bất thường" thì các bộ có liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước… phải dám nghĩ, dám làm tham mưu cho Đảng, Chính phủ, Quốc hội có quyết sách "phi thường", sớm ban hành các chính sách vĩ mô ngay trong tháng 11-2021 để kịp thời triển khai cho năm 2022.
Nguyễn Hoài Bắc
Doanh nhân, Việt kiều Ca-na-đa