Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI đã nêu: Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng đảng còn không ít hạn chế, yếu kém... Nổi lên một số vấn đề cấp bách: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”.
Trong đánh giá trên có nêu: một số cán bộ có lối sống thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài... Theo Từ điển tiếng Việt (Nhà xuất bản Đà Nẵng 2010), thực dụng (pragmatic) là những gì có thể mang lại lợi ích vật chất thiết thực và trước mắt cho mình, không quan tâm đến những mặt khác.
Bản chất lối sống thực dụng là coi trọng quá đáng mặt lượng của sự tiêu dùng vật chất, tinh thần đến mức xem đó là cái duy nhất trong cuộc sống của con người và cần phải đạt đến nó bằng mọi giá, mọi thủ đoạn. Lối sống thực dụng làm tha hóa con người, khơi dậy những ham muốn bản năng, chạy theo hưởng lạc, những lợi ích trực tiếp, trước mắt, xa rời những mục tiêu chính trị của cách mạng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Khi sự ham muốn đó trở thành mục đích duy nhất, tất yếu dẫn đến sự chiếm đoạt vật chất, bất chấp đạo lý và luật pháp, kéo bè kết cánh, tạo ra những “nhóm lợi ích” sẵn sàng thực hiện những thủ đoạn thấp hèn nhất, gây thiệt hại đến lợi ích của người khác, của Nhà nước, của xã hội. Lối sống thực dụng làm xói mòn đạo đức cách mạng và lý tưởng cao đẹp của người cán bộ, đảng viên. Trong quan hệ xã hội giữa người với người, những tình cảm lành mạnh bị thay thế bằng những quan hệ vụ lợi, vật chất. Trong đời sống, họ vô trách nhiệm, không đấu tranh chống cái sai và cũng không ủng hộ, bảo vệ cái đúng...
Trong thực tế, lối sống thực dụng, đặc quyền, đặc lợi không chỉ làm hư hỏng một số cán bộ, đảng viên mà còn ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của Đảng, làm tổn thất không nhỏ tài sản của Nhà nước và gây những bất bình trong nhân dân...
Bài thuốc đặc trị để chữa căn bệnh “lối sống thực dụng, tệ đặc quyền, đặc lợi” thiết nghĩ không ngoài việc cán bộ, đảng viên tự tu dưỡng nâng cao đạo đức cách mạng, nghiêm túc thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình một cách thường xuyên gắn với việc đẩy mạnh tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chỉ thị 03 của Bộ Chính trị.
Đảng và Nhà nước cần có thái độ kiên quyết hơn khi chống lại lối sống thực dụng, tệ đặc quyền, đặc lợi. Quy định cụ thể, công bằng và công khai hóa các tiêu chuẩn, chế độ được hưởng của cán bộ, đảng viên; đồng thời có biện pháp kiểm tra, giám sát một cách nghiêm minh việc cán bộ, đảng viên thực hiện Điều lệ Đảng, các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và Quy định số 47-QĐ/T.Ư, ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về những điều đảng viên không được làm.
Vạch trần bản chất tiêu cực của lối sống thực dụng cũng như những biểu hiện xấu xa của nó, đấu tranh không khoan nhượng với nó là việc làm cấp thiết góp phần làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Nguyễn Xuyến
Số 8 Kiệt 65 Phan Bội Châu - Huế