Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ là người đem chính sách của Đảng, của chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng”[i]. Và vì thế, Người luôn nhắc nhở Đảng ta trong bất cứ hoàn cảnh điều kiện nào cũng phải coi “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[ii].
Quán triệt sâu sắc những lời dạy của Người, gắn liền với nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, coi trọng toàn bộ các khâu của công tác cán bộ như chăm lo tạo nguồn, lựa chọn, đào tạo bồi dưỡng, quản lý, sử dụng và xây dựng chính sách đối với cán bộ… bảo đảm cho đội ngũ cán bộ của Đảng luôn có sự phát triển và nối tiếp vững chắc.
Bước vào giai đoạn cách mạng mới, giai đoạn cả nước bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội với hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, cách mạng nước ta đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức lớn, đan xen, tác động tổng hợp và phức tạp. Nền kinh tế đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính quốc tế. Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng đang diễn ra hết sức phức tạp, các thế lực thù địch tập trung chống phá với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi và xảo quyệt. Trong đó cần phải kể đến tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Những biểu hiện xa rời mục tiêu, lý tưởng, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí đang làm suy giảm hiệu lực lãnh đạo và sức chiến đấu, tổn hại đến uy tín của Đảng, gây ra những bức xúc và nhức nhối trong Đảng và trong nhân dân.
Trước tình hình đó, hơn lúc nào hết, nhiệm vụ cách mạng đặt ra yêu cầu rất cấp thiết đối với công tác cán bộ, đòi hỏi Đảng ta phải xây dựng được đội ngũ cán bộ “Có phẩm chất chính trị tốt, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, hết lòng phấn đấu vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc; có bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trước những khó khăn, thử thách; có năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao; có nhân cách và lối sống mẫu mực, trong sáng; có ý thức tổ chức kỷ luật cao, tôn trọng tập thể, gắn bó với nhân dân”[iii]. Trước yêu cầu đó đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ không chỉ bám sát các vấn đề mang tính nguyên tắc, tính quy luật, mà phải có sự đổi mới về chủ trương, biện pháp, cách thức với nhiều khâu, nhiều bước. Trên cơ sở quán triệt các nội dung chỉ đạo của Đảng về công tác cán bộ trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Trung ương 4, theo chúng tôi, công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ cần tập trung vào các nội dung:
Thứ nhất, công tác cán bộ phải bám sát định hướng chính trị của Đảng, nhiệm vụ của cách mạng, đồng thời nắm vững đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và địa phương.
Cán bộ vừa là sản phẩm của đường lối, vừa là người xây dựng đường lối, bảo vệ, giữ vững, phát triển và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng. Đường lối chính trị đúng là cơ sở, là phương hướng để xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Đường lối chính trị quyết định đường lối tổ chức cán bộ, quyết định phương hướng lựa chọn, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, quyết định nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Do đó, nắm vững đường lối chính trị của Đảng để tiến hành xây dựng đội ngũ cán bộ là vấn đề có tính nguyên tắc, bảo đảm cho công tác cán bộ có phương hướng, mục tiêu, yêu cầu, nội dung đúng đắn, mới giữ vững tính Đảng, tính cách mạng, tính khoa học trong công tác cán bộ.
Trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành quả đã có, công tác cán bộ tập trung làm tốt công tác quy hoạch, bảo đảm nguồn lực cho lâu dài và cho giai đoạn trước mắt. Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện cán bộ cần phải tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo của Đảng: “Xây dựng và thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách phát hiện tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; khắc phục tình trạng chạy theo bằng cấp. Làm tốt công tác quy hoạch và tạo nguồn cán bộ, chú ý cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số, chuyên gia trên các lĩnh vực; xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược”[iv].
Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải bám sát nhu cầu thực tiễn của cơ quan, đơn vị và địa phương; bảo đảm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trước mắt, đồng thời xây dựng nguồn quy hoạch cho lâu dài, trong đó chú trọng quy hoạch theo 3 độ tuổi, theo chức danh và chuẩn hóa cán bộ.
Thứ hai, thực hiện đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; đề cao trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu các cấp trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Đội ngũ cán bộ là những người thay mặt Đảng trong các tổ chức, là cầu nối giữa Đảng với quần chúng. Quá trình hình thành, phát triển chất lượng đội ngũ cán bộ có mối quan hệ mật thiết với quá trình giữ vững, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, với việc giữ đúng nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.
Công tác cán bộ là “công việc gốc” của Đảng, do đó, cấp ủy và người đứng đầu các cấp cần phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng yếu, phải “Quán triệt và thực hiện đúng nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đồng thời đề cao trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và người đứng đầu tổ chức. Cấp uỷ, tổ chức đảng có thẩm quyền phải chủ trì và chịu trách nhiệm về công tác tổ chức cán bộ theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định; xác định rõ trách nhiệm của tập thể và trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ”[v].
Thứ ba, củng cố, kiện toàn tổ chức trên cơ sở mở rộng và phát huy dân chủ, không ngừng hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát, đánh giá và sử dụng cán bộ.
Quan hệ giữa tổ chức và cán bộ là mối quan hệ biện chứng. Tổ chức là nơi phát hiện, lựa chọn, sàng lọc và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tổ chức cũng là nơi kiểm định, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của cán bộ trong thực tiễn. Cán bộ vừa là thành viên của tổ chức, vừa là chủ thể quan trọng của tổ chức, góp phần quyết định đến sự vững mạnh của tổ chức. Do đó quá trình đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ phải gắn liền với việc củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể trong các cơ quan, đơn vị. Nội dung, biện pháp, quy trình đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ phải gắn chặt một cách biện chứng với kiện toàn cấp uỷ, chi bộ, với nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan.
Cùng với kiện toàn tổ chức, việc không ngừng hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng với công tác cán bộ là một đòi hỏi khách quan. Nguyên tắc cơ bản của xây dựng Đảng ta là tập trung dân chủ, đo đó, điều cần thiết trước hết trong hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng với công tác cán bộ chính là “Mở rộng và phát huy dân chủ, thực hiện công khai, minh bạch trong công tác cán bộ”. Để thực hiện được yêu cầu công khai minh bạch trong công tác cán bộ, các cấp uỷ cần phải coi trọng và đổi mới cách đánh giá, quản lý cán bộ, phải lấy hiệu quả công tác là thước đo cuối cùng; phải khắc phục những biểu hiện cá nhân, cục bộ, thiếu dân chủ, không công tâm, nể nang, tuỳ tiện trong công tác cán bộ. Như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã nhận định: “Đánh giá sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở tiêu chuẩn, quy trình đã được bổ sung, hoàn thiện lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu. Không bổ nhiệm cán bộ không đủ đức, đủ tài, cơ hội chủ nghĩa. Thực hiện nghiêm quy chế thôi chức, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, uy tín giảm sút”[vi].
Quá trình hoàn thiện và phát huy cơ chế lãnh đạo của Đảng với công tác cán bộ cũng là quá trình không ngừng hoàn thiện chính sách sử dụng và đãi ngộ cán bộ, thực hiện quan điểm “có vào, có ra” trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ, đó là: “Có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân.”[vii].
Thứ tư, đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện cán bộ thông qua hoạt động thực tiễn, phát huy tinh thần tự giác, tích cực tự học tập của mỗi cán bộ.
Quá trình tham gia hoạt động thực tiễn là điều kiện trực tiếp cho đội ngũ cán bộ tích luỹ những kinh nghiệm. Chỉ có thông qua sự trải nghiệm thực tiễn, đội ngũ cán bộ mới có được sự thành thạo nghiệp vụ chuyên môn, có được khả năng ứng biến sáng tạo tri thức vào đời sống thực tiễn.
Quá trình hoàn thiện và phát triển các phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ là quá trình kết hợp, kế thừa và hỗ trợ lẫn nhau giữa kết quả đào tạo ở nhà trường, đơn vị với kết quả tự học tập và rèn luyện của bản thân mỗi cán bộ. Trong đó, quá trình đào tạo tại nhà trường, các lớp bồi dưỡng giữ vai trò chủ đạo, trang bị cho người cán bộ những kiến thức nền tảng, phương pháp công tác khoa học, linh hoạt và sáng tạo làm cơ sở để họ tiếp tục hoàn thiện và phát triển trong quá trình công tác sau này. Tuy nhiên, quá trình đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ sẽ không thể đạt được kết quả nếu như thiếu sự chủ động, tự giác học tập rèn luyện của chính đội ngũ cán bộ. Quá trình tự nghiên cứu, học tập, tự rèn luyện thông qua thực tiễn là điều kiện để mỗi cán bộ tự bổ sung kiến thức chính, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng và không ngừng hoàn thiện các tri thức có được trong quá trình đào tạo.
Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và thực hiện công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), công tác cán bộ sẽ có những bước phát triển mới về chất. Tuy nhiên, việc đổi mới vẫn dựa trên cơ sở các vấn đề có tính nguyên tắc, khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng đối với công tác cán bộ nói chung, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ nói riêng.
Nguyễn Đình Sơn - Phan Xuân Phương - Trần Thanh Bình
Học viện Chính trị
-------------------------------------------
[i] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tr.269. [ii] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tr.269. [iii] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H.2006, tr.136. [iv] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.261.[v] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H.2006, tr.293-294.[vi] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr. 261-262.[vii] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.252.