Một nghề cao quý
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị về đổi mới công tác cán bộ, tháng 8-2012.
Từ ngày thành lập Đảng đến nay, công tác cán bộ đã in đậm những dấu son.

Khi chính quyền cách mạng còn non trẻ, thù trong, giặc ngoài, vận mệnh của dân tộc, độc lập, tự do mới giành được ngàn cân treo sợi tóc. Chủ tịch Hồ Chí Minh với tâm trong sáng, trí tuệ uyên thâm, sáng tạo đã thu phục nhân tài, trí thức đoàn kết đóng góp cho đất nước. Bác đã thu hút được nhiều hiền tài, trí thức, nhiều sỹ phu, thậm chí quan lại chế độ cũ phụng sự dân tộc vượt qua thử thách, cùng toàn dân đi với cuộc trường kỳ kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp, góp phần đưa cuộc kháng chiến 9 năm tới thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu…

Cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ và khốc liệt, Đảng ta đã lãnh đạo cả dân tộc vào cuộc chiến đấu thần thánh với lớp cán bộ sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Đảng điều động, dù B - chiến trường khói lửa, đi C, đi K, hay ở lại chiến trường A, xây dựng hậu phương lớn của tiền tuyến lớn.
Lớp cán bộ vàng ấy đã góp phần quyết định cùng toàn dân đánh thắng hai đế quốc to, trong đó có siêu cường số 1 thế giới và làm thất bại các thế lực phản động hòng tiêu diệt chế độ mới, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Sau thắng lợi vĩ đại 30-4-1975, giải phóng đất nước, giang sơn thu về một mối, bước vào thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa theo Tư tưởng Hồ Chí Minh độc lập, tự do với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Từ chiến tranh chuyển sang hoà bình, xây dựng đất nước đòi hỏi một lớp cán bộ có trí tuệ, năng lực xây dựng xã hội mới, mà trung tâm là phát triển kinh tế. Theo  Bác, đây là “một cuộc cách mạng khổng lồ” để mưu cầu hạnh phúc, cơm no áo ấm cho nhân dân, trẻ em được học hành…

Ngay sau giải phóng, năm 1976, Đảng  triệu tập Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng bàn về công tác cán bộ trong tình hình mới. Trong Hội nghị này, đồng chí Lê Đức Thọ, người đảm nhận công tác tổ chức của Đảng từ Đại hội II đến Đại hội VI đã trình bày quan điểm, nhận thức mới, yêu cầu mới về công tác cán bộ, đặc biệt là công tác quy hoạch cán bộ. Đảng ta luôn nhìn thấy phải đổi mới công tác cán bộ để có một lớp cán bộ đáp ứng nhiệm vụ mới.

Lý luận và thực tiễn chỉ rõ: Sau khi có đường lối đúng, công tác cán bộ sẽ quyết định sự thành bại của đường lối. Đảng chỉ rõ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt.

Công tác tìm kiếm, phát hiện, đào tạo, nhân tài đều quan trọng với mọi chế độ. Đối với Đảng Cộng sản cầm quyền càng trở nên quan trọng. Nó quyết định sự thành bại của đường lối, đem lại hạnh phúc, cơm no, áo ấm cho nhân dân Nhưng thực tế đã dạy chúng ta, khi một Đảng đã nắm quyền và quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ thì dễ sinh ra lạm quyền, lòng tham không đáy trỗi dậy, tha hóa quyền bính, đặc quyền, đặc lợi, vơ vét bổng lộc, quan liêu xa dân…

Thực tiễn của Liên Xô với một Đảng Cộng sản có bề dày truyền thống vẻ vang có 20 triệu đảng viên nhưng do tham nhũng, quan liêu, đặc quyền đặc lợi đã sụp đổ là một minh chứng hùng hồn. Các đời Tổng Bí thư từ Brê-giơ-nhép đến Goóc-ba-chốp đều cho xây dựng những biệt thự sang trọng, xa hoa. Năm 1976, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Brê-giơ-nhép, lãnh đạo nước Cộng hòa Ai-giéc-bai-dan đã đúc một bức tượng bán thân bằng vàng tặng cho ông ta. Khi Liên Xô đang trong thời kỳ chính biến, có một điều tra xã hội với câu hỏi “Đảng Cộng sản Liên Xô là đại biểu của ai?” Kết quả là:
- Cho rằng Đảng là đại diện của nhân dân lao động chiếm 7%.
- Đại biểu của tầng lớp công nhân chiếm 4%.
- Đại biểu cho toàn thể đảng viên chiếm 11%
- Đại biểu cho giới cán bộ quan chức nhà nước quan liêu chiếm 85%.
Một chính đảng xa rời quần chúng nghiêm trọng như vậy trong những thời khắc quyết định sẽ bị quần chúng bỏ rơi là tất yếu.

Ở Trung Quốc, nhiều năm qua Đảng Cộng sản đã xử lý nhiều cán bộ cao cấp tham nhũng như UVBCT, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Trần Hỷ Đồng, mới đây là UVBCT, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai…

Bác Hồ, người giàu lòng thương yêu cán bộ, nhưng đã suy nghĩ, cân nhắc và quyết định bác đơn xin giảm tội của Trần Dụ Châu phạm tội tham nhũng. Quyết định xử tử hình đại tá Trần Dụ Châu thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và đã được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Trong tình thế kháng chiến và trong giai đoạn quyết liệt, quyết định của Bác có ý nghĩa lớn lao. Nó làm toàn thể nhân dân tin tưởng ở chính quyền và Đảng. Nhân dân đã thấy rõ: Chính quyền và Đảng không dung túng một cán bộ nào làm bậy, dù cán bộ đó ở cấp nào. Vụ án đã cho Đảng và chính quyền, đoàn thể kinh nghiệm trong việc dùng cán bộ, giáo dục và kiểm soát cán bộ. Bài học này rất đáng để chúng ta học và làm theo khi tham nhũng đã trở thành quốc nạn.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất