Tại phiên khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa IX tháng 10 năm 1992, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nói: “Cần đề cao mối quan hệ giữa quyền lực và trách nhiệm, quyền hạn càng lớn thì trách nhiệm càng cao. Vì vậy đã đến lúc Nhà nước ta phải ban hành quy chế chặt chẽ về trách nhiệm pháp lý của người có chức có quyền, bảo đảm tôn trọng pháp luật trước hết đối với người đứng đầu các ngành, các cấp về tình hình thi hành pháp luật ở ngành mình, cấp mình, địa phương mình phụ trách. Nếu phép nước không nghiêm, kỷ cương lỏng lẻo, pháp luật bị xem thường thì trước hết người đứng đầu và người quản lý trực tiếp phải chịu trách nhiệm và phải áp dụng các hình thức trách nhiệm pháp lý nghiêm minh chứ không chỉ có phê bình, kiểm điểm, xử lý nội bộ là đủ...”.
Cũng tại kỳ họp nói trên, sau khi thành phần Chính phủ được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề cao trách nhiệm cá nhân, khẳng định dứt khoát mỗi thành viên Chính phủ không hoàn thành nhiệm vụ để cho bộ do mình phụ trách xảy ra tham nhũng, buôn lậu hoặc các tiêu cực nghiêm trọng khác phải từ chức hoặc bị cách chức. Trao đổi với báo chí ngoài hành lang Quốc hội, Thủ tướng khẳng định đã không có trách nhiệm cá nhân, cán bộ tài đức rất khó được trọng dụng vì trắng đen lẫn lộn, người phạm sai lầm nghiêm trọng không bị kỷ luật, vẫn an toàn tại chức. Chính phủ không thể trọng dụng nhân tài nếu không có trách nhiệm cá nhân để có cơ sở đánh giá năng lực, phẩm chất cán bộ. Một Chính phủ mạnh nếu mỗi thành viên chính phủ đều xác định trách nhiệm cá nhân nếu bộ của mình xảy ra tiêu cực lớn.
Dư luận trong nhân dân tỏ ra rất hài lòng thấy Đảng và Nhà nước xiết chặt kỷ cương phép nước, trước hết bên trên và chỉ rõ lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đứng đầu các ngành, các cấp, các thành viên Chính phủ phải gắn liền quyền hạn và trách nhiệm. Không gắn trách nhiệm và quyền hạn là sơ hở lớn nhất, cũng là chỗ yếu căn bản nhất. Có thể nói lãnh đạo đã bắt đúng bệnh. “Đầu xuôi đuôi lọt”, "trên nghiêm dưới mới nghiêm”.
Dân mừng nhưng chẳng được bao lâu vì không thấy chuyển biến như dân mong đợi, lời nói chưa đi đôi với việc làm, quy chế về trách nhiệm pháp lý của những người có chức, có quyền chưa được chấp hành. Có lãnh đạo không quản lý nổi đơn vị mình, báo chí đã phản ánh nhưng vẫn đường hoàng tại chức, hoặc uy tín tại nơi công tác không còn lại được đưa về các cơ quan khác.
Kỷ cương phép nước gắn liền với trách nhiệm cá nhân và đã không có trách nhiệm cá nhân thì nếu có kỷ cương phép nước thì cũng chỉ còn rất lỏng lẻo. Trong bộ máy Nhà nước ta, trách nhiệm cá nhân không rõ ràng, nhiều nơi không còn, phổ biến vẫn là “công là của tôi, tội là của tập thể”. Tình trạng rất đáng lo ngại kéo dài suốt mấy chục năm là khi lập thành tích xuất sắc đều được khen thưởng nhưng nhiều vụ tham nhũng với số tiền cực lớn được phát hiện lại chẳng thấy những lãnh đạo bộ, ngành hoặc địa phương chịu trách nhiệm từ chức hoặc bị cách chức, thậm chí một số còn tiếp tục được đề bạt. Nhà máy lọc dầu Dung Quất chậm những bảy năm, đáng lẽ năm 2002 khởi động nhưng mãi đến năm 2009 mới đi vào sản xuất. Bẩy năm để chậm gây tổn thất lớn về tiền của. Tại Quốc hội, mấy kỳ họp liền, một số đại biểu đề nghị phải xác định trách nhiệm cá nhân, không thể phạm sai lầm nghiêm trọng lại vẫn cho qua. Cuối cùng cũng có nhận trách nhiệm và tuyên bố trước Quốc hội hẳn hoi: trách nhiệm thuộc về Chính phủ và Quốc hội.
Đã không có trách nhiệm cá nhân tất nhiên không có từ chức hoặc cách chức, cũng không thể bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Năm này qua năm khác đã thành thói quen, nhiều lãnh đạo không thấy cấp bách phải thường xuyên trau dồi tài đức vì nếu để xảy ra tiêu cực lớn là có tập thể chịu chẳng hề lo bị kỷ luật, quá lắm lại giải quyết nội bộ và yên tâm. Cái giá rất đắt phải trả vì không có trách nhiệm cá nhân là tồn đọng trong bộ máy nhà nước ngày một nhiều cán bộ không tương xứng với chức vụ.
Tháng 10-1992, tại phiên khai mạc Quốc hội khóa IX, quan hệ giữa quyền lực và trách nhiệm cùng trách nhiệm cá nhân được Đảng và Chính phủ đặt ra rất nghiêm túc nhưng chưa thực hiện được. 18 năm sau, tháng 10 năm 2010, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, đặt vấn đề trách nhiệm cá nhân từng người là đòi hỏi chính đáng và cực kỳ bức thiết của nhân dân.
Giải quyết các vụ nổi cộm như Đảng đã đề ra rất cần gắn với trách nhiệm cá nhân. Nếu được như vậy thì đây là một đột phá mà mọi người mong đợi. Từ nay khi có tiêu cực lớn sẽ không còn tình trạng nhận trách nhiệm chung chung để rồi hòa cả làng.
Thái Duy
Nguồn: Báo Đại Đoàn kết