Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 ngày 26-12-2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Có một câu hỏi lớn, rất day dứt, trăn trở lâu nay cần được trả lời cặn kẽ là: Vì sao công tác xây dựng đảng được Trung ương rất coi trọng, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất hay, nhiều cuộc vận động sâu rộng, nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu? Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng? Vướng mắc chính là ở chỗ nào?” và đồng chí "Đề nghị Trung ương đi sâu phân tích, mổ xẻ, chỉ ra đúng căn nguyên để có biện pháp chữa trị hữu hiệu”.
Câu hỏi đồng chí Tổng Bí thư đặt ra cũng chính là day dứt, trăn trở, nỗi niềm của tất cả những ai còn nặng lòng với Đảng, còn mong muốn Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là Đảng của lãnh tụ Hồ Chí Minh, mong muốn Đảng tiếp tục song hành cùng nhân dân, là người lãnh đạo, cầm quyền, nhưng đồng thời là người đày tớ thật trung thành của nhân dân, như Bác Hồ căn dặn.
Hội nghị Trung ương lần này là thời điểm để Đảng nghiêm khắc nhìn lại mình. Không nên giấu giếm khuyết điểm. Một Đảng giấu giếm khuyết điểm là đảng hỏng. Bác Hồ đã dạy thế. Và cũng không thể giấu giếm khuyết điểm. Nhân dân hiểu rõ về nhân cách từng người lãnh đạo của mình. Họ hiểu không phải qua nghe những lời hứa, lời tuyên bố. Bác Hồ cũng đã từng nói nhân dân ta coi một hành động gương mẫu hơn nhiều bài diễn văn hùng hồn. Nhân dân qua việc làm của từng đồng chí uỷ viên trung ương mà nhận ra giá trị đích thực của mỗi người.
Đồng chí Tổng Bí thư đã đề xuất gợi ý để Hội nghị Trung ương thảo luận: “Những việc cần và có thể làm ngay phải chăng là: Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tệ hại. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành kiểm điểm, đánh giá, làm rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đẩy mạnh chỉ đạo việc học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giải quyết từng vấn đề cấp bách, những việc cần làm ngay, xác định rõ về công việc, thời gian hoàn thành và người chịu trách nhiệm cụ thể. Nghiêm túc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý dứt điểm một số vụ việc mà dư luận quan tâm; cải tiến, nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…
…. Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là: Ban Chấp hành Trung ương phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, …”.
Để những điều tâm huyết của Tổng Bí thư không chỉ là những lời kêu gọi tâm huyết trên diễn đàn, để Ban Chấp hành Trung ương có quyết định sáng suốt, có trách nhiệm trước những vấn đề sống còn của Đảng, của chế độ, chúng tôi theo phương pháp Hồ Chí Minh xin chân thành nêu 2 câu hỏi sau:
1. Các đồng chí Trung ương sẽ kiểm điểm, nhìn lại mình, tự phê bình và phê bình theo những tiêu chí cụ thể nào?
2. Hội nghị tự phê bình và phê bình vẫn như trước đây đã làm mà không có kết quả, nay nên làm thế nào?
Chúng tôi xin mạnh dạn góp ý trả lời 2 câu hỏi trên như sau:
Về câu hỏi thứ nhất
Chúng ta đang đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhân dịp này lấy nội dung các bức thư Bác Hồ “Gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” (17-10-1945) và “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ” (1-3-1947) làm tiêu chí xem xét, kiểm điểm theo 10 điểm sau:
1. Có “trái phép” không? Tức là có làm việc gì vi hiến, trái pháp luật không?
2. Có “cậy thế” không? Bác viết: “ Cậy thế mình ở trong ban này, ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải cậy thế với dân”.
3. Có “địa phương chủ nghĩa” không? Bác viết: “chỉ chăm chú lợi ích của địa phương mình mà không nghĩ tới lợi ích toàn bộ. Làm việc ở bộ phận nào chỉ biết bênh vực, vun đắp cho bộ phận ấy”.
4. Có “óc bè phái” không? Bác viết: “Ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không hẩu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe…”.
5. Có “óc quân phiệt quan liêu” không? Bác Hồ viết: “… khi phụ trách ở một vùng nào thì như một ông “ vua con” ở đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh họe. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới cậy quyền lấn át. Đối với quần chúng ra vẻ quan cách, làm cho quần chúng sợ hãi. Cái đầu óc “ông tướng bà tướng” ấy đã gây ra bao ác cảm, bao chia rẽ, làm cho cấp trên xa cấp dưới, đoàn thể xa nhân dân".
6. Có “óc hẹp hòi” không? Bác Hồ viết: “Dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được. Tư tưởng hẹp hòi thì hành động cũng hẹp hòi, thì nhiều thù ít bạn. Người mà hẹp hòi thì ít kẻ giúp. Đoàn thể (Đảng) hẹp hòi thì không thể phát triển”.
7. Có “ham chuộng hình thức” không? Bác viết: “Việc gì cũng không xét đến kết quả thiết thực, cần kíp, chỉ nhằm vào hình thức bề ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai… Nhiều nơi, những hình thức tuyên truyền cổ động chỉ biết kẻ khẩu hiệu, trưng cờ biển và trang hoàng nhà thông tin tuyên truyền cho đẹp…, diễn thuyết chỉ làm vì, còn hàng ngày không chịu gần gụi quần chúng…”.
8. Có “làm việc quan liêu lối bàn giấy” không? Bác viết: “Thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều. Ngồi một nơi chỉ tay năm ngón, không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác và chỉ dẫn vạch những kế hoạch thi hành chỉ thị, nghị quyết… cho chu đáo. Những chỉ thị nghị, quyết cấp trên gửi xuống có thực hiện được hay không, các đồng chí cũng không biết. Cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ tình hình bên dưới, cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi, đến chốn”.
9. "Có vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm" không? Bác viết: “Nhiều nơi các đồng chí phạm lỗi, nhưng không bị trừng phạt xứng đáng, có đồng chí bị hạ tầng công tác nơi này đi nơi khác lại ở nguyên cấp cũ hay chỉ bị hạ tầng công tác theo hình thức, nhưng vẫn ở cấp bộ cũ làm việc. Có đồng chí phải trừng phạt, nhưng vì cảm tình nể nang chỉ phê bình qua loa cho xong chuyện. Thậm chí còn có nơi che đậy cho nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể. Thi hành kỷ luật như vậy làm cho các đồng chí không những không biết sửa lỗi mình mà còn khinh thường kỷ luật. Tai hại hơn nữa nếu kỷ luật của Đoàn thể (Đảng) lỏng lẻo, những phần tử phản động sẽ có cơ hội chui vào hàng ngũ ta để phá hoại”.
10. Có “ích kỷ, hủ hóa” không? Bác viết: “Có những đồng chí còn giữ óc địa vị, cố tranh được ủy viên này, chủ tịch kia. Có những đồng chí lo ăn ngon mặc đẹp, lo chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị và công tác của mình mà buôn bán phát tài, lo việc riêng hơn việc công. Đạo đức cách mạng thế nào, dư luận chê bai thế nào cũng mặc.
Có những đồng chí còn giữ thói quen “một người làm quan cả họ được nhờ” đem bà con, bạn hữu vào chức này việc kia, làm được hay không mặc kệ. Hỏng việc Đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”.
Về câu hỏi thứ hai
Tự phê bình, phê bình không thể chỉ kêu gọi tự giác. Cần có sự hỗ trợ tích cực của tập thể và sự tham gia của nhân dân. Theo chúng tôi, cần phải trở lại làm theo cách của Bác Hồ là mở Hội nghị chỉnh đốn (trước đây gọi là chỉnh huấn, chỉnh quân, làm rất có kết quả. Ngày nay nên tránh cách làm cực đoan) ở từng cấp, bắt đầu từ Bộ Chính trị. Tự kiểm điểm công khai từng người, trước hết là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư. Các đồng chí đều phải tự tay viết bản kiểm điểm, tự mình trình bày bản kiểm điểm trước Bộ Chính trị để lấy ý kiến trước, sau đó kiểm điểm chính thức trước Ban Chấp hành Trung ương. Có nghị quyết kết luận từng trường hợp cụ thể. Trừ những việc thuộc bí mật quốc gia, bí mật an ninh quốc phòng, còn lại đều công khai. Càng công khai minh bạch thì càng chứng tỏ “Đảng ta quang minh chính đại”, càng được nhân dân tin tưởng.
Đây là việc khó, rất khó. Nhưng Bác Hồ đã dạy: “Khó dễ cũng tự lòng mình”. Nếu các đồng chí Trung ương bằng tấm lòng trung trinh với Đảng, với dân, không phải vào Đảng, vào Trung ương “để thăng quan phát tài” như Bác Hồ đã căn dặn thì chúng tôi tin chắc việc chỉnh đốn, xây dựng Đảng lần này sẽ tạo ra một luồng sinh khí lành mạnh, sẽ làm cho uy tín của mỗi đồng chí và qua đó uy tín của Đảng ta được nâng cao.
PGS. Trần Đình Huỳnh