Đảng ta đã 81 tuổi với 11 kỳ đại hội đại biểu toàn quốc. Trước Đại hội XI, Đảng luôn đặt ra mục đích “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đến Đại hội lần thứ XI đặt dân chủ trước công bằng thể hiện ý nguyện của nhân dân.
Nói về Đảng, theo tôi chưa có câu nào hơn câu khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta là Đảng cầm quyền” thể hiện trọng trách lớn của Đảng trước vận mệnh dân tộc, đất nước và lịch sử. Từ lâu, trên báo chí, sách vở, tài liệu, chữ Đảng thường được viết hoa, không cần thêm “Cộng sản” mà vẫn tròn nghĩa. Khi đọc Đảng - người ta vẫn nhận ra là Đảng Cộng sản. Hơn 81 năm qua, duy nhất chỉ một Đảng cầm quyền đã được dân tin yêu, bạn bè quốc tế ngưỡng vọng, các thế lực thù địch dù rất muốn cũng khó phá ngang. Mong sao Đảng ta có đủ năng lực, uy tín và sức mạnh luôn xứng đáng là Đảng cầm quyền.
Nói riêng về chữ “cầm”, thông thường, trong tay đã cầm cái gì là phải cầm cho chắc. Cầm cái gì cũng phải cẩn thận, khéo léo và biết cách cầm mới không bị rơi, mất, thậm chí vỡ. Có câu “Cầm vàng còn sợ vàng rơi”. Vàng là vật thể quý, rắn chắc, khi đã cầm được còn sợ rơi, huống gì quyền là một thứ phi vật thể. Ở nước ta, Đảng hy sinh xương máu, đấu tranh, lãnh đạo nhân dân giành độc lập cho dân tộc, giải phóng nhân dân khỏi ách nô lệ, được nhân dân tin tưởng giao quyền lãnh đạo. Nhân dân đã giao quyền, nhưng nếu Đảng cầm không vững, không biết cách cầm thì lẽ đương nhiên là tự làm mất quyền. Người giao quyền lãnh đạo cho Đảng là nhân dân, thì nhân dân có đủ quyền để lấy lại như Bác đã khẳng định: Dân có quyền đuổi Chính phủ khi Chính phủ không còn đủ uy tín. Thế nên từ xưa đến nay, các tư tưởng lớn, các nhà lãnh đạo kiệt xuất, các vĩ nhân thường khuyên rằng khi có quyền rồi phải biết đó là vinh dự gắn với trọng trách, phải biết phát huy và giữ vững quyền. Giành được quyền đã khó, nhưng khi đã có quyền mà để bị mất quyền thì không dễ gì lấy lại được. Bài học lịch sử nhiều thời đại ấy đã luôn được thực tế chứng minh. Khi một thể chế chính trị không biết cầm quyền, làm mất lòng dân, mất niềm tin thì sớm hay muộn cũng bị mất quyền, không một thế lực nào có thể giữ được khi sức dân như sức nước vỡ bờ. Quy luật đó luôn luôn là tất yếu, không thể phủ nhận. Được cầm quyền là nhận vinh dự và niềm tin của dân. Vì thế, khi đã có quyền thì làm bất cứ việc gì, lo tính toán thế nào cũng phải được lòng dân, xứng đáng với trọng trách, với niềm tin mà nhân dân đã giao phó. Vì thế, khi Đảng đã cầm quyền thì phải thực thi quyền dân chủ, thể hiện Nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Thực thi dân chủ không có gì cao siêu, khó hiểu, như tự chữ Dân đã rất bình dị, gần gũi. Nhờ biết dựa vào dân, gắn bó chặt chẽ với dân, nhân lên sức mạnh vô cùng lớn lao của nhân dân, nên Đảng ta ngày càng vững mạnh. Nhờ biết đi vào lòng dân, biết cách tuyên truyền, thuyết phục, vận động nhân dân; nhờ biết tổ chức để tạo dựng, củng cố được sức mạnh đoàn kết toàn dân, một sức mạnh tổng hợp vĩ đại, cho nên qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, Đảng lãnh đạo toàn dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhờ nhân dân có Đảng lãnh đạo mới có nước Việt Nam độc lập, thống nhất đang thực thi sự nghiệp đổi mới có hiệu quả, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trở thành một nước trung bình có tiềm lực phát triển, vị thế ngày càng được vinh danh trên trường quốc tế, bạn bè tin cậy và đánh giá cao.
Tất cả những thành tựu đó là nhờ Đảng sinh ra từ nhân dân, biết dựa vào nhân dân, do nhân dân và cũng theo mục đích vì nhân dân. Nếu Đảng cầm quyền mà buông lỏng vai trò lãnh đạo, xem nhẹ việc trọng yếu là thực thi dân chủ, không giữ vững mối liên hệ mật thiết Đảng-dân, uy tín suy giảm, thì đó là nguy cơ “tự diễn biến” mà mất quyền lãnh đạo. Không có một thế lực thù địch nào có thể có được lòng dân như Đảng ta. Do đó, nếu không xây dựng được Đảng mạnh, lãnh đạo xứng tầm thời đại, xứng với truyền thống hào hùng, nhất là xứng với niềm tin mà nhân dân đã giao, thì đó chính là do Đảng “tự thân” làm mất quyền năng. Khi Đảng ta được nhân dân nhiệt tình ủng hộ, một lòng hưởng ứng, thực sự được dân tin yêu, thì không một âm mưu, thủ đoạn của bất kỳ thế lực thù địch nào, của ngoại lực nào có thể phá hoại được Đảng ta. Bởi khi đó, bản thân nội lực có sức bền và đủ mạnh.
Cũng cần thấy đang có nguy cơ xa dân, nhiều hiện tượng mất dân chủ. Xin kể lại ba câu chuyện chính bản thân tôi chứng kiến.
Chuyện thứ nhất: Mấy năm trước, tôi có dịp đi trong đoàn công tác của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến tỉnh Hậu Giang. Xe đưa nguyên Chủ tịch nước thăm công trình cầu Cái Tư trở về. Bỗng nhiên, một bà già đội bát hương lên đầu chạy nhanh ra chặn trước mũi xe của nguyên Chủ tịch nước. May mà lái xe phanh kịp. Sau đó, theo chỉ đạo của đồng chí Trần Đức Lương, tỉnh Hậu Giang đã điều tra giải quyết vụ việc này. Bà già đó chính là mẹ liệt sĩ đã đội bát hương đi kêu oan, vì nhà đông con cháu, rất nghèo mà đất ruộng vườn bị nhà đầu tư, nhà thầu bồi thường quá rẻ, như bị ăn cướp… Bà già và mấy đứa cháu thưa kiện mấy nơi, nhưng chưa được giải quyết. Nghe nói có đoàn cán bộ Trung ương về thăm địa phương, bà phải chạy ra kêu để mong được cứu giúp. Nếu cán bộ, đảng viên địa phương gần dân, vì dân thì sao bà mẹ liệt sỹ phải hành động như vậy?
Chuyện thứ hai: Dạo năm 1981 huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá) tổ chức khánh thành trạm bơm ở vùng chiêm trũng, nơi có những xã nghèo. Lễ khánh thành tổ chức khá lớn, mời Bí thư Tỉnh ủy khi đó là Hà Trọng Hoà và nhiều cơ quan ban, ngành tỉnh về dự. Nghe nói vì cái lễ này mà xã làm thịt 2 con bò và 4 con lợn để ăn mừng. Khi Bí thư Tỉnh uỷ và đoàn cán bộ tỉnh được Chủ tịch xã mời ăn liên hoan khánh thành trạm bơm, Bí thư Tỉnh uỷ nhận lời. Thấy vậy, tôi đến bên đồng chí nói nhỏ: “Chú ơi! Thanh Hóa đang mất mùa, sao liên hoan lớn vậy?”. “Là do huyện và xã cũng mừng vì xây xong trạm bơm cho vùng thủy lợi còn nhiều khó khăn”. Tôi nói: “Chú ăn được bao nhiêu, dân lại nói là làm những 2 con bò, 4 con lợn tiếp ông Bí thư Tỉnh uỷ”. Chợt hiểu, đồng chí bảo lái xe quay lại, về huyện ăn trưa. Nhưng con đường giữa cánh đồng hẹp, xe lùi không may bị trượt bánh vào mép bờ ruộng lúa nước. Mãi xe chưa thoát lầy. Trưa nắng chang chang, đợi lâu, đồng chí Bí thư ghé vào ngôi nhà mái tranh vách đất cạnh đó. Chị chủ nhà pha cho Bí thư cốc nước đường, lại thêm mấy viên vitamin C. Chị nói như hỏi: “Gớm, có cái trạm bơm con con, sao làm lễ lớn vậy?”. Nếu cán bộ vì dân, biết tiết kiệm, làm sao dân thắc mắc?
Chuyện thứ ba: Một lần, tôi có mặt trong đoàn cán bộ lãnh đạo Trung ương và tỉnh đi thăm vùng đầu nguồn lũ tỉnh Đồng Tháp. Khi gặp nơi đường bị lũ dâng ngập, cả đoàn xe phải dừng lại. Tôi xuống xe. Thấy một nông dân quần áo ướt sũng. Vườn cây trái nhà ông bị vỡ bờ bao, ngập sâu hơn nửa mét. Trong câu chuyện, bỗng nhiên ông hỏi tôi: “Chú có thường đi thế này không?”. Tôi nói: “Dạ, cũng thỉnh thoảng”. Ông nhìn dòng xe con xếp dài, nói: “Một ông lớn đi, sao theo lắm xe vậy? Sao họ rảnh vậy, công việc giao cho ai? Tui là dân thấy đi thế vừa mất công nhiều người, vừa tốn xăng xe của nhà nước”. Dân nói chẳng đúng sao?
Thực tiễn đã chỉ ra rằng, không có một câu kinh điển nào, không một lý luận nào mà ngắn gọn, dễ nhớ, lại bao hàm đầy đủ ý nghĩa và trường tồn như chân lý: “Lấy dân làm gốc”. Không ai khác, chính nhân dân là người thẩm định quang minh chính đại nhất và nhân dân đứng ra chọn lựa sáng suốt đảng chính trị, cũng như nhà chính trị cầm quyền. Ai thu phục được lòng dân thì người đó có sức mạnh vô biên. Ai làm mất lòng dân thì dù tài giỏi, quyền hành đến mấy cũng thất bại. Ai được dân ủng hộ mạnh mẽ thì người đó thành công... Tôi lại nghĩ về dư luận khá “nóng” mới đây khi có một đại biểu quốc hội phát biểu trên diễn đàn đề nghị bỏ Luật Biểu tình ra khỏi chương trình xây dựng luật của Quốc hội khoá này. Biểu tình không ngẫu nhiên mà có, chuyện gì cũng có nguyên nhân sâu xa. Người tham gia biểu tình phải bức xúc lắm, nhất là khi quyền lợi của họ bị xâm phạm, cuộc sống bị đe dọa thì họ mới bỏ công việc đi biểu tình. Trong mối quan hệ Đảng, chính quyền với nhân dân, khi có biểu tình thì trước hết Đảng, chính quyền phải nghiêm túc xem xét, tìm đúng nguyên nhân.
Trong thời đại toàn cầu hóa và đặt trong bối cảnh phát triển thời @, thời bùng nổ thông tin, bất cứ chuyện gì liên quan đến cuộc sống xã hội thì hầu như mọi người dân nước ta được biết rất nhanh. Trình độ dân trí ở nước ta đã nâng lên cả bề rộng, chiều sâu và tầm mức. Do đó mỗi cán bộ, đảng viên, từng tổ chức đảng, nhà nước phải hết sức nhạy cảm, thường xuyên đổi mới tư duy, đổi mới công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước một cách toàn diện, khoa học, hiện đại, hợp lòng dân, vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, hợp xu thế thời đại. Đây thực sự là yêu cầu cấp thiết. Muốn vậy, mỗi đảng viên phải biết tự đổi mới, thoát ra khỏi nếp tư duy đã quá lạc hậu nhưng thành thói quen, khắc phục tác phong quan liêu, mệnh lệnh, bệnh lý luận, bệnh hội trường, không sa vào cách nói và làm giáo điều.
Không nên sống và làm việc theo kiểu cầu an, giữ ghế, chờ lên cấp, chức mà sợ mất lòng cấp trên và đồng cấp, sợ mất phiếu bầu, phiếu thăm dò uy tín. Động cơ sống như vậy dẫn tới thủ tiêu phê bình, tự phê bình, không dám nói, không dám làm, không biết tự chủ, tự tin, tự chịu trách nhiệm cá nhân khi thực thi nhiệm vụ. Muốn được nhân dân tin yêu, Đảng phải thường xuyên đấu tranh phê bình và tự phê bình, tăng cường làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết loại ra khỏi Đảng những kẻ tham nhũng, ăn cắp của công, kéo bè nhóm trục lợi, vô trách nhiệm làm thất thoát tài sản của Nhà nước, chiếm đoạt tài sản nhân dân. Khi có vụ việc cần điều tra, xác minh ngay, làm rõ và kiên quyết khai trừ những đảng viên biến chất chỉ lo chạy chức, chạy quyền, dùng nhiều thủ đoạn để được làm ủy viên này, chủ tịch kia, đại biểu nọ… để rồi lợi dụng quyền thế chức danh lo “vinh thân, phì gia”.
Đảng cầm quyền vững mạnh, trước hết phải vững từ chính nội lực của Đảng, từ niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Khi người dân tin tưởng, Đảng cầm quyền vững mạnh, thực sự trong sạch, toàn tâm toàn ý vì dân, biết lo cho dân, xây dựng và bảo vệ đất nước thì đó chính là thực chất ý nghĩa vinh quang của Đảng. Mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý phải luôn luôn giữ vững như kiềng ba chân, nếu để một bên lệch, thế vững bị mất. Đó là mối quan hệ tương hỗ, chi phối, tác động lẫn nhau, tạo lực và mở thế cho nhau, tạo ra được tổng lực làm cho “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển, an ninh - quốc phòng vững mạnh, độc lập chủ quyền dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững lâu bền.
Bùi Văn Bồng