Có người hỏi tôi: “Cán bộ địa phương đến từng nhà, lại gọi loa mời dân đi họp, nhưng nhiều người vẫn có lý do để không đi. Trong khi đó, đi chùa, cúng lễ không ai bảo mà họ rất tự giác. Đến giờ đi lễ ở nhà thờ, không cần ai đôn đốc, tín đồ cứ đông đủ, đứng chật nhà thờ. Tại sao vậy?”. Lại có người hỏi: “Cô X. là đảng viên, việc chi bộ giao ít hăng hái, nhưng từ khi lấy chồng theo đạo giáo, siêng năng nhiệt tình trong mọi việc của nhà thờ. Thế là sao?”… Những câu hỏi đặt ra từ những thực tiễn trong đời sống thường ngày gợi cho tôi suy nghĩ về mối quan hệ: Đảng và đời, tín nhiệm và tín ngưỡng.
Người ta thường nói: “Con rồng nhờ ẩn tướng, ẩn danh, không hiện hình mà trở thành nổi tiếng”. Trong 12 con Giáp được phân định theo Âm lịch cho 12 tháng, gọi là Can, thì con rồng (Thìn) là không có thực. Người ta tưởng tượng vẽ ra con rồng có đủ thân, vây, chân, mắt, râu, uốn lượn đủ kiểu, nhưng trên thế gian từ xưa đến nay chưa ai thấy con rồng đích thực bằng xương, bằng thịt. Vậy nên rồng trở nên thiêng, thường được lấy làm biểu tượng của vua chúa. Thế mới biết, chưa tiếp xúc, chưa gặp, ít va chạm, ít xuất hiện thường được ngưỡng vọng, có uy. Thần thánh, tiên phật là siêu nhiên, có sức mạnh thần bí là vậy. Nhưng Đảng ta là hiện hữu, hằng ngày gắn với đời sống của người dân trong mối quan hệ tương sinh, máu thịt. Đảng viên tốt, xấu thế nào quần chúng thấy hết. “Dĩ công vi thượng” hay cá nhân chủ nghĩa, trong sạch hay ô trọc, dân đều biết hết.
Từ khi Đảng ta ra đời ngày 3-2-1930, gần 82 năm qua, dân ta nghe và làm theo Đảng trước hết vì dân tín nhiệm Đảng, tin Đảng và thừa nhận Đảng cầm quyền. Không phải bởi chỉ có những khẩu hiệu hay, những nghị quyết đúng, những lời hiệu triệu, kêu gọi có sức thuyết phục, mà dân đi theo Đảng còn vì Đảng đã làm được nhiều việc có lợi cho dân, đáp ứng sở nguyện của dân. Những đảng viên của Đảng sống và làm việc theo tôn chỉ, mục đích, Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nguyên tắc của Đảng, thực sự gương mẫu để dân tin và noi theo. Đó là sự gắn kết chặt chẽ giữa Đảng với đời. Đạo gắn với đời bằng “sợi dây” tâm linh, cảm quan. Đảng với đời là hiện thực, là cụ thể trực quan sinh động trong đời sống xã hội, “sợi dây” gắn kết là sự hữu hiệu của những giá trị đích thực từ vật chất sinh ra ý thức. Giá trị vật chất càng lớn, cụ thể thì ý thức càng sâu và bền. Đó chính là cái gốc cho niềm tin, sự tín nhiệm. Lý luận của Đảng được đúc kết, chắt lọc từ thực tiễn, không phải là thứ luận thuyết trừu tượng, không thể như một tín ngưỡng siêu hình, mà phải rất cụ thể, luôn luôn hiện hữu trong đời sống chính trị - xã hội thường ngày. Vì thế, Đảng càng gắn chặt với dân, đem lại nhiều lợi ích cho dân thì Đảng càng mạnh. Ông cha ta đúc kết chí lý: “Có thực mới vực được đạo”. Chữ “thực” ở đây không đơn thuần là bát cơm ấm bụng, mà là những hiệu quả thực tế mà mọi người thừa nhận, được hưởng hoặc nhìn thấy rõ. Khi đã chứng minh được vai trò và tầm cao lãnh đạo thể hiện ở thành công của cách mạng, của một nghị quyết, một chủ trương, chính sách, thì tự nhiên Đảng và đời hòa quyện, giá trị niềm tin thêm vững chắc.
Ngày nay, Đảng ta muốn khẳng định được tính ưu việt, hơn hẳn của một đảng cầm quyền vững chắc, có bề dày truyền thống vẻ vang và được dân luôn tín nhiệm, tin tưởng, trước hết, Đảng phải tránh giáo điều, xơ cứng, lý luận chung chung, phải thường xuyên coi trọng giá trị trong hoạt động thực tiễn, thường xuyên lấy thực tiễn làm cơ sở đề ra các nghị quyết, chủ trương sát, đúng và hợp lòng dân, bảo vệ lợi ích của dân, không bao giờ được xa rời quần chúng, xa rời thực tiễn. Đội ngũ cán bộ, đảng viên cần gắn bó máu thịt với dân, bám sát cơ sở, có trình độ năng lực, được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chu đáo để đảm đương trọng trách được giao. “Dân trí” thấp thì chậm phát triển, “quan trí” thấp thì không được dân tin, “tâm phục, khẩu phục”, các nghị quyết, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước khó và không đi được vào cuộc sống.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân… Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Như thế, Bác Hồ đã chỉ ra và căn dặn rất cụ thể, để được nhân dân tín nhiệm, một lòng một dạ đi theo Đảng, thì Đảng phải biết phục vụ nhân dân và tự biết giữ gìn uy tín trước nhân dân. Những lời căn dặn của Bác đã toát lên mối quan hệ của Đảng với đời, Đảng với dân, phải làm gì để thực sự xứng đáng với tín nhiệm của nhân dân. Một đạo giáo, muốn được các tín đồ đi theo giáo lý cũng phải gắn với đời thường, thuyết lý và rao giảng cũng phải đi vào những gì hợp sở nguyện của các tín đồ, phải thường xuyên giữ mối liên kết với các tín đồ. Tôn giáo có gắn chặt với đời thường thì tín ngưỡng mới có chỗ đứng. Niềm tin của dân với Đảng cầm quyền là thực tế, hiện hữu, được khẳng định, bối đắp và bền vững với thời gian qua những hoạt động thực tiễn hiệu quả thiết thực. Nhưng, trên thực tế ta vẫn thấy có những đảng viên nói rất hay, lên bục phát biểu rất đúng đường lối, chủ trương của Đảng nhưng thật ra nói không đi đôi với làm, hoặc nói nhiều hơn và hay hơn làm, thậm chí nói một đường làm một nẻo. Đảng viên sống tốt, thực sự thể hiện bản chất cộng sản chân chính, gương mẫu trong mọi mặt, sẽ được dân tin yêu, mến phục. Ngược lại, đảng viên thoái hóa, biến chất, tất yếu sẽ phải chịu búa rìu dư luận, bị dân coi thường, khinh ghét; sẽ tự mình làm mất uy tín của chính mình và dần dần làm mất uy tín của Đảng.
Những biểu hiện dẫn tới mất tín nhiệm, giảm sút niềm tin có rất nhiều. Đó là tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội… Đặc biệt là những sai phạm của một số lãnh đạo giữ những vị trí quan trọng của các địa phương, cơ quan, đơn vị. Để khắc phục những yếu kém đó, chúng ta cần xem xét đầy đủ và phải có chương trình hành động cụ thể đối với những hiện tượng liên quan đến tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Tính tiên phong gương mẫu đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải đi đầu trong hành động, phải thật trong lời nói, việc làm. Vì vậy, cần đặt vấn đề nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên thành vấn đề cốt lõi nhất, bản chất nhất trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng rất phù hợp, đúng đắn, được dân tin, nhưng khi thực hiện trong cuộc sống lại quá chậm và ít mang lại hiệu quả, thậm chí “nằm trên giấy”. Vì các cấp thừa hành không làm hết trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, điều hành kém, không kiểm tra, đôn đốc, cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, thực thi không toàn tâm, toàn lực. Đảng chỉ thực sự vững mạnh, đủ sức đương đầu với những khó khăn, sóng gió trong quá trình lãnh đạo, đưa dân tộc đi tới dân chủ, công bằng, văn minh hạnh phúc khi mỗi cán bộ, đảng viên ý thức đầy đủ về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trước nhân dân, coi việc phát huy tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên là thước đo trong từng hành động thực hiện nhiệm vụ của bản thân mình. Muốn được nhân dân tin yêu, Đảng phải thường xuyên đấu tranh phê bình và tự phê bình, tăng cường làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết loại ra khỏi Đảng những kẻ tham nhũng, ăn cắp của công, kéo bè kết cánh trục lợi vinh thân phì gia, chỉ chăm chắm lo cho “nhóm lợi ích”, biến chính trường thành thương trường, không thực hành tiết kiệm, vô trách nhiệm làm thất thoát tài sản của Nhà nước, chiếm đoạt tài sản của nhân dân.
Từ xa xưa, mọi thành bại của các lực lượng thống trị xã hội đều ở chỗ có dựa trên cơ sở, trên căn nguyên và nguồn gốc cũng như phương cách đi vào lòng người, có biết gắn kết chặt chẽ đạo với đời hay không. Đảng ta đã trở thành niềm tin trong đời sống - xã hội của người dân. Truyền thống quý báu của Đảng là một đảng ra đời từ nguyện vọng của nhân dân, trưởng thành và lớn mạnh do nhân dân, Đảng đã hoạt động vì hạnh phúc nhân dân và được lòng dân, gắn bó máu thịt với nhân dân. Cho nên, giữ tín nhiệm đối với dân luôn luôn là một nhiệm vụ quan trọng nhất đối với Đảng cầm quyền. Chính sự tín nhiệm, niềm tin của Dân với Đảng đã khẳng định tính ưu việt và sự vĩ đại của Đảng, tạo ra và phát huy được sức mạnh tổng hợp để toàn dân một lòng, kiên định đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.
Bùi Văn Bồng