Một số cơ sở khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp

Đề xuất sửa đổi Hiến pháp khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng

Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Điều 4 được ghi là:

“1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Điều 70 được ghi là: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.”

Theo tôi, điểm 1 Điều 4 nên thay thuật ngữ “lực lượng” bằng “tổ chức duy nhất”, thay thuật ngữ “Nhà nước” bằng “hệ thống chính trị” vì Đảng lãnh đạo cả Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức khác (Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Cựu chiến binh). Nên thay cụm từ “lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng” bằng cụm từ “có nền tảng tư tưởng là Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh”, vì chính Đảng Cộng sản Việt Nam là kết quả của sự kết hợp Chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là thuộc tính nội tại của Đảng, không phải yếu tố bên ngoài Đảng. Vì vậy, điểm 1 Điều 4 nên viết lại là: “Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, có nền tảng tư tưởng là Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh - là tổ chức duy nhất lãnh đạo hệ thống chính trị và xã hội.”

Nên cụ thể hóa hơn điểm 2 Điều 4, làm rõ hơn sự giám sát của nhân dân đối với Đảng và chịu trách nhiệm của Đảng đối với dân. Nên thay cụm từ “các tổ chức của Đảng và đảng viên” tại điểm 3 Điều 4 bằng cụm từ “Đảng Cộng sản Việt Nam”. Không cần viết “trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” mà chỉ cần viết “theo pháp luật”. Có thể viết lại điểm này là “Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động theo pháp luật”, thể hiện được bổn phận Đảng cầm quyền, đồng thời khẳng định đảng viên chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Ở Điều 70 nên đưa cụm từ Tổ quốc và nhân dân lên trước cụm từ Đảng Cộng sản Việt Nam. Cụ thể: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Bởi, theo Tư tưởng Hồ Chí Minh Tổ quốc là trên hết, trước hết. Và, dân là gốc; Nhà nước của ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Sự cần thiết thể hiện những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp xuất phát từ các cơ sở sau:

1. Từ học thuyết Mác-Lênin về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và vai trò của Đảng Cộng sản: Giai cấp công nhân là giai cấp “thực sự cách mạng” là “sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”(1), tiêu biểu cho một phương thức sản xuất tiên tiến trong lịch sử. Giai cấp công nhân có khả năng thủ tiêu các chế độ áp bức, bóc lột, xóa bỏ phương thức sản xuất cũ, xây dựng phương thức sản xuất mới tiến bộ hơn. Để thực hiện sứ mệnh lịch sử, giai cấp công nhân phải lập ra đội tiên phong, bộ tham mưu của mình, đó là Đảng Cộng sản. Đảng vạch ra đường lối chính trị đúng đắn, phù hợp và lãnh đạo tổ chức thực hiện sự nghiệp cách mạng, từng bước đem lại dân chủ, công bằng, bình đẳng, tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi người.

2. Từ Tư tưởng Hồ Chí Minh về sứ mệnh của giai cấp công nhân Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chỉ có giai cấp công nhân Việt Nam là dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc thực dân”(2). Người nêu rõ: “Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(3). Không chỉ lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mà Đảng Cộng sản còn tiếp tục lãnh đạo nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Người viết: “Cách mạng thắng lợi rồi, quần chúng vẫn cần có Đảng lãnh đạo vì: dù nhân dân đã nắm chính quyền, nhưng giai cấp đấu tranh trong nước và mưu mô của đế quốc xâm lược vẫn còn; vì phải xây dựng kinh tế, quốc phòng, văn hóa, xã hội cho nên Đảng vẫn phải tổ chức, lãnh đạo, giáo dục quần chúng, để đưa nhân dân lao động đến thắng lợi hoàn toàn”(4). Người khẳng định: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại! Đảng... đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp... Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hoá lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà, mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân... Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”(5). Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

3. Từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng đáp ứng yêu cầu, khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh của đất nước và dân tộc. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các tổ chức đảng phái, các phong trào theo các khuynh hướng chính trị phong kiến, tư sản đều thất bại. Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Từ đó đến nay, Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị cùng toàn dân tiếp tục sự nghiệp đấu tranh cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Sau khi non sông liền một dải, Đảng lãnh đạo nhân dân ta tiến hành sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước, hội nhập, mở cửa, nâng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, phát triển bền vững, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Suốt chiều dài lịch sử, Đảng đã đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, được lòng dân, thuận lòng dân. Thuận lòng dân chính là cơ sở thực tiễn bền vững nhất cho sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

4. Từ cơ sở pháp lý, tầm quan trọng của Đảng Cộng sản trong hệ thống chính trị Việt Nam. Đảng Cộng sản có vai trò lãnh đạo cách mạng, công khai tuyên bố và khẳng định sự lãnh đạo của mình. Một số tổ chức trong hệ thống chính trị có vị trí, tầm quan trọng riêng và được hiến định tại một hoặc một số điều trong Hiến pháp. Đảng Cộng sản là tổ chức chính trị có địa vị và vai trò quan trọng, quyết định vận mệnh đối với Tổ quốc, dân tộc nên Điều 4 quy định về Đảng là cần thiết và hợp lý. Đây là sự kế tục các bản hiến pháp trước.

Tóm lại, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống chính trị và xã hội, những quy định về Đảng và liên quan đến Đảng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là hoàn toàn hợp pháp, hợp với lý luận và lịch sử. Để thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng theo hiến định cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa, thực hiện có kết quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, gắn bó với dân, vì nhân dân phục vụ.

------

(1) Các Mác và Ăng-ghen, toàn tập, NXB CTQG, H.1995, tập 4, tr.605, 610. (2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.1996, tập 10, tr.8. (3) Sđd, tập 2, tr.267-268. (4) Sđd, tập 7, tr.229. (5) Sđd, tập 10, tr.2-4.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất