Kỳ 1: Quan điểm của Đảng về quyền năng chính trị của phụ nữ Việt Nam
Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán các quan điểm đảm bảo và nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ Việt Nam:
Một là, Đảng khẳng định vị trí, vai trò và quyền bình đẳng của phụ nữ trong đời sống chính trị - xã hội. Đó là quyền của phụ nữ được tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc; quyền được trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản; quyền tham gia vào đội ngũ lãnh đạo, quản lý của Đảng và hệ thống chính trị; quyền được chăm lo, bảo vệ, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức về quyền của mình, nâng cao trình độ, năng lực để làm tốt nhiệm vụ được giao và khẳng định vai trò, địa vị chính trị phụ nữ trong xã hội…
Ngay trong buổi đầu xây dựng đội ngũ những hạt giống đỏ cho cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lồng ghép quan điểm về vai trò quan trọng của phụ nữ và trách nhiệm của những người cộng sản đối với việc phát huy vai trò đó của phụ nữ. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Người viết: “Xem trong lịch sử kách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia (…). Vậy nên muốn thế giới kách mệnh thành công, thì phải vận động đàn bà con gái công nông các nước”; “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”[1].
Khi Đảng ra đời, Chánh cương vắn tắt của Đảng xác định: “Về phương diện xã hội thì: …b) Nam nữ bình quyền”. Ngay sau đó, Hồ Chủ tịch kêu gọi: “Từ nay anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng” để thực hiện nhiệm vụ cách mạng, bao gồm “Thực hiện nam nữ bình quyền”[2].
Ngay từ đầu, trong tiêu chuẩn đảng viên và điều kiện vào Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng (3-1930) đã xác định “Lệ vào Đảng” không hạn chế, phân biệt quyền của nữ so với nam, mà: “Ai tin theo chủ nghĩa cộng sản, chương trình đảng và Quốc tế Cộng sản, hăng hái tranh đấu và dám hy sinh phục tùng mệnh lệnh Đảng và đóng kinh phí, chịu phấn đấu trong một bộ phận đảng thời được vào Đảng”[3].
Để rõ hơn, Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam (1951) quy định: “Tất cả những người ở Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ, chủng tộc, thừa nhận Chính cương, Điều lệ của Đảng, hoạt động trong một tổ chức cơ sở của Đảng, phục tùng kỷ luật của Đảng, đóng nguyệt phí cho Đảng, đều được nhận là đảng viên”[4].
Từ đó đến nay, cùng với việc tạo điều kiện cho quần chúng tham gia cách mạng, phấn đấu để trưởng thành, các cấp ủy, tổ chức đảng đã chú trọng công tác phát triển đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nữ. Đúng như quan điểm của Đảng: “Phụ nữ là một lực lượng cách mạng rất lớn. Đảng ta phải hết sức chú ý đem phụ nữ vào trường tranh đấu, phải kéo họ tham gia các hình thức công tác cách mạng tranh đấu”[5].
Hai là, Đảng xác định nội dung, phương thức đảm bảo và nâng cao nhận thức chính trị cũng như khả năng tham chính cho các tầng lớp phụ nữ Việt Nam.
Các cơ quan lãnh đạo của Đảng thông qua ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định để xác định chủ trương, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ; thông qua tổ chức đảng, đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước để thể chế hóa quy định của Đảng thành pháp luật Nhà nước và tổ chức thực hiện; thông qua công tác tổ chức - cán bộ của Đảng để thống nhất lãnh đạo xây dựng bộ máy chuyên trách công tác phụ nữ, thống nhất quản lý, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ của hệ thống chính trị; thông qua công tác dân vận, công tác tư tưởng của Đảng và cả hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động, xây dựng phong trào hành động của phụ nữ để nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm tham chính của phụ nữ, cho phụ nữ; thông qua lãnh đạo và phối hợp với mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là xây dựng và phát huy vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để tập hợp, vận động và xây dựng phong trào phụ nữ tham chính có hiệu quả; thông qua công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết để đánh giá và điều chỉnh kịp thời chủ trương, quan điểm cũng như quy trình công tác phụ nữ của các cấp, các ngành…
Các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị quan trọng của Đảng về công tác phụ nữ có thể kể đến như:
“Nghị quyết về phụ nữ vận động” ban hành tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng (1935) khẳng định: “phụ nữ là một lực lượng cách mạng rất lớn mà Đảng Cộng sản phải hết sức chú ý tổ chức và chỉ đạo”, vì vậy, “Mỗi cấp đảng bộ phải lập một ban uỷ viên phụ nữ, người phụ trách ban ấy được quyền tham dự các hội nghị của đảng uỷ trong Đảng, được biểu quyết về các vấn đề phụ nữ”. Nghị quyết yêu cầu nhanh chóng và ráo riết tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ: “Mỗi đảng bộ phải thiết pháp tổ chức cho được phụ nữ vào Đảng, vào Thanh niên Cộng sản Đoàn và các đoàn thể cách mạng. Cần đem các phần tử phụ nữ hăng hái (…) vào các cơ quan chỉ đạo. Dùng hết các hình thức công khai và bán công khai mà kéo quần chúng phụ nữ vào phạm vi tổ chức những hình thức tổ chức rất dễ hiểu, rất thích hợp cho các lớp phụ nữ lao động”. Trong công tác tuyên truyền, vận động, Nghị quyết yêu cầu: “Phải có tài liệu tuyên truyền riêng cho phụ nữ”, phải “Chống các xu hướng đầu cơ, miệt thị phụ nữ vận động. Chống hết các lý thuyết phản động của bọn tư sản và phong kiến ngăn cản cuộc tranh đấu cách mạng của phụ nữ vận động”[6].
Nghị quyết số 153-NQ/TW ngày 10-1-1967 của Ban Bí thư về “Công tác cán bộ nữ” chỉ rõ: “Sự nghiệp giải phóng phụ nữ là trách nhiệm chung của toàn Đảng, của Nhà nước, của xã hội, song lực lượng phụ nữ trong đó đội ngũ xung kích là lực lượng cán bộ nữ ở tất cả các lĩnh vực phải phát huy vai trò chủ động của mình; phong trào phụ nữ càng phát triển thì đội ngũ cán bộ phụ nữ càng có điều kiện để phát triển mạnh mẽ, và ngược lại, sự phát triển của đội ngũ cán bộ nữ sẽ có tác động lớn đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ… Các cấp, các ngành cần nhận rõ vị trí và vai trò vô cùng trọng yếu của lực lượng phụ nữ”[7].
Những đóng góp của các tầng lớp phụ nữ với tinh thần “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xứng đáng với 8 chữ vàng Hồ Chủ tịch trao tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Để tiếp tục giáo dục, nâng cao vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong điều kiện đất nước đã hòa bình, Đại hội IV của Đảng đặt ra yêu cầu: “Hội Liên hiệp Phụ nữ cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước và các đoàn thể nhân dân khác để động viên phong trào phụ nữ, phát động mạnh mẽ phong trào phụ nữ thi đua lao động, sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, và giải quyết tốt các quyền lợi thiết thực của phụ nữ, phát huy lực lượng và khả năng của phụ nữ trong mọi hoạt động xã hội, trong quản lý kinh tế, văn hoá, quản lý nhà nước”. Đại hội cũng xác định trách nhiệm của toàn Đảng và hệ thống chính trị: “Chúng ta cần đấu tranh nhằm xoá bỏ những quan điểm lạc hậu về vai trò và khả năng của phụ nữ, nhất là xoá bỏ những tàn dư tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ; nâng cao trình độ văn hoá, khoa học, kỹ thuật, nghề nghiệp của phụ nữ, tích cực đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nữ; cải thiện điều kiện lao động, chăm lo sức khoẻ và đời sống của phụ nữ. Phải có những biện pháp và những hình thức vận động thích hợp với phụ nữ ở các lứa tuổi, các ngành nghề, các khu vực cư trú và hoạt động khác nhau”[8].
Thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của Đảng, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 04-NQ/TW ngày 12-7-1993 về “Tăng cường và đổi mới công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới”, yêu cầu: “Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ là nhiệm vụ có tính chiến lược trong toàn bộ công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở quy hoạch, có kế hoạch tạo nguồn, đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ, tạo điều kiện để cán bộ nữ cống hiến và trưởng thành”. Tiếp đó, Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 16-5-1994 của Ban Bí thư “Về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới” xác định 5 nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi các cấp, các ngành tập trung thực hiện: Tiếp tục nâng cao nhận thức, quan điểm của Đảng về vấn đề cán bộ nữ; Có quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ; Nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ trong các cấp, các ngành; Xây dựng chính sách tạo điều kiện cho cán bộ nữ làm việc và khuyến khích tài năng nữ phát triển; Đẩy mạnh công tác phát triển đảng trong phụ nữ. Đặc biệt, trong tổ chức thực hiện, Chỉ thị yêu cầu “Trong các cơ quan làm công tác tổ chức - cán bộ các cấp cần có bộ phận chuyên trách công tác cán bộ nữ để giúp cấp ủy làm tốt công tác này”[9].
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Chính trị khoá X ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lần đầu tiên, Đảng xác lập 4 quan điểm về công tác phụ nữ một cách hệ thống: “1) Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... 2) Công tác phụ nữ phải sát hợp với từng đối tượng, vùng, miền, phát huy được tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của các tầng lớp phụ nữ…, phải chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt vai trò... 3) Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ... 4) Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Trong đó, hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy đảng, trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước các cấp, vai trò chủ thể là phụ nữ mà nòng cốt là các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam”[10].
Sau hơn 10 năm triển khai Nghị quyết 11, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20-1-2018 về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. Trong đó, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 11, đồng thời triển khai các nhiệm vụ: Hoàn thiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, tôn vinh nhằm khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, khát vọng của đội ngũ nữ lãnh đạo quản lý, nữ trí thức, nữ cán bộ khoa học, nữ doanh nhân... Hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, toàn diện của cấp uỷ đối với tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ, bảo đảm cho các cấp hội tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; giám sát, phản biện xã hội; phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ; đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ hội có đủ phẩm chất, năng lực, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, giỏi vận động phụ nữ; tích cực tạo nguồn cán bộ nữ cho hệ thống chính trị[11].
Hiện nay, quán triệt yêu cầu: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ” của Đại hội XIII của Đảng, các cấp, các ngành cần tập trung “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”[12].
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG - Sự thật. Hà Nội, 2011, tập 2, tr.313, 315.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG. Hà Nội, 2002, tập 2, tr.2, 17.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG. Hà Nội, 2002, tập 2, tr. 7.
[4] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-ii/dieu-le-dang-lao-dong-viet-nam-1449
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG. Hà Nội, 1999, tập 5, tr.68.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập. Nxb. CTQG. Hà Nội, 1999, Tập 5, tr. 65, 66, 67, 68
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2003, tập 28, tr. 24, 25
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập. Nxb. Chính trị Quốc gia. Hà Nội, 2004, tập 37, tr.957, 958.
[9] Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 16-5-1994 của Ban Bí thư “Về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới”.
[10] Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị khoá X về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
[11] Xem Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20-1-2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2021, Tập 1, tr.169.
(Còn nữa...)
Bạch Yến