Nghề Tổ chức và việc điều chỉnh địa giới hành chính

Bùi Văn Tiếng Nguyên UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng

Đà Nẵng đề ra lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Đà Nẵng đề ra lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Không phải ngẫu nhiên các đồng nghiệp bên Ngành Nội vụ - tức tổ chức nhà nước - phải đảm đương luôn chức năng tham mưu cho chính quyền các cấp về điều chỉnh địa giới hành chính theo cả hai hướng chia tách và hợp nhất. Bởi khi có thêm một tỉnh hay giảm bớt một huyện sẽ kéo theo rất nhiều động thái liên quan tới việc tăng hay giảm biên chế công chức, viên chức và việc sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Tuy không có chức năng tham mưu cho cấp ủy các cấp về quản lý địa giới hành chính, nhưng cứ mỗi lần tách ra, nhập vào như vậy, ban tổ chức cấp ủy các cấp cũng phải đầu tư công sức để tham mưu sắp xếp, bố trí lại các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện BTV cấp ủy cùng cấp trực tiếp quản lý, không chỉ riêng cho khối quản lý nhà nước - cùng với các đồng nghiệp bên Ngành Nội vụ - mà còn chung cho cả hệ thống chính trị ở địa phương.

Trong thực tế, không một cơ quan nội vụ và không một cơ quan tổ chức cấp ủy nào có thể sớm tham mưu xây dựng quy hoạch cán bộ để phục vụ trực tiếp cho việc sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trước khi tiến hành điều chỉnh địa giới hành chính theo cả hai hướng chia tách và hợp nhất. Hai mươi năm làm nghề tổ chức và thực tế đã trải qua cuộc điều chỉnh địa giới hành chính năm 1997 chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng trực thuộc Trung ương và khi làm Bí thư Quận ủy Thanh Khê cũng từng lãnh đạo việc chia tách phường Thanh Lộc Đán hồi năm 2005 thành hai phường Thanh Khê Đông và Thanh Khê Tây, chia tách phường An Khê thành hai phường An Khê và Hoà Khê, tôi chưa thấy có một quy hoạch trước chia tách. Phải “vừa chạy vừa xếp hàng”, nói khác đi là khi khởi sự, chỉ có thể sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức của từng đơn vị hành chính mới chủ yếu trên cơ sở hiện trạng đội ngũ cán bộ, công chức chung, sẵn có của đơn vị hành chính được chia tách.

Dưới góc nhìn của người làm nghề tổ chức, dường như việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức cho những trường hợp chia tách ít áp lực hơn việc sắp xếp bố trí cán bộ, công chức cho những trường hợp hợp nhất. Bởi trong trường hợp chia tách, số lượng biên chế công chức, viên chức và nhất là số ghế dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đương nhiên sẽ tăng gấp đôi, chỉ cần bố trí ai ngồi vào ghế nào cho phù hợp, đúng người, đúng việc. Nhưng trong thực tế, mọi việc không hề dễ dàng như vậy. Trên cùng địa bàn một huyện, việc bố trí ai chuyển đến công tác hoặc ngồi vào ghế lãnh đạo, quản lý ở xã thứ nhất hay xã thứ hai về cơ bản không có vấn đề gì lớn, bởi đến nhận nhiệm vụ mới ở xã nào thì vẫn trên địa bàn xã cũ, sự thay đổi về cự ly đi làm việc hằng ngày có thể từ làng trên qua xóm dưới và ngược lại nhưng không đáng kể. Mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều khi chia tách huyện và nhất là khi chia tách tỉnh, giống như trường hợp Quảng Nam và Đà Nẵng hồi đầu năm 1997, do tỉnh lỵ của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh mới cách nhau 70 cây số. 

Khi chỉ có thể sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức của tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng trực thuộc Trung ương chủ yếu trên cơ sở hiện trạng đội ngũ cán bộ, công chức chung, sẵn có của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trước chia tách, những người làm nghề tổ chức tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, cả tổ chức cấp ủy và tổ chức chính quyền, phải cân nhắc lựa chọn ai ở lại Đà Nẵng và ai sẽ vào Tam Kỳ. Trước hết, cân nhắc chọn những cán bộ thuộc các huyện phía Nam của tỉnh thời kỳ hợp nhất Quảng Nam - Đà Nẵng được điều động ra công tác ở TP. Đà Nẵng để cho… hồi hương! Thực ra, cũng có một số cán bộ mới được điều động về tỉnh công tác, giờ chuyển vào công tác ở tỉnh lỵ mới Tam Kỳ, có trường hợp được gọi đúng là “hồi hương”, nhưng có không ít trường hợp gần quê mà vẫn xa nhà.

Điều đáng để cho những người làm nghề tổ chức tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng hồi ấy phải tính toán là nhiều cán bộ đã an cư ở Đà Nẵng, đưa cả gia đình ra sinh sống, con cái đi học ở ngay thành phố, cộng với một số cán bộ bản địa quê gốc Đà Nẵng nhưng do yêu cầu công vụ nay phải điều động vào Tam Kỳ, trở thành cán bộ công tác xa nhà, dẫn đến những ngày đầu tuần và cuối tuần xe cộ hết sức tấp nập trên đoạn quốc lộ nối hai tỉnh lỵ mới và tất nhiên còn dẫn đến nhu cầu xin chuyển công tác về lại TP. Đà Nẵng vào mấy năm sau… Công tác xa nhà 70 cây số như vậy dẫn tới việc những người làm nghề tổ chức tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ưu tiên bố trí cán bộ, công chức là nữ ở lại công tác tại Đà Nẵng, dành việc đi xa cho các đồng nghiệp nam giới. Vì thế, hồi mới chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, có người gọi đùa Quảng Nam là tỉnh “quản nam” - chủ yếu quản lý cán bộ, công chức nam giới, còn Đà Nẵng là thành phố “quản nữ” - chủ yếu quản lý cán bộ, công chức nữ giới… 

Những khó khăn, trở lực sau chia tách vừa nêu và chưa nêu hết..., nhìn lại hơn một phần tư thế kỷ vừa qua, có thể nói cả Quảng Nam và Đà Nẵng đều đã vượt qua, bởi khó khăn, trở lực đến mấy thì trường hợp chia tách như vậy chắc cũng không khó khăn, trở lực bằng các trường hợp hợp nhất mà đầu tiên là áp lực về biên chế và số lượng chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý của cả hệ thống chính trị. Có thể nói, đây là áp lực lớn đối với những người làm nghề tổ chức - cả tổ chức cấp ủy và tổ chức chính quyền. Bài toán đặt ra là chọn ai làm người đứng đầu một sở được hợp nhất từ hai sở đã buộc những người làm nghề tổ chức phải đắn đo, cân nhắc để vừa bố trí đúng việc, đúng người đối với người được chọn từ hai người đứng đầu hai sở trước hợp nhất, lại vừa phải tính toán “đầu ra” phù hợp đối với người không được chọn.

Ngay cả số lượng dôi dư từ những cấp phó của hai người đứng đầu cũng là một áp lực không hề nhỏ, nhất là trong việc tính toán “đầu ra” phù hợp cho những người không thể tiếp tục được bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý cấp sở sau hợp nhất. Đó là chưa kể mọi phương án lựa chọn đều phải đặt trong tổng thể nhằm tạo sự cân đối cho hai nguồn cán bộ trước hợp nhất, bởi dẫu thế nào thì tâm lý được tôn trọng cũng khó tránh khỏi trong trường hợp này - ngay cả tên gọi của đơn vị hành chính mới vẫn phải thỏa mãn tâm lý được tôn trọng của nhân dân hai địa phương trước hợp nhất (thường thì địa danh mới hoặc được hình thành từ các chữ cuối của hai hay ba địa danh cũ, kiểu như Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên… hoặc được hình thành từ các chữ đầu của hai hay ba địa danh cũ, kiểu như Cao Lạng, Hà Tuyên, Bắc Thái, Phú Khánh…, chí ít cũng là “đầu này cuối nọ” như kiểu Nghệ Tĩnh, Nghĩa Bình…).

Điều quan trọng nhất đối với những người làm nghề tổ chức hiện nay - cả tổ chức cấp ủy và tổ chức nhà nước là phải tham mưu cho cấp ủy và chính quyền các cấp lộ trình khả thi trong việc điều chỉnh địa giới hành chính ở từng địa phương nhằm vừa thực hiện hiệu quả quan điểm, chủ trương của Đảng nêu trong Kết luận số 48-KL/TW ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, vừa bảo đảm năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của từng đơn vị hành chính mới, phải hơn hẳn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của từng đơn vị hành chính trước hợp nhất.

Điều này đòi hỏi những người làm nghề tổ chức hiện nay phải chủ động chuẩn bị sớm các phương án quy hoạch cán bộ khác nhau để khi bắt đầu triển khai việc điều chỉnh địa giới hành chính theo cả hai hướng chia tách và hợp nhất (tập trung vào trường hợp hợp nhất cấp huyện và xã theo tinh thần Kết luận số 48-KL/TW) thì sẽ kịp thời tham mưu công tác nhân sự cho cấp ủy cùng cấp, hạn chế tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, vừa vội vã, vừa lúng túng, dẫn đến bất cập về công tác cán bộ: “Chưa thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư”. Từ đó, người làm nghề tổ chức khi tham mưu với cấp ủy cần “quy định rõ việc sử dụng và lộ trình sắp xếp số lượng biên chế cán bộ, công chức và số lượng cấp phó của các đơn vị hành chính dôi dư sau sắp xếp”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất