Những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận tư tưởng
Đời sống cộng đồng luôn chứa đựng trong nó vô số mối quan hệ đan xen nhau, tác động lẫn nhau, làm cho sự vận động của xã hội cũng mang nhiều sắc thái và đa chiều. Đối với những người làm báo thì đây chính là “mảnh đất” rất mầu mỡ để họ “canh tác”, bởi hai mặt phải - trái, đúng - sai, tốt - xấu, thuận lợi - khó khăn, thời cơ - thách thức… luôn ở trạng thái biến động khó lường, nó kích thích kỹ năng nghề nghiệp của báo giới.

Những người làm báo phải thường xuyên đối mặt với những vấn đề “nóng” của xã hội, theo đó bằng sự phán đoán mang tính khoa học, bằng sự nghiên cứu nghiêm túc, sự phân tích sâu sắc, sự đánh giá và nhận định có luận cứ cơ sở khoa học và thực tiễn, các nhà báo sẽ làm cho các sự kiện xảy ra trong đời sống xã hội “hiện ra” rõ nét hơn, đầy đủ và kịp thời hơn, điều đó giúp cho dư luận và công luận rộng đường phán xét, thấy rõ bản chất của vụ việc xảy ra, không để vụ việc bị bóp méo, làm cho dư luận hiểu lệch vấn đề ảnh hưởng xấu đến tâm trạng xã hội, đến tình hình an ninh, chính trị trật tự, an toàn xã hội.
    
Thực tiễn chứng minh rằng, bất cứ lúc nào và ở đâu cũng xuất hiện những con người sống theo hướng chân - thiện - mỹ với những việc làm đầy tình nhân ái, lòng vị tha, đầy trách nhiệm với cộng đồng xã hội, bên cạnh đó là sự tồn tại của một nhóm người sống tham lam, ích kỷ, thiếu tình người, gian ác… với những hành vi vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục của con người Việt, vi phạm pháp luật… nói cách khác, mặt tích cực của đời sống xã hội luôn bị mặt tiêu cực “đeo bám”, “cản trở”. Có người lo lắng hỏi  giải pháp nào để chuyển tải đầy đủ, kịp thời tất cả diễn biến trên các lĩnh vực của đời sống đương đại? Thiết nghĩ câu hỏi này không khó trả lời, bởi các loại hình báo chí hiện nay với một đội ngũ hùng hậu đang sở hữu các thiết bị công nghệ thông tin hiện đại và bằng kinh nghiệm tác nghiệp của mình, chắc chắn sẽ đáp ứng được đòi hỏi của nhân dân.
    
Ngoài việc khai thác, phát hiện, giới thiệu những gương sáng, việc tốt trong đời sống xã hội để mọi người học tập noi theo, người làm báo được xem là những chiến sỹ dũng cảm trên mặt trận đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật, những việc làm sai trái trong các mối quan hệ xã hội. Trong thực tế, đã có nhiều nhà báo hy sinh, đổ máu, chịu sự tác động mạnh mẽ và khắc nghiệt của mặt trái xã hội. Người làm báo phải có thần kinh thép để xông pha vào những nơi khó khăn, nguy hiểm không khác gì những chiến sỹ quả cảm thực thụ trên chiến trường, biết “dị ứng” với những gì đã lạc hậu, nếu không sẽ dễ bị dính vào chuyện “đạo báo” mà thi thoảng đó đây dư luận đã cảnh báo, làm buồn lòng cho đội ngũ những người làm báo chân chính.
    
Người làm báo dám nghĩ, nghe, nhìn, dám nói và dám chịu trách nhiệm những gì mà mình phản ảnh... luôn được xã hội ghi nhận, trân trọng. Song, thẳng thắn mà nhìn nhận, chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” trong lĩnh vực báo chí ở nơi này, nơi khác, báo này, báo kia thỉnh thoảng vẫn xảy ra.
    
Trong Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2012, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại Quảng Ninh  ngày 30-3-2012, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã phát biểu chỉ đạo về các nhiệm vụ trọng tâm của công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí năm 2012 và các năm tiếp theo như sau:
    
“…1. Lãnh đạo các cơ quan báo chí, phóng viên cần nhận thức rõ, báo chí phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; phải đảm bảo tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tình đa dạng của hoạt động báo chí…
    
2. Các cơ quan chủ quản báo chí phải chịu trách nhiệm về tổ chức, bộ máy, cán bộ và hoạt động của cơ quan báo chí do mình quản lý. Tập trung xây dựng và phát triển toàn diện cơ quan báo chí, chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là đội ngũ cốt cán, chỉ đạo cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ; có chế độ khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.
    
3. Tăng cường vai trò, trách nhiệm chỉ đạo quản lý của đảng ủy, chi ủy, ban biên tập, nhất là tổng biên tập của các cơ quan báo chí. Xây dựng đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các cơ quan báo chí vững mạnh, thật sự là hạt nhân chính trị lãnh đạo, tổ chức cho cán bộ, đảng viên, biên tập viên, phóng viên thực hiện đúng và nghiêm túc các quan điểm, chủ trương, đường lối, Điều lệ, các quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tôn chỉ, mục đích của báo chí… Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đạo đức lối sống cho biên tập viện, phóng viên các cơ quan báo chí, nhất là đối với đội ngũ phóng viên trẻ…
    
4. Về thực hiện nhiệm vụ tuyền truyền: Cần tập trung tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là cần tập trung tuyên truyên tốt việc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong năm 2012 và các năm tới… Tiếp tục phát huy vai trò, tính tiên phong, tính chiến đấu của báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, các hiện tượng tiêu cực xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trang suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân… phản bác các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch, chống phá cách mạng nước ta”.
    
Với vai trò, chức năng của mình, để tác nghiệp cho ra “sản phẩm tươi” với chất lượng đáp ứng được yêu cầu của xã hội, người làm báo phải biết hòa nhập với đời sống xã hội và ai cũng biết rằng hòa nhập với cái tốt, cái đẹp để tác nghiệp thì không khó, còn tiếp cận với cái xấu, vụ việc vi phạm pháp luật để “chiến đấu” thì chắc chắn là rất khó khăn, nguy hiểm. Ở những nơi này cần lắm những người làm báo có lòng dũng cảm, nếu không dám chấp nhận hy sinh, mất mát thì chẳng thể “mạnh bút” trước sự tác động quyết liệt của chính cái xấu, người xấu mà mình muốn phanh phui ra ánh sáng công lý, dư luận xã hội.
    
Viết về mặt trái của đời sống xã hội, chắc chắn đụng chạm nhiều vấn đề gai góc, khía cạnh hóc búa của từng vụ việc, bởi không ít người đang theo lối sống “đẹp khoe, xấu che”, theo đó họ tìm mọi cách thổi phồng ưu điểm, kể cả mặt thành tích ảo”, đồng thời che giấu những sai phạm, khuyết điểm. Đây chính là một trong những mặt trái của các mối quan hệ xã hội hiện nay, nhất là liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tài chính, tư pháp… như muốn giành phần thắng trong đấu thầu các dự án xây dựng bèn tăng cường quảng bá năng lực “ảo” để xí phần, hoặc lập hồ sơ giả nhằm rùm beng kêu oan hòng “chạy tội”, “chạy án”… Trên thực tế, không ít đơn vị, địa phương, cơ quan được ca ngợi là sản xuất - kinh doanh đầy uy tín, có cách làm sáng tạo, năng động, hiệu quả được cấp trên thừa nhận và khen thưởng xứng đáng, là những điển hình cần nhân rộng. Rồi cũng chính tại các nơi “nổi tiếng” ấy lại râm ran bao nhiêu chuyện nhập nhèm, khuất tất, nào là thiếu minh bạch trong công khai tài chính, nào là tài sản công bị thất thoát nghiêm trọng, nào là mất khả năng hoàn vốn vay ngân hàng, nào là nội bộ mất đoàn kết kéo dài, nào là vi phạm nghiêm trọng quy chế thực hiện dân chủ… Những người làm báo phải có tâm trong sáng, vừa có dũng khí đấu tranh mới có thể tác nghiệp ở những nơi “sóng gió” đó.
    
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 và Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ ra tình hình đất nước trong giai đoạn mới là bên cạnh những vận hội, thời cơ thuận lợi còn có những thách thức, khó khăn đan xen, đòi hỏi người làm báo phải có sự nhìn nhận chắc chắn hơn, thấu đáo hơn để nhanh chóng phát hiện, kịp thời phản ảnh góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi vi phạm đạo đức lối sống, vi phạm pháp luật… Tình hình mới đang đặt ra những yêu cầu mới đối với người làm báo, trong đó có yêu cầu là mỗi người làm báo phải tự chỉnh đốn lại mình, biết vượt qua chính mình với sức “đề kháng” tốt, đủ mạnh vượt qua những cám dỗ vật chất của đời thường, có như thế đội ngũ những người làm báo mới xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, chính quyền và nhân dân, xứng đáng là những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận tư tưởng hiện nay.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất