Ông chú của tôi đã lâu năm làm cán bộ ở trên tỉnh, nay nghỉ hưu, xem chương trình thời sự của VTV đưa tin các đại biểu Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ ba thảo luận ở tổ về việc sửa lại Hiến pháp và Luật Đất đai, bỗng nói: “Không sửa được người thì sửa luật đến mấy cũng như không”.
Tôi đọc báo, xem truyền hình thấy khi thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, sáng 24-5, đại biểu Nguyễn Thanh Sơn (Nam Định) nêu: “Người dân thấy nhiều quan chức lương chỉ tiền triệu nhưng nhà cửa tiện nghi sang trọng. Cho nên, luật gì thì luật, cần giải quyết bức xúc của dân là nạn tham nhũng”.
Tại một tổ thảo luận của đại biểu Quốc hội ở Hà Nội, vấn đề đất đai và người nông dân được các đại biểu dành nhiều quan tâm. Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son phân tích, nhiều khi, chính sách đất đai của ta không hẳn đã sai mà do tổ chức thực hiện sai, dẫn đến bức xúc trong dân, gây mất uy tín của Đảng, chính quyền. Vụ cưỡng chế thu hồi đất sai luật, việc chống lại người thi hành công vụ là có chủ định, biết sai nhưng vẫn làm. Điều này, theo Bộ trưởng Son, “xuất phát từ phía quản lý, đẩy dân vào chỗ đối đầu chính quyền”.
Và Bộ trưởng nhấn mạnh: Hơn nữa, theo Luật Đất đai, khi tiến hành cưỡng chế, không nên dùng cơ quan an ninh ra đối đầu với nhân dân. Ông chỉ rõ, cái sai này “từ tổ chức thực hiện chính sách, biện pháp, phát ngôn thiếu thống nhất, sai sự thật”. “Cần nhìn thẳng sự thật về những thiếu sót... Đây không phải là một bức xúc bình thường”.
Những ý kiến, nhận xét, tâm trạng trên đây đều đúng. Mấy khóa vừa qua, Quốc hội đã ban hành nhiều luật. Sau đó, Chính phủ ban hành không biết bao nhiêu nghị định, thông tư, quyết định, chỉ thị, hướng dẫn… Cũng có nhiều trường hợp, Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luât chậm hoặc trong không ít trường hợp cơ quan tham mưu hướng dẫn luật ra văn bản đẩy khó khăn cho dân, thậm chí trái với luật bị “tuýt còi”. Tuy chưa đủ nhưng về cơ bản, nước ta có nhiều luật trên đủ các lĩnh vực quản lý nhà nước..
Riêng về đất đai, từ 1988 đến nay đã 3 lần ban hành luật đất đai với 5 lần ban hành luật sửa đổi, bổ sung. Luật Đất đai 2003 gồm có 7 chương, 89 điều, hơn 8.600 chữ. Sau khi luật ban hành đã có nhiều ý kiến đóng góp, xây dựng. Đọc kỹ thấy Luật Đất đai 2003 so với Luật Đất đai 1993 dài hơn nhiều nhưng có chỗ thiếu chặt chẽ, sơ hở và xa thực tế hơn. Ngoài các luật sửa đổi, chỉ tính từ năm 2003 đến nay đã có gần 200 nghị định, thông tư, quyết định và nhiều văn bản dưới luật được ban hành. Tôi đã đọc kỹ 3 Luật Đất đai từ 1988, 1993, 2003, rồi 5 Luật sửa đổi, một số nghị định, thông tư, so ra thấy nhiều trùng lặp. Nhất là khi đọc Nghị định 181/2004/NĐ-CP, tháng 10-2004, có tới 14 chương, 186 điều, trên 76.000 chữ. Khi thực hiện sai, người thì nói tôi làm theo văn bản A, người thì nói theo văn bản B, người khác lại nói theo văn bản X… Đây là một nguyên nhân khiến khiếu kiện về đất đai ngày càng nhiều, tiêu cực, tham nhũng về đất đai ngày càng tràn lan, số vụ khiếu kiện đất đai từ 37% năm 1992, lên 53% năm 1994, rồi hơn 70% năm 2010.
Trong thực tế, “một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức có quyền…” đã bị suy thoái, tham nhũng quá nặng, trắng trợn, công khai, bất chấp… Họ tìm mọi cách “lách luật”, vận dụng sai văn bản luật, thậm chí bất chấp luật. Khi làm, họ bỏ qua các quy định, bỏ ngoài tai các ý kiến, cố tình tìm thủ đoạn, cách thức làm cho nhanh, cho kỳ được miễn sao có thể trục lợi. Khi vụ việc bị vỡ lở, mục đích bất thành, âm mưu bại lộ, họ lại sai cấp dưới, chuyên gia, đi tra các luật để tìm cách chối cãi, chạy tội, đổ tại luật, cơ chế. Không ai lôi được “bị cáo” luật và cơ chế ra tòa! Chính vì thế, đồng thời với sửa luật, phải sửa cả người thi hành luật.
Bùi Văn Bồng