Phẩm chất biết lắng nghe

Làm lãnh đạo đòi hỏi nhiều phẩm chất và năng lực, trong đó có phẩm chất: biết lắng nghe. Chính vì vậy, trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã nêu: Với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị đã thảo luận, xem xét tiếp thu ý kiến của đại hội đảng bộ các cấp, của đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kiều bào ta ở nước ngoài đóng góp vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng. Các ý kiến đóng góp lần này rất phong phú, bao quát nhiều lĩnh vực với các phạm vi, nội dung và tầm mức khác nhau, nhưng nhìn chung đều rất tâm huyết, phản ảnh chân thực những suy nghĩ, trăn trở, tìm tòi trước thực tiễn sinh động của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước trong điều kiện mới, thể hiện trách nhiệm với Đảng, với dân tộc, mong muốn Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đất nước ta ngày càng phát triển nhanh, bền vững. Đây là một thông điệp từ người lãnh đạo cao nhất của Đảng nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên đang giữ vị trí lãnh đạo tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, ấy là phải thực sự cầu thị, chân thành lắng nghe, tiếp thu để thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sự vận động chung của quá trình phát triển.

Một số cán bộ ở cơ quan, đơn vị sau khi được làm lãnh đạo thì quên mất việc phải tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện, tự ghép mình vào tổ chức để thực sự là tấm gương cho quần chúng noi theo. Khi có quyền, dường như họ tự cho mình là thông thái nhất, đúng nhất và tự "quyết" nhiều việc mà không chịu lắng nghe người khác.

Họ chỉ thích nghe những điều hợp ý muốn của họ, nên cái sự "thuận nhĩ" ấy giúp những phần tử cơ hội không khó để tìm ra những phương cách mới, tạo những nhóm lợi ích mới thông qua các "quan hệ tế nhị", ràng buộc nhau.

Sự nhầm lẫn tai hại ấy khiến người lãnh đạo chỉ biết nghe một chiều, nên đôi khi dẫn đến cách nhìn không kém phần non nớt hoặc cực đoan, làm mất đi tính trung thực của sự vật và hiện tượng. Tự tin thái quá, lại được tiếp sức bởi một nhóm người mà năng lực chuyên môn nghiệp vụ vừa yếu lại vừa thiếu, nên những xung đột nhỏ sẽ lớn dần và luôn là mầm mống cho sự mất ổn định ở mỗi cơ quan, đơn vị.

Thiếu phẩm chất lắng nghe, người lãnh đạo không huy động được trí tuệ tập thể, do đó họ thiếu khả năng phân tích tình hình thực tiễn, không thể có được các quyết sách kịp thời, đúng đắn, tạo đòn bẩy cho sự phát triển.

Thiếu phẩm chất lắng nghe, người lãnh đạo cũng tự làm thiếu hụt trầm trọng hơn những hiểu biết của mình, do đó khó tự hoàn thiện mình và đương nhiên khó làm tròn nhiệm vụ được giao.
Thiếu phẩm chất lắng nghe, người lãnh đạo đã tự đánh mất đi khả năng tập hợp quần chúng, vốn là một công tác quan trọng và cần thiết trong lãnh đạo của Đảng.

Người lãnh đạo ngoài phải không biết sợ những ý kiến nói thẳng, nói thật, thậm chí không lảng tránh những vấn đề được coi là khá nhạy cảm, bởi đấy chính là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của những người luôn đặt tâm huyết vào nơi mình đang sống và làm việc, luôn muốn cho người lãnh đạo cao nhất ở cơ quan, đơn vị mình thực sự là tấm gương về mọi mặt. Phải biết lắng nghe. Đó là phẩm chất phải có ở mỗi người lãnh đạo.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất