Văn hóa khen thưởng

Thi đua, khen thưởng là một trong những vấn đề lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường quan tâm. Bác coi thi đua là động lực của sự phát triển, vì vậy Người rất quan tâm đến phong trào thi đua yêu nước, qua từng bài viết, lời nói, hành động của Bác đều thể hiện rõ tư tưởng thi đua và bản thân Người đã nêu một tấm gương thi đua mẫu mực.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, ở nhiều cơ quan, địa phương, đơn vị đã tổ chức tốt công tác thi đua và khi đánh giá kết quả thi đua thường có biểu dương các điển hình tiên tiến và khen thưởng. Tuy nhiên, cũng không ít nơi công tác thi đua, khen thưởng không được thực hiện nghiêm túc nên đã gây ra hiện tượng phản cảm.

Mấy tháng trước đây, dư luận rất quan tâm đến thông tin rằng, trong số hơn 15 ngàn người với các loại khen thưởng khác nhau tại Tp. Hồ Chí Minh thì chỉ có 3% số đối tượng là nhân dân nhưng có tới 90% là cán bộ!

Một công ty có đóng góp cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội vừa có một hành vi chưa có tiền lệ là trả lại bằng khen cho UBND Thành phố Hà Nội. Nguyên do là họ chỉ nhận được bằng khen này qua đường bưu điện thay vì nhận được tại hội nghị tổng kết các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.

Trước đó, cũng đã có chuyện cục thuế một tỉnh nọ “thưởng ngược” bị Thanh tra Chính phủ phát hiện. Thông thường việc khen và thưởng là do cơ quan cấp trên thưởng cấp dưới khi có thành tích. Nhưng cục thuế này lại chi thưởng và hỗ trợ ngược cho Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính với số tiền hơn 100 triệu đồng.

Những chuyện nêu trên đã cho thấy việc thi đua - khen thưởng thời gian qua có vấn đề cần được quan tâm. Ở nhiều cơ quan, việc xét duyệt khen thưởng nhiều khi chỉ phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của người lãnh đạo hoặc một “nhóm lãnh đạo”. Thông thường thì những người lãnh đạo được xếp thứ tự cao hơn so với nhân viên và dĩ nhiên sẽ có tình trạng khen thưởng toàn lãnh đạo hưởng… Có nhiều cán bộ năm nào cũng được khen thưởng, danh hiệu nào cũng đoạt. Và sau lãnh đạo là những nhân viên cùng ê kíp được ơn mưa móc…

Bên cạnh đó, có tình trạng khen thưởng tràn lan, cứ ai không có khuyết điểm gì lớn là được thưởng. Việc khen thưởng mang tính hình thức, xuề xòa đến mức các danh hiệu như lao động giỏi, chiến sĩ thi đua trở nên hư danh, mờ nhạt, không thực chất, mất đi nhiều ý nghĩa. Từ đó người được khen cũng ít thấy vinh dự, thậm chí không quan tâm; phía cơ quan khen thưởng cũng có tâm lý làm đại khái, qua loa cho xong chuyện.

Trong khi đó, người dân ít có cơ hội được khen thưởng. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng có thể thấy rõ là do hoạt động yếu kém của tổ chức đảng, chính quyền, khu dân cư chưa quan tâm sâu sát, do cơ chế chính sách, do thiếu nguồn quỹ ở cấp cơ sở…

Khen thưởng là việc tôn vinh những tập thể, cá nhân có những thành tích, có những đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội. Chính vì thế, cần một thái độ, một đánh giá đúng mức của người khen và cần nhất là sự công bằng, minh bạch. Khen thưởng là rất cần nhưng cần hơn chính là văn hóa khen thưởng.

Nguồn: Báo NB&CL

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất